Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngTỉnh táo trước thòng lọng lưỡi bò

Tỉnh táo trước thòng lọng lưỡi bò

Trung Quốc quá xảo quyệt trong việc chủ động gây ra tranh chấp rồi sau đó “đàm phán chia phần” để không nuốt được cả bát cơm cướp từ tay…

Inquirer ngày 11/4 đưa tin, Trung Quốc nói rằng nước này sẽ “tham vấn thân thiện” với các nước láng giềng để tránh đối đầu vì các hoạt động đánh bắt cá ở “khu vực tranh chấp” trên Biển Đông.

Tuy nhiên Philippines cho biết, nước này sẽ chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan trong vài tuần tới sau đó mới đàm phán gì thì đàm phán.

Đó là vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ở Biển Đông. Đồng thời Trung Quốc đã không ngăn chặn công dân và tàu cá của mình khai thác bất hợp pháp các tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn cản ngư dân tàu cá Philippines tìm kiếm sinh kế bằng các hoạt động đánh bắt cá truyền thống ở bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong một động thái mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng, cuộc đối đầu giữa ngư dân (có tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống) với những người đến từ Philippines, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan có thể tránh được thông qua “tham vấn thân thiện”.

“Hợp tác nghề cá là một phần quan trọng của sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có các nước ven Biển Đông”, Lục Khảng lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tuần qua và được đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Khảng nói chính phủ Trung Quốc coi trọng việc quản lý và đào tạo ngư dân Trung Quốc (giúp chính phủ bành trướng, xâm phạm các vùng biển các nước láng giềng để hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp) để “tiến hành các hoạt động khai thác với các quy định của pháp luật”.

Nhưng kể từ năm 2012, Philippines đã ghi nhận nhiều trường hợp gây hấn của tàu Trung Quốc, đặc biệt là trong các vùng biển gần bãi cạn Scarborough.

Tỉnh táo trước thòng lọng lưỡi bò

Cá nhân người viết cho rằng, phải nói Philippines rất tỉnh táo trước cái thòng lọng mang tên đường lưỡi bò mà Trung Quốc gian xảo đưa ra trong phát ngôn của Lục Khảng. Ngay trước thềm phán quyết của PCA, Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để hợp pháp hóa đường lưỡi bò để không được toàn bộ thì cũng được một phần.

Trong đó việc Trung Quốc xúi giục, kích động và hậu thuẫn tài chính, bảo vệ an ninh cho tàu cá của mình liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng thời gian vừa qua, từ Indonesia, Malaysia cho đến Philippines, Việt Nam là nhằm chuẩn bị bước đệm cho đề xuất “tham vấn thân thiện” ngay trước khi PCA ra phán quyết.

Xin lưu ý là nhiều vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển các nước láng giềng gần đây là men theo viền đường lưỡi bò, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước láng giềng và không có tranh chấp, không phải ở khu vực quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Chấp nhận đàm phán dưới vỏ bọc “tham vấn thân thiện” hay vỏ bọc nào đi nữa vào lúc này, là vô hình chung đã chui vào cái thòng lọng đường lưỡi bò vì đã mặc nhiên thừa nhận nó.

Trung Quốc quá xảo quyệt trong việc chủ động gây ra tranh chấp rồi sau đó “đàm phán chia phần” để không nuốt được cả bát cơm cướp từ tay láng giềng, cũng ăn được một nửa. Đề xuất “tham vấn thân thiện” mà ông Lục Khảng đưa ra thể hiện rõ nét âm mưu này.

Trung Quốc xảo quyệt bao nhiêu trong tình huống này thì Philippines lại tỉnh táo bấy nhiêu. Dựa vào UNCLOS mà bản thân Trung Quốc là một thành viên Công ước, Philippines đã yêu cầu PCA ra phán quyết hủy đường lưỡi bò trước tiên.

Sau đó yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết về hiệu lực pháp lý của một số thực thể ở Trường Sa để thu hẹp phạm vi tranh chấp, và đến các hành động xâm phạm quyền tài phán của Philippines, ngăn chặn sinh kế hợp pháp của ngư dân Philippines…

Có lẽ chỉ có thượng tôn và bảo vệ Luật pháp quốc tế, trong trường hợp này là UNCLOS mới giúp Philippines cũng như các nước khác quanh Biển Đông tránh được cái vòi bạch tuộc tham lam vô đáy ấy. Biển Đông đang có tranh chấp là một hiện thực (phần lớn là do Trung Quốc tạo ra), nhưng không phải gần như tất cả Biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò.

Trung Quốc đang dùng lực lượng ngư dân của họ để biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp. Đây cũng là nguyên nhân tại sao COC không thể ra đời và Bắc Kinh tìm mọi cách trì hoãn, bởi lẽ chắc chắn Trung Quốc sẽ đòi áp dụng COC trong phạm vi đường lưỡi bò.

Nói cách khác, đồng ý điều này là mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại “hợp pháp” của cái đường bành trướng, phạm pháp ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới