Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam làm lốp máy bay quân sự:Mục tiêu phục vụ Su-30

Việt Nam làm lốp máy bay quân sự:Mục tiêu phục vụ Su-30

Chúng ta hoàn toàn có khả năng xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới về chất lượng, giá cả.

Ưu việt của lốp không săm

Sản phẩm lốp máy bay bơm hơi không săm là 1 trong 6 công trình được trao giải Nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13. Cụ thể là dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39”.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 13/4, về dự án trên, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là thành tựu của một quá trình cống hiến của bản thân ông cùng các đồng nghiệp.

Năm 2008, bản thân ông Đoàn cùng các đồng nghiệp bắt đầu vào nghiên cứu, đến năm 2010 thì kết thúc. Khi được cấp trên phê duyệt thực hiện dự án, thì bắt đầu triển khai từ giữa năm 2012 đến năm 2014 kết thúc, nghiệm thu tháng 3/2015.

“Khi làm việc với Bộ KH&CN về dự án trên, chúng tôi đã đăng ký xin được đi nước ngoài, để học hỏi, nắm bắt công nghệ. Thế nhưng, sau đó có nhiều thay đổi về Thông tư, Nghị định nên chúng tôi không được đi, chính vì thế, các anh em phải tự nghiên cứu, học hỏi.

Điều quan trọng là hiện nay chưa có đơn vị, cơ quan nào trong nước nghiên cứu về lốp không săm cho máy bay. Để làm được có hai yếu tố quan trọng đó là tải trọng và tốc độ, đều ảnh hưởng lớn đến quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra loại lốp này” – ông Đoàn chia sẻ.

Tuy nhiên, vì đã có tiền đề công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi có săm đã được Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân hợp tác với Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng nghiên cứu thành công, chuyển sang sản xuất hàng loạt cung cấp cho Quân chủng Phòng không-Không quân sử dụng hiệu quả, nên đề tài vẫn được triển khai rất tốt.

Theo ông Đoàn, dự án này chỉ tập trung giải quyết một số yếu tố như thiết kế và triển khai dây chuyền công nghệ chế tạo lốp máy bay L-39; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất lốp máy bay L-39 trên dây chuyền công nghệ của dự án; hoàn thiện đơn pha chế và công nghệ chế tạo các hỗn hợp cao su thành phần của lốp…

Đặc biệt, Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân đã từng chế tạo thành công lốp của máy bay MiG 21, Su-22, nhưng tất cả đều là dòng lốp có săm. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng thì lốp không săm tốt hơn và độ an toàn với máy bay tin cậy hơn.

Tuy rằng, hai loại lốp trên về cơ bản, các lớp mố, cao su, vào phanh đều giống nhau, chỉ khác nhau ở điểm, với lốp không săm thì sẽ bịt kín bằng lớp cao su bên trong, có lớp chống thấm khí, gót của lốp có van trống thay săm. Trong quá trình làm, đó là yếu tố khó khăn nhất với lốp không săm.

Với dự án lần này, chúng tôi làm thêm lớp màng bảo quản, trước thì các lốp có săm hay không có săm sử dụng trong không quân đều không có lớp bảo quản màng na nô.

Vì điều kiện của chúng ta các sân bay đều nằm ở vùng biển, điều kiện nhiệt đới ẩm, nóng nhiều, màng này sẽ giúp thời hạn bảo quản dài hơn, quá trình vận chuyển đảm bảo môi trường bên ngoài tác động tốt hơn.

Hoàn toàn có thể hợp tác sản xuất với các nước

Về dây chuyền để sản xuất lốp máy bay, ông Đoàn tiết lộ, nếu như nhập từ nước ngoài chúng ta phải mất khoảng 20 triệu USD, nhưng nếu dựa vào dây chuyền sản xuất lốp ô tô đã có, chúng ta có thể giảm bớt chi phí đi rất nhiều lần.

Bởi vì, chúng ta chỉ cần đầu tư thêm các thiết bị chuyên dùng, như khuôn lốp, màng lưu hóa, trống thành hình lốp, thiết bị thử độ bền chịu phá nổ…Các thiết bị này cũng chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất lốp máy bay.

Bên cạnh đó, trong số nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất lốp máy bay thì cao su thiên nhiên chiếm đến 60% và nguyên liệu này đều có tại Việt Nam, giúp kích cầu trong nước, các địa phương trồng cây cao su, sản xuất làm cao su cũng bao tiêu được.

Đó còn chưa kể đến giá nhân công ở nước ta cũng rẻ hơn so với nước ngoài từ 3 đến 5 lần, cộng với chi phí cho vận chuyển thấp hơn rất nhiều so với nhập ngoại, nếu như chuyển từ Tiệp Khắc, Nga về rất đắt.

Chính vì thế, nếu như trước đây, khi mua ở nước ngoài, tính theo tỷ giá hiện tại, thì giá thành khoảng 20 triệu đồng/1 chiếc lốp chính. Còn sản xuất trong nước, bán lại cho Quân chủng phòng không – không quân có lãi rồi thì chỉ có giá 8 triệu đồng/ 1 chiếc lốp chính.

Nói về việc sản xuất đại trà để bán rộng ra thị trường, theo ông Đoàn, trước mắt sẽ nghiên cứu sản xuất lốp máy bay cho các dòng máy bay khác, để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho lực lượng phòng không – không quân trước.

“Với sức sản xuất hiện nay, chúng tôi sản xuất được số lượng lốp rất lớn để thường xuyên sử dụng trong nước, hoàn toàn không phải nhập ngoại.

Một năm chúng tôi sản xuất khoảng từ 500-600 chiếc, trong đó là 100 – 200 chiếc lốp mũi, bởi vì 1 máy bay có 1 lốp trước và 2 lốp chính đằng sau. Từ khi làm đề tài, chúng tôi sản xuất 75 chiếc lốp, sau khi hoàn thiện được phép làm 800 chiếc, như vậy tổng cộng cũng gần 900 chiếc”, ông Đoàn khẳng định.

Với những gì đã làm được, ông Đoàn tin tưởng rằng, chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với nước ngoài nếu họ có nhu cầu sản xuất. Sau này, sẽ hướng tới việc mở rộng sản xuất đại trà, để cung cấp ra thị trường trong nước và nước ngoài.

Bởi vì, tiêu chuẩn chất lượng lốp máy bay đạt tương đương lốp do nước ngoài sản xuất. Số lốp này đã được đưa vào khai thác, sử dụng tại Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân và được đánh giá đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn bay.

Trong khi sản phẩm của dự án đã được thương mại hóa, nên có thể bán trong nước và nếu tìm được thị trường có khả năng xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới về chất lượng, giá cả.

Thêm một ngành sản xuất lốp máy bay

Chia sẻ ý nghĩa của dự án trên, ông Đoàn nói: “Qua đây chúng ta đào tạo được một số công nhân, kỹ sư biết thêm về công nghệ, cũng như trong quá trình sản xuất, thử nghiệm dòng lốp này, xuất hiện một ngành nghề mới là sản xuất lốp máy bay.

Thậm chí khi được triển khai hết công suất sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân Việt Nam, mang lại lợi ích về kinh tế.

Đối với quốc phòng, nó chủ động, kịp thời cung cấp thêm một loại phụ tùng thay thế rất cần thiết và khan hiếm cho máy bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thay vì thụ động trong việc phải đi nhập khẩu trước đây từ nước ngoài”.

Với những thành công tự dự án trên, ông Đoàn vẫn sẽ tiếp tục với đề tài nghiên cứu, chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay Su-30.

Theo ông Đoàn chia sẻ, lốp Su-30 là dòng lốp khác hẳn kể cả về tốc độ lẫn tải trọng, tải trọng của lốp Su-30 khoảng 30 tấn, lốp L-39 chỉ hơn 4 tấn, cho nên chênh lệch nhiều.

Tốc độ của Su-30 là 360km/h, còn L-39 là hơn 200km/h, mà tốc độ ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu, độ bền của lốp.

RELATED ARTICLES

Tin mới