Anh đặt câu hỏi, hai việc này có mối liên hệ gì không, tôi không biết đây là do bản thân anh tưởng tượng ra, hay là một thông điệp ngầm từ một bên nào đó.
China News ngày 12/4 đưa tin, cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đưa ra một số bình luận về việc 2 tàu hộ vệ Nhật Bản thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Ông Khảng (được cho là) nhận câu hỏi từ phóng viên rằng, Cam Ranh rất gần Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc yêu sách “chủ quyền”, Trung Quốc có bình luận gì về việc 2 chiến hạm Nhật đến Cam Ranh?
Lục Khảng tuyên bố: “Những hoạt động triển khai hợp tác bình thường giữa 2 quốc gia bất kỳ nào không nên trở thành đề tài bàn tán.
Nhưng nếu như những hợp tác ấy nhằm vào một bên thứ 3 và không có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực, đặc biệt là nếu liên quan đến Trung Quốc thì Trung Quốc tất nhiên phải thể hiện rõ lập trường của mình.
Còn về việc anh đặt câu hỏi, hai việc này có mối liên hệ gì không, tôi không biết đây là do bản thân anh tưởng tượng ra, hay là một thông điệp ngầm từ một bên nào đó”.
Lục Khảng tiếp tục lặp lại các tuyên bố sai trái và lừa bịp dư luận về cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Ông Khảng còn lấp liếm cho các hoạt động leo thang bành trướng, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi bất chấp phản đối của dư luận khu vực và quốc tế rằng, Biển Đông cơ bản vẫn hòa bình, ổn định.
Lục Khảng nói, Trung Quốc vẫn hối thúc các bên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, xúc tiến đàm phán Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC.
Tuy nhiên thực tế Trung Quốc đang vi phạm trắng trợn và chà đạp lên chính những gì ông Khảng vừa nói, ngoài ra còn có cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên, và thỏa thuận chính trị với các nước, cam kết của ông Tập Cận Bình trước dư luận quốc tế.
Trong một động thái khác có liên quan, hôm qua 12/4 Trung Quốc đã triệu kiến Đại sứ Nhật Bản và Công sứ 6 nước còn lại thuộc nhóm G-7 để trao công hàm “chính thức kháng nghị” về việc G-7 ra tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.