Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinViệt Nam phản ứng chưa đủ mạnh với TQ

Việt Nam phản ứng chưa đủ mạnh với TQ

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, phản ứng của Bộ Ngoại giao sau thông tin Trung Quốc đưa chiến cơ J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là đúng nhưng chưa đủ.

Ảnh vệ tinh độc quyền của Fox News về chiến cơ J-11 trên đảo Phú Lâm

Ngày 13/4, Fox News dẫn hình ảnh độc quyền của mình nói Trung Quốc ồ ạt đưa chiến cơ J-11 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hình ảnh này chụp từ ngày 7/4 và được quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận vào ngày 12/4.

Về hành động này của Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa và không tái diễn hành động này”.

Để làm rõ hơn vấn đề và tình hình Biển Đông hiện nay, VTC News phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.

– Thiếu tướng đánh giá gì về hành động Trung Quốc điều chiến cơ J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?

J-11 là máy bay tiêm kích, một trong những loại chiến cơ hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay. Việc Trung Quốc đưa J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vi phạm hàng loạt các hệ thống luật pháp hiện hành, bao gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hành động này vi phạm khoản 3, 4 trong điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970, vi phạm 7 điều trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982.

Ngoài ra, hành động này còn đi ngược lại những cam kết giữa Chủ tịch, Thủ tướng Trung Quốc  với người đồng cấp Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

–  Tình hình hiện nay nguy cấp thế nào, thưa Thiếu tướng?

Hiện nay, trên đảo Phú Lâm đã xây các trạm radar tần số cao, đưa tên lửa phòng không HQ-9 và mới đây nhất là chiến cơ J-11. Như vậy, Bắc Kinh đang từng bước quân sự hóa Biển Đông.

Không chỉ ở Hoàng Sa, Trung Quốc còn xây dựng trạm radar trên Đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với công trình này, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khống chế các phương tiện di chuyển vào Biển Đông.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an 

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc có khả năng sẽ triển khai thêm các loại tên lửa chống hạm đến Phú Lâm và một số đảo đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Ý đồ sâu xa của Trung Quốc là tạo nên mối liên kết từ Hải Nam xuống Phú Lâm và một số đảo ở Trường Sa và việc đưa chiến cơ J-11 ra Phú Lâm là một hành động nhằm trong chiến lược đã định sẵn của Bắc Kinh.

– Theo ông, việc Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút chiến cơ liệu có đem lại hiệu quả?

Phản đối của Bộ Ngoại giao cùng yêu cầu Trung Quốc rút J-11 khỏi Hoàng Sa là động thái đúng đắn.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh có rút chiến cơ hay không lại không phụ thuộc vào phản đối của chúng ta. Nếu chúng ta phản đối và họ chấp nhận ngay thì mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn.

Chiến cơ J-11 của Trung Quốc tập luyện
Chiến cơ J-11 của Trung Quốc tập luyện 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra là cần thiết, tuy nhiên theo tôi như vậy là chưa đủ.

Chúng ta cần nâng mức độ phản đối, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cần gửi công hàm cho người đồng cấp Trung Quốc hoặc ở các cấp cao hơn như Chủ tịch nước, Thủ tướng, yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng các cam kết, thỏa thuận và tuyên bố chung.

– Ngoài ra, Việt Nam phải làm gì nữa trong tình hình hiện nay, thưa Thiếu tướng?

Việt Nam cần huy động thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thông qua các hệ thống truyền thông, báo hình, báo điện tử.. Chúng ta cần cung cấp thông tin đầy đủ cho 93 triệu dân Việt Nam và 5 triệu Việt kiều để biết rõ Trung Quốc đã hành động sai trái, ngang ngược như thế nào.

Chúng ta cần tăng cường các sự kiện, mời chuyên gia quốc tế tham gia vào vấn đề Biển Đông. Những cuộc hội thảo này có thể nói về an ninh, an toàn hàng hải cũng như môi trường ở Biển Đông.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh thêm các kênh tiếng Trung để tuyên truyền cho 1,3 tỷ người Trung Quốc.

Theo tôi, họ cũng là những con người hòa hữu như Việt Nam, các hành động ngang ngược ở Biển Đông chỉ là do một nhóm lãnh đạo ở Trung Nam Hải thực hiện. Chúng ta  không được nhầm lẫn giữa người Trung Quốc với lãnh đạo Trung Quốc.

Vì vậy, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền qua kênh tiếng Trung để họ hiểu rõ hơn về những hành động ngang ngược, sai trái của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới