Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngĐã đến lúc không nói suông được với TQ!

Đã đến lúc không nói suông được với TQ!

Thông báo sẽ đưa tàu ngầm không người lái xuống Biển Đông, trực tiếp cử Bộ trưởng Quốc phòng đi thị sát hàng không mẫu hạm đang hoạt động trên Biển Đông… Mỹ đã quyết định dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.

Ngày 18/4, nhằm bắn tín hiệu cho Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “bật mí” có thể đưa tàu ngầm tự hành tới Biển Ðông, nhằm cảnh cáo cả Trung Quốc thận trọng trong cách hành xử.

Nhìn thấy Bắc Kinh lấn dần từng bước trong mưu đồ bá quyền bành trướng, độc chiếm Biển Ðông và không thấy họ có vẻ gì ngừng lại dù được cảnh cáo rất nhiều lần, giới quân sự Mỹ đang dựa vào một kỹ thuật mới về tàu ngầm tự hành giúp Mỹ duy trì được thế thượng phong ở khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter gần đây, trong một lần phát biểu về chiến lược quân sự Mỹ tại châu Á cho biết là Mỹ trù tính sử dụng các tàu ngầm tự hành trên Biển Ðông, khu vực biển có nhiều chỗ nước nông mà tàu ngầm bình thường không thể hoạt động.

Thứ Sáu tuần trước, ông cho hay Lầu Năm Góc đầu tư vào chương trình sản xuất nhiều loại tàu ngầm tự hành với những cỡ khác nhau, cũng như mang theo các loại trang bị và võ khí cho các nhiệm vụ khác nhau.

Trên trang mạng của nhà thầu quốc phòng Boeing, công ty này trình bày một loại tàu ngầm tự hành (UUV – Unmanned Undersea Vehicle) có tên là Echo Voyager, tàu ngầm tự hành dài 51 feet (khoảng 15.5 mét) có thể tự hoạt động trên biển suốt nhiều tháng trời nhờ “bình ắc quy”. Boeing có có các mẫu tàu ngầm tự hành khác nhỏ hơn như Echo Seeker dài 32 feet (khoảng 9.5 mét) và Echo Ranger dài 18 feet (khoảng 5.4 mét).

Ngày 15/4, ông Carter đã dùng trực thăng bay ra thăm một biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên Thái Bình Dương: tàu sân bay hạt nhân John C. Stennis thuộc lớp Nimitz, hiện đang đi qua Biển Đông, gần vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Trước đó, ông đã đánh dấu sự kết thúc 11 ngày tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines bằng tiết lộ theo đó một số binh lính Mỹ sẽ ở Philippines “để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực”. Ông cũng cho biết Mỹ đã bắt đầu tuần tra chung trên Biển Đông với hải quân Philippines và sẽ sớm cùng tiến hành các chiến dịch tương tự với lực lượng không quân của đồng minh.

Trước đó tại Ấn Độ, ông Ashton Carter cũng đã lên thăm một hàng không mẫu hạm Ấn Độ, trong một động thái cũng đầy tính chất biểu tượng vì đó là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có hành động như vậy. Ông Carter đã thông báo việc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp tàu sân bay, và cho biết là hai bên đã đạt được thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự và cùng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự.

Theo nhật báo The New York Times, tất cả những hành động và tuyên bố của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhân 6 ngày công du Ấn Độ và Philippines đều là những tín hiệu cho thấy là chính quyền Obama đã quyết định dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự để ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.

Tổng kết về vòng công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, The New York Times trước hết ghi nhận chiến thuật hai vế của Mỹ: vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể.

Đối với tờ báo Mỹ, cả tại Philippines và trước đó tại Ấn Độ, ông Carter đã cho thấy rõ ràng là Mỹ đã quyết tâm củng cố các liên minh quân sự, đồng thời đưa thêm vũ khí và quân đội đến khu vực để chống lại tầm kiểm soát quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong suốt chuyến đi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã liên tục nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Theo New York Times, nhìn trong tổng thể, các biện pháp được Mỹ thông báo cho thấy hướng gia tăng tiềm lực quân sự của Mỹ ở một khu vực mà Trung Quốc cho rằng ảnh hưởng của họ tất yếu sẽ qua mặt Mỹ. Chính quyền Obama dường như đang đánh cược rằng Trung Quốc sẽ lùi bước thay vì tiếp tục những hành động chỉ khiến cho các nước láng giềng cầu viện quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, The New York Times cho rằng cách tiếp cận mới cứng rắn hơn được phô trương nhân vòng công du lần này của ông Carter không phải là không hàm chứa rủi ro. Một mặt, đó sẽ là thông điệp cho biết là Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để thách thức sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhưng một mặt khác, phản ứng cứng rắn hơn đó sẽ góp phần làm gia tăng mối lo ngại trong giới lãnh đạo Bắc Kinh về những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Điều đó có thể đưa tới tình trạng là Lầu Năm Góc càng dấn thân sâu hơn vào khu vực, Trung Quốc càng cảm thấy cần phải đẩy mạnh việc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, bao gồm cả việc xây dựng thêm các hòn đảo được trang bị radar và đường băng ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố vào khuya hôm 14/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo Mỹ là đã có lại một “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, đồng thời đe dọa rằng quân đội Trung Quốc sẽ “theo dõi chặt chẽ tình hình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Qua hôm sau, Bắc Kinh cũng tiết lộ rằng chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc đã đến thăm quần đảo Trường Sa, một tín hiệu khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh tại Biển Đông mà hầu như toàn bộ diện tích được Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.

Chính quyền Obama không coi cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc là sự hồi sinh của chính sách kềm tỏa. Trái lại, ông Carter xác định rằng các sáng kiến quân sự mới trong khu vực đều phù hợp với chính sách mà Mỹ đã có từ lâu: đó là hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung lợi ích.

RELATED ARTICLES

Tin mới