Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngNhật Bản bước vào "cuộc chơi" trên Biển Đông

Nhật Bản bước vào “cuộc chơi” trên Biển Đông

Tàu ngầm Nhật Bản đang hiện diện ở cảng Subic, Philippines. Động thái này cho thấy sự quan tâm mà Tokyo dành cho Đông Nam Á khi tình hình Biển Đông đang “nóng”.

Trước khi quay trở lại chính trường vào năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi thiết lập “an ninh dân chủ kim cương” với các đồng minh chủ chốt Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Ông cam kết “đầu tư năng lực của Nhật Bản vào kim cương an ninh này trên phạm vi rộng nhất có thể”. Và đúng như lời ông nói, Nhật nhanh chóng tăng cường quan hệ với các cường quốc trong khu vực.

Chính sách ngoại giao chủ động của chính quyền Abe được thúc đẩy bởi một yếu tố. Đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhật Bản thừa nhận, nước này không đoán được Trung Quốc sẽ mở rộng lãnh thổ và chủ quyền trên biển với tốc độ nhanh chóng như vậy.

Nhưng ngoài đặt trọng tâm chiến lược vào các nước lớn, Tokyo cũng nỗ lực tiếp cận các quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt là những nước Đông Nam Á.


Nhật hoàng Akihito trong chuyến công du Philippines hồi tháng 1/2016.

Nhật hoàng Akihito trong chuyến công du Philippines hồi tháng 1/2016.

Nước cờ kinh tế tại Đông Nam Á

Ngay sau khi trở lại nắm quyền, Thủ tướng Abe đã thực hiện chuyến thăm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Cùng lúc đó, ông cử Ngoại trưởng Fumio Kishia tới Philippines, Singapore, Brunei và Australia; còn Phó Thủ tướng Taro Aso thì tới Myanmar.

Khác với những người tiền nhiệm, ông Abe nỗ lực hết sức để thúc đẩy hợp tác kinh tế trên khắp châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

“Hiện nay, môi trường chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trải qua một sự thay đổi sôi nổi”, ông Abe phát biểu trước chuyến thăm.

“Gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á là góp phần vào sự hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó cũng là lợi ích quốc gia của Nhật Bản”.

Trong suốt thế kỷ trước, Nhật Bản là trung tâm công nghiệp của châu Á. Đầu những năm 90, kinh tế Nhật chiếm tới 15% sản lượng kinh tế thế giới nhưng đến năm 2008 giảm xuống còn 10% và tới 2030 dự kiến sẽ chỉ còn khoảng 6%.

Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc lại đạt mức tăng trưởng bùng nổ, từ 2% vào năm 1990 tăng lên mức dự kiến là 25% vào 2030.

Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chấm dứt 6 thập kỷ kinh tế Nhật Bản thống trị ở châu Á. Đó là “đòn đau” đối với Tokyo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể trong mối quan hệ thương mại và đầu tư của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á.

Theo số liệu của văn phòng ASEAN, Nhật Bản đứng thứ 2 (sau EU) nếu tính tới nguồn đầu tư trực tiếp mà Tokyo rót vào khu vực này.

Rõ ràng, sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng của nước này trên biển là động lực chính tác động tới chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Biển Đông – Ván cờ chiến lược

Sau lợi ích kinh tế, Nội các của ông Abe lo ngại về khả năng quân sự đang lớn mạnh và dã tâm của Bắc Kinh trên Biển Đông – tuyến hàng hải trọng yếu, vốn là nền tảng cho kết nối thương mại của Nhật Bản.

Để đáp trả, Tokyo đã nhanh chóng kết nối với các nước có chung tư tưởng đang phải trực tiếp đương đầu với hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh.

Trong vài năm qua, có thể thấy mối quan hệ Tokyo-Manila nở rộ. Hai nước tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung và kí kết một thỏa thuận quân sự quan trọng, liên quan tới việc xuất vũ khí, khí tài.

Lần đầu tiên trong 15 năm, Nhật Bản đã đưa tàu ngầm tới Philippines để tham gia cuộc tập trận chung mở rộng Balikatan trên biển Đông và sau đó các tàu hộ tống sẽ ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Theo tờ Sydney Morning Herald (Australia), Nhật Bản chỉ tham gia tập trận ở vai trò quan sát, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: Washington đang thảo luận với Tokyo về khả năng tham gia chính thức trong tương lai.


Tàu ngầm Oyashio và 2 tàu khu trục JS Ariake, JS Setogiri của Nhật Bản tại cảng Subic, Philippines.

Tàu ngầm Oyashio và 2 tàu khu trục JS Ariake, JS Setogiri của Nhật Bản tại cảng Subic, Philippines.

Ngoài ra, Nhật Bản đang cung cấp các tàu đa nhiệm và thương thảo về khả năng bán các tàu ngầm hiện đại lớp Soryu cho Philippines.

Nhận được tín hiệu từ Philippines, Tokyo còn dự tính đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa hai nước ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Giờ đây, khi quyền phòng vệ tập thể đã có hiệu lực, Nhật Bản chắc chắn sẽ tham gia vào hoạt động tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu, nhằm thách thức hành động tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hiện vẫn chưa rõ các chính sách của Nhật Bản sẽ thúc đẩy nỗ lực tìm ra giải pháp cho tranh chấp trong khu vực hay khiến căng thẳng gia tăng.

Nhưng có một điều chắc chắn. Chính quyền của ông Abe đã hạ quyết tâm để lại “dấu ấn” ở Đông Nam Á.

Cuối cùng, Nhật Bản cũng chen một chân vào bàn cờ chiến lược này.

RELATED ARTICLES

Tin mới