Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngBình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông

Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông

Lợi ích của Nga trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như tâm lý chống Mỹ của Nga đã và đang “khúc xạ” vào Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/4 đưa tin, ngày 12/4 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trả lời báo chí về lập trường của Nga xung quanh một số vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Ông Sergei Lavrov cho biết: “Lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông là, tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Cần phải dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hóa những vấn đề này. Chúng tôi tích cực ủng hộ Trung Quốc và các nước ASEAN lựa chọn giải pháp trên, đầu tiên là phải căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ngoài ra, còn có Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002. Sau đó, là nhận thức chung mà Trung Quốc và ASEAN đã đạt được năm 2011.

Theo những gì tôi biết, hiện nay Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó quy định nghĩa vụ pháp lý của các bên.

Tôi cho rằng đó là phương án khả thi duy nhất. Tôi từng nhiều lần tham dự các diễn đàn hợp tác khu vực như khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Đông Á, hợp tác an ninh giữa ASEAN với các đối tác. Trong những hoạt động này tôi thường thấy có người muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Tôi tin rằng đó là việc làm vô ích. Chỉ có đàm phán, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được.”

Trước khi dẫn lời ông Lavrov, Thời báo Hoàn Cầu mở đầu bằng việc tháng 1/2013, Philippines “đơn phương” khởi kiện Trung Quốc (áp dụng và giải thích sai UNCLOS, vi phạm UNCLOS ở Biển Đông) lên Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại The Hague, Hà Lan.

Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục đánh tráo khái niệm khi nói rằng, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận, không tham gia vụ kiện “đơn phương” này bằng lập luận phi lý: “Chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc do nhân dân Trung Quốc làm chủ”.

Tạm thời không bàn đến lập luận và ý đồ của Thời báo Hoàn Cầu cũng như truyền thông Trung Quốc xung quanh vụ kiện của Philippines, người viết cho rằng phát biểu của Ngoại trưởng Nga nổi lên một số vấn đề đáng chú ý.

Đầu tiên đó là lập trường chính thức của Nga trong vấn đề Biển Đông, trong đó có tính toán đến những lợi ích chiến lược của Nga trên bàn cờ chính trị quốc tế cũng như khu vực. Đặc biệt là lợi ích của Nga trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như tâm lý chống Mỹ của Nga đã và đang “khúc xạ” vào Biển Đông.

Thứ hai, người viết cho rằng lập trường của Nga về các tranh chấp ở Biển Đông có biện pháp “khả thi duy nhất” là chính trị – ngoại giao là không chính xác.

Bởi lẽ các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông là vấn đề pháp lý, không phải vấn đề chính trị hay ngoại giao. Chính trị – ngoại giao là một kênh quan trọng để tạo nền tảng, không khí thân thiện cho hoạt động giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Đầu tiên là đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng một khi các bên không thể thuyết phục được nhau bằng lý lẽ, lúc đó cần có vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế.

Đó mới thực sự là ứng xử văn minh, đó mới là giải pháp khả thi và tối hậu nhằm giải quyết công bằng, hợp pháp, hợp tình hợp lý mọi tranh chấp.

Mặt khác, nếu chỉ có giải quyết bằng con đường “chính trị, ngoại giao” mới khả thi như ông Sergei Lavrov nói, thì vô hình chung vai trò của Công pháp Quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế như PCA đã bị vô hiệu hóa.

Trong khi “giải quyết qua con đường chính trị, ngoại giao” thì chân lý luôn thuộc kẻ mạnh, chiến thắng sẽ thuộc về cường quyền. Chắc ông Ngoại trưởng có thể thấy rõ điều này.

Thứ ba, Ngoại trưởng Nga nhắc đến nền tảng đàm phán về tranh chấp Biển Đông phải dựa trên UNCLOS, DOC và nhận thức chung Trung Quốc – ASEAN 2011 thì cả 3 đang bị Trung Quốc chà đạp.

Bản thân Phụ lục VII của UNCLOS cũng quy định rất rõ về các thủ tục, trình tự tố tụng giải quyết tranh chấp về ứng dụng, giải thích Công ước thông qua cơ quan tài phán.

Nga thừa nhận và đề cao UNCLOS, nhưng lại lờ đi phiên tòa thành lập theo đúng quy định của UNCLOS thì thật lạ! Có thể hiểu lập luận này là một sự làm ngơ, để Trung Quốc vin vào chống lại phán quyết của PCA đại diện cho công lý và công pháp quốc tế.

Còn DOC đã bị Trung Quốc ném vào sọt rác từ lâu rồi, trong khi COC thì chưa biết ngày nào có mặt. Bởi lẽ ASEAN thì đã sẵn sàng, nhưng Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn.

Nếu đồng ý, thì họ lại đưa ra mệnh đề “chủ quyền phạm vi đường lưỡi bò” thuộc Trung Quốc, rồi đàm phán gì thì đàm phán. Hoặc đòi áp dụng COC trong toàn bộ phạm vi đường lưỡi bò, như thế khác nào các bên hai tay dâng Biển Đông cho Trung Quốc rồi mới đàm phán?

Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS mà Trung Quốc còn coi chẳng ra gì thì DOC, COC liệu có làm nên cơm cháo? Người viết hoài nghi điều này, và cho rằng DOC hay COC chỉ là cái “mo cau” Trung Quốc muốn dùng để bịt miệng các bên liên quan trước hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, vi phạm trắng trợn UNCLOS và cả DOC.

Thiết nghĩ Nga nên đặt mình vào vị trí của các nước nhỏ ven Biển Đông để có thể đưa ra phản ứng phù hợp. Đặt giả thiết dù không muốn mất lòng bên nào, thì chí ít Nga cũng nên bảo vệ nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ luật pháp quốc tế, mà ở Biển Đông là Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS được thể hiện cụ thể qua tiến trình tố tụng và phán quyết của PCA.

Nhân loại ngày một văn minh tiến bộ thì cách hành xử theo kiểu luật rừng, cá lớn nuốt cá bé dưới chiêu bài “chính trị, ngoại giao” ngày càng mất chỗ đứng, thay vào đó là hành xử theo Công pháp Quốc tế.

Lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông bị chi phối bởi lợi ích chiến lược của Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Nga – Mỹ đối đầu trên nhiều mặt trận, trong khi Nga càng ngày càng phải dựa dẫm vào Trung Quốc về mặt kinh tế không có gì khó hiểu.

Tuy nhiên, trong xu thế tiến bộ văn minh của nhân loại hành xử theo Công pháp Quốc tế, thái độ ứng xử ấy trở nên lạc lõng và không giúp ích gì cho việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Mặt khác nó còn làm cho vai trò, vị thế của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như Nga giảm giá trị trong con mắt cộng đồng quốc tế, vì Nga tự đánh mất tính độc lập và vai trò của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới