Sina cho rằng, Nga đang trì hoãn việc giao hàng Su-35 cho Trung Quốc là do Việt Nam cũng đang đàm phán mua loại máy bay này và thậm chí Nga sẽ dành cho Việt Nam phiên bản có cấu hình hơn hẳn các trang bị bán cho Trung Quốc.
Trong tuần vừa qua, chuyên trang quốc phòng của mạng Sina Trung Quốc đã có một loạt bài viết về việc các phương tiện truyền thông Nga đưa tin Việt Nam quan tâm đến việc mua sắm các máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga, cũng như các trang thiết bị vũ khí hiện đại khác.
Theo Sina, Nga đã nhiều lần hoãn đơn hàng Su-35 của Trung Quốc, rất có thể đằng sau đó chứa đựng một ý đồ nào đó. Vào đầu năm 2006, Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến Su-35, và đã bắt đầu đàm phán với Nga, nhưng đã không đạt được kết quả thỏa đáng. Sau một loạt cuộc đàm phán dài 9 năm, đến tháng 11/2015, hai nước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu Su-35. Nga sẽ cung cấp 24 máy bay Su-35 cho Trung Quốc, với tổng giá trị lên đến 2 tỷ USD.
Theo Sina, tiêm kích SU-35 hiện đang được Việt Nam và Ấn Độ quan tâm |
Tin tức từ phía Nga cho biết, họ sẽ cung cấp lô hàng đầu tiên cho Trung Quốc gồm 4 máy bay Su-35 cùng các trang thiết bị phụ trợ khác vào cuối năm nay, bao gồm cả các thiết bị liên lạc mặt đất dành riêng cho Su-35.
Tuy nhiên, theo ông Sergei Chemezov, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ quốc phòng lớn nhất của Nga mới đây cho biết, cuối năm nay sẽ không thể cung cấp máy bay Su-35 cho Trung Quốc, lý do là vì Trung Quốc và Nga đang xem xét lại hợp đồng. Điều này có nghĩa rằng không quân Trung Quốc có thể phải đến năm 2017 mới có được những chiếc máy bay chiến đấu Su-35 đầu tiên.
Sina cho rằng, việc Ấn Độ và Việt Nam cũng đang quan tâm và đàm phán mua sắm máy bay chiến đấu Su-35, cùng với việc Nga đang trì hoãn việc giao hàng cho Trung Quốc đã làm cho ý nghĩa và lợi thế của việc Trung Quốc có Su-35 đã bị đánh mất.
Hơn nữa đã có những tiết lộ cho rằng Nga sẽ dành cho Việt Nam phiên bản vũ khí với cấu hình ưu tiên, có nghĩa là tính năng sẽ hơn hẳn các trang bị mà Nga bán cho Trung Quốc.
Đáng lưu ý là việc Sina cho rằng, Việt Nam không chỉ tích cực mua sắm các trang thiết bị vũ khí đã bị Nga loại biên từ thời Chiến tranh thế giới thư 2 như, pháo tự hành SU-100, 2S1 Gvozdika, 2S3 Akatsiya… mà Việt Nam còn có cả pháo tự hành nhảy dù ASU-85. Đặc biệt Việt Nam đã chi 650 triệu USD để trang bị từ Nga 130 xe tăng T-90SV.
Từ những thống kê chưa đầy đủ thì Việt Nam đã chiếm đến 40% thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga về giá trị đơn hàng, và là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Nga. Điều đó cho thấy Việt Nam đã chi một khoản tiền không phải là nhỏ nhằm gia tăng khả năng phòng thủ, Sina cho biết.