Trước khi rời nhiệm sở, ông Cửu cũng gửi gắm người kế nhiệm là Tiến sĩ Thái Anh Văn tiếp tục bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò (phi pháp, bành trướng, lừa phỉnh…
Ông Mã Anh Cửu, ảnh: bdp-taiwan.blogspot.com.
Liên Hợp Đài Loan ngày 15/4 đưa tin, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của đảo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm qua lại một lần nữa lên tiếng về (cái gọi là) yêu sách chủ quyền đối với Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) trên cương vị người đứng đầu đảo Đài Loan.
Ông Cửu kêu gọi Tòa Trọng tài Thường trực PCA không ra phán quyết về hiệu lực pháp lý của Ba Bình, càng không nên phán quyết Ba Bình là một đá (rock) chứ không phải đảo (islands) theo định nghĩa trong Điều 121 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Mã Anh Cửu hùng hồn tuyên bố: “Nếu PCA ra phán quyết sai lầm, thì không chỉ làm tổn hại đến quyền lợi của Trung Hoa dân quốc (Đài Loan), mà còn là phán quyết vi phạm luật pháp”. Cũng trong sáng hôm qua, ông Cửu tham dự một hội thảo quốc tế “Tranh chấp Biển Đông và pháp lý quốc tế”.
Tại hội thảo này, Mã Anh Cửu mời các chuyên gia quốc tế hôm nay 15/4 sử dụng chuyên cơ của người đứng đầu Đài Loan bay ra Ba Bình để giúp ông thanh minh rằng, Ba Bình là một đảo theo Điều 121 UNCLOS, vì nó có nước ngọt.
Trước khi rời nhiệm sở, ông Cửu cũng gửi gắm người kế nhiệm là Tiến sĩ Thái Anh Văn tiếp tục bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò (phi pháp, bành trướng, lừa phỉnh do Quốc Dân đảng tự vẽ ra) và lập trường Ba Bình là một đảo, không phải đá theo Điều 121 UNCLOS. Nếu trót lọt thì nghiễm nhiên Ba Bình có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy nhiên với tính cách thận trọng của một người học luật, nghiên cứu về luật, bà Thái Anh Văn chỉ ghi nhận ý kiến này và yêu cầu mở kho tư liệu lưu trữ các tài liệu chứng minh “chủ quyền” của Đài Loan tuyên bố ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Người viết rất hy vọng rằng với tinh thần thượng tôn pháp luật, làm việc cầu thị, khách quan và chỉ căn cứ vào luật pháp quốc tế, Tiến sĩ Thái Anh Văn sẽ làm sáng tỏ gốc gác của đường lưỡi bò bởi chính quyền Quốc Dân đảng thời Tưởng Giới Thạch vẽ ra năm 1947.
Chính cái đường lưỡi bò vô căn cứ, tham lam và bành trướng phi lý ấy đã gây ra bao rắc rối trên Biển Đông từ khi chính quyền Mao Trạch Đông “kế thừa” nó năm 1949. Đặc biệt là hiện nay chính quyền ông Tập Cận Bình đang vin vào đường lưỡi bò này để làm mưa làm gió, làm loạn Biển Đông khiến hòa bình ổn định bị phá vỡ, lòng người phẫn nộ.
Được như vậy, đóng góp của Đài Loan nói chung, Dân Tiến đảng và bà Thái Anh Văn nói riêng cho hòa bình, ổn định, luật pháp và công lý ở Biển Đông thật không hề nhỏ, rất đáng được tán dương, ca ngợi. Cố nhiên đối với bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, chủ quyền lãnh thổ luôn là điều thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Nhưng có điều, chủ quyền lãnh thổ phải được xác lập một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp chứ không phải dựa trên những căn cứ bịa đặt và tuyên truyền hay hành vi cất quân xâm lược.
Lòng yêu nước của người dân bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng đáng trân trọng, nhưng nó phải được soi rọi bằng Công pháp Quốc tế thì mới tránh được “yêu nước mù quáng”, dân tộc cực đoan, nhận lãnh thổ nước khác làm của mình rồi ra sức bành trướng, tuyên truyền nhồi sọ.
Điều đó chỉ đẩy bản thân các thực thể chính trị tham vọng bành trướng và cộng đồng khu vực vào bi kịch.
Do đó trong trường hợp này, những phán quyết của Cơ quan Tài phán quốc tế như PCA có ý nghĩa và vai trò cực kỳ quan trọng và thu hẹp khá lớn tranh chấp trên Biển Đông.
Đúng sai thế nào đã có Tòa phân xử. Tuân thủ phán quyết của PCA, thượng tôn pháp luật, bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS ở Biển Đông đó là một hành động và lựa chọn văn minh, khôn khéo, để của nhà ai trả về nhà đó, những bên nào có trót “nhận nhầm” cũng dễ bề ăn nói với dân. Mong lắm thay.