Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinNhật Bản thông qua huấn luyện chung để tiếp thị tàu ngầm...

Nhật Bản thông qua huấn luyện chung để tiếp thị tàu ngầm cho Australia

Nhật Bản và Australia đều được Mỹ thúc giục triển khai hành động tự do hàng hải ở Biển Đông, Australia mua tàu ngầm mới cũng vì mục đích này.

Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 16/4 cho hay, 1 chiếc tàu ngầm và 2 tàu hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ngày 15/4 đã tiến vào cảng Sydney để tham gia huấn luyện chung với Quân đội Australia. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm Nhật Bản đến Australia.

Giữa hai đồng minh của Mỹ này sẽ thông qua tổ chức huấn luyện chung để đi sâu hợp tác, tăng cường kiềm chế Trung Quốc – quốc gia đang bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, tiến hành xây dựng bất hợp pháp các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Nhật Bản thực sự rất muốn trở thành đối tác phát triển tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Australia trong thời gian tới. Vì vậy, triển khai huấn luyện chung giữa hai nước lần này cũng là một cơ hội rất tốt để tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản thể hiện được tính năng tuyệt vời, từ đó đạt được mục đích trúng thầu.

Năm 2009, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản bắt đầu tiến hành huấn luyện chung với hải, không quân Australia. Huấn luyện chung lần này là lần thứ sáu. Lực lượng Phòng vệ Biển đã cử tàu ngầm thông thường Hakuryu công nghệ AIP lớp Soryu, các tàu hộ vệ JS Asayuki (DD132) và JS Umigiri DD-158 tham gia.

Những tàu này trước ngày 26/4 sẽ cùng với các tàu chiến, tàu tuần tra săn ngầm của Australia triển khai các hoạt động huấn luyện như kết nối thông tin, dò tìm tàu ngầm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Ngày 15/4, tàu ngầm Hakuryu tiến vào căn cứ hải quân Kuttabul ở Sydney, Australia. Trong thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, vào năm 1942, tàu ngầm đặc biệt của Hải quân Nhật Bản từng bắn chìm tàu chiến Australia tại Sydney, khiến cho 21 thủy thủ Australia thiệt mạng.

Tàu ngầm thông thường Hakuryu lớp Soryu công nghệ AIP của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến căn cứ hải quân Kuttabul ở Sydney, Australia ngày 15/4/2016. Nguồn ảnh: Newsusauk

Báo chí Australia cho rằng, đây là “chuyến cập cảng mang tính lịch sử của tàu ngầm Nhật Bản”, để lại ấn tượng muốn thiết lập quan hệ tin cậy giữa hai nước sau chiến tranh.

Hiện nay, Chính phủ Australia coi trọng Biển Đông, chuẩn bị mua 12 tàu ngầm mới. Trước sự cạnh tranh của Đức và Pháp, Chính phủ Nhật Bản cho biết “phương án chế tạo tàu ngầm lớp Soryu có rủi ro ít, phù hợp với yêu cầu của Australia”. Nhật Bản muốn thông qua hoạt động huấn luyện chung lần này để tuyên truyền.

Bộ Quốc phòng Australia ra tuyên bố cho biết: “Huấn luyện chung lần này giữa Nhật Bản và Australia bắt đầu từ năm 2009, có lợi cho phát triển và tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước, đã cung cấp cơ hội cho nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng của quân đội hai nước”.

Trong huấn luyện chung lần này, các tàu Ballarat, Adelaide và Success cùng với các máy bay S-70B Seahawk, AP-3C Orion và Hawk 127 của hải không quân Australia sẽ tham gia.

Trong ngày tàu ngầm Nhật Bản đến thăm, Thủ tướng Australia Turnbull cũng dẫn đầu một đoàn đại biểu thương mại kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Australia và Trung Quốc đang có quan hệ thương mại mật thiết, nhưng quan hệ an ninh với Nhật Bản ngày càng tăng cường.

Hoạt động huấn luyện chung lần này giữa hai nước đúng vào lúc Bắc Kinh gia tăng áp đặt yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp khiến cho tình hình căng thẳng ở Biển Đông không ngừng leo thang.

Tàu ngầm thông thường Hakuryu lớp Soryu công nghệ AIP của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến căn cứ hải quân Kuttabul ở Sydney, Australia ngày 15/4/2016. Nguồn ảnh: Newsusauk

Mỹ đã tiến hành các hành động tự do hàng hải ở vùng biển có các đảo đá tranh chấp – các đảo đá Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam và đang biến chúng thành các tiền đồn quân sự; đồng thời Mỹ thúc giục Australia và Nhật Bản cũng triển khai các hành động tương tự.

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 15/4, công tác xét duyệt đấu thầu chương trình nghiên cứu phát triển chung tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Australia đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Cuộc chạy đua giữa ba nước Nhật-Đức-Pháp bước vào giai đoạn nước rút, Đức và Pháp đã trực tiếp chỉ trích hoạt động huấn luyện chung lần này giữa Nhật Bản-Australia.

Quan chức cấp cao của Công ty đóng tàu DCNS Pháp cho rằng, nếu Australia mua tàu ngầm Nhật Bản sẽ bị cho là “đối đầu” với Trung Quốc. Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao Công ty Thyssen Krupp Đức thì cho rằng, “không cần bị ép phải lựa chọn (Nhật Bản hay Trung Quốc) thì có thể giải quyết vấn đề”.

RELATED ARTICLES

Tin mới