Thời gian gần đây, Trung Quốc và truyền thông nước này liên tục có những tuyên bố, bình luận và hành động mang tính “răn đe” không chỉ đối với các đối thủ có tranh chấp trực tiếp với nước này ở Biển Đông, biển Hoa Đông mà còn đối với cả các nước ngoài khu vực quan tâm đến những vấn đề này.
Thử tên lửa liên lục địa khi lãnh đạo quân sự Mỹ – Trung thăm Biển Đông
Nhật báo South China Morning Post ( Hongkong) trích dẫn trang thông tin Washington Free Beacon của Mỹ ngày 20/4/2016 cho biết, vào tuần trước Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất, đúng vào lúc các lãnh đạo quân sự Mỹ – Trung đang thăm Biển Đông.
Dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc, Washington Free Beacon cho biết cho biết tên lửa DF-41 của Trung Quốc, có tầm bắn xa nhất thế giới, lên đến 15.000 km, đã được phóng vào ngày 12/4. Các vệ tinh của Mỹ cũng như các thiết bị cảm biến trong khu vực đã theo dõi lần phóng này, tuy nhiên nguồn tin nói trên không cho biết địa điểm phóng.
Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa này vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và nhân vật lãnh đạo số hai của quân đội Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương Trung Quốc – Tướng Phạm Trường Long đều có các chuyến thăm riêng biệt tới Biển Đông.
Ông Carter đến thăm tàu sân bay USS Stennis đang hoạt động trên Biển Đông, còn ông Phạm Trường Long tới thăm một trong các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Washington Free Beacon, các cơ quan tình báo Mỹ, tên lửa DF-41 có thể mang được từ 6 đến 10 đầu đạn, với tầm bắn lên đến 12.000km, tức là là có thể được bắn đến bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ trong vòng 30 phút.
Thông tin trên được tiết lộ sau một báo cáo hồi tháng trước nói rằng Trung Quốc đang tiến gần tới việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.
Tạp chí quốc phòng châu Á Kanwa hồi tháng trước cho hay, tên lửa đạn đạo DF-41 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, để Trung Quốc phát triển một thế hệ tên lửa mới. Căn cứ tên lửa được cho là đặt gần thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
“Dọa” đánh bại Nhật Bản trong vòng 4 giờ đồng hồ
Trong bối cảnh Trung Quốc đang rất khó chịu trước việc quân đội Nhật Bản đang hoàn thiện lực lượng chuyên trách để đồn trú phòng thủ trên đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền, cũng như việc Tokyo bắt đầu có động thái tích cực hơn ở Biển Đông, “Mạng quân sự Hoàn cầu” – một tài khoản trên mạng xã hội của tờ Thời báo Hoàn cầu bỗng nhiên khơi lại một dự đoán từng gây xôn xao dư luận năm 2015 của ông Trương Triệu Trung – một Thiếu tướng đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc.
Tướng Trung Quốc Trương Triệu Trung |
Theo đó, quân đội Trung Quốc có thể “đánh bại Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong 4 giờ đồng hồ” và trước khi các máy bay quân sự của Mỹ nhận được lệnh cho phép hành động thì “chiến tranh Trung – Nhật” đã kết thúc.
Không những khơi lại dự đoán đầy ngạo mạn và hiếu chiến của tướng Triệu mà Thời báo Hoàn cầu còn “đe” rằng: Nếu Tokyo không “ngả” về các nước châu Á, cụ thể là Trung Quốc hoặc Nga, thì hậu quả sẽ nghiêm trọng.
Không “bịt miệng” được thì “làm mình làm mẩy”
Khi Nhật Bản và Mỹ tuyên bố sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra chương trình nghị sự của hội nghị các ngoại trưởng G7 diễn ra tại Hiroshima hồi tuần trước, Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt và nói rằng G7 chỉ nên tập trung vào vấn đề kinh tế, đồng thời gọi động thái của Nhật Bản là “hành vi khiêu khích”, với mục đích “kích động phương Tây vùi dập Trung Quốc”.
Đến khi G7 ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích hoặc cưỡng ép, đe dọa đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, thì Trung Quốc như bị “chạm nọc”, gọi đó là “những hành động và tuyên bố vô trách nhiệm”.
Không những vậy, Bắc Kinh còn cho triệu tập các đại sứ các nước G7 ở Trung Quốc để chất vấn, đòi họ “làm rõ quan điểm” của mình.
Thủ tướng Australia Malcom Turnbull |
Chưa hết, Trung Quốc còn tìm cách “chặn họng” cả những vị khách có ý định thảo luận về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ngay cả khi họ còn chưa đặt chân đến Bắc Kinh, chẳng hạn như Thủ tướng Australia Malcom Turnbull và Thủ tướng New Zealand John Key.
Cả hai vị nguyên thủ của các quốc gia ngoài khu vực và không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại “trót” có những phát biểu bình luận “chống lại Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông”, hay cứ nhắc đến chuyện “tôn trọng luật pháp quốc tế”, đều bị truyền thông Trung Quốc cảnh báo rằng không được bàn đến vấn đề Biển Đông, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Kiểu hành xử trên của Bắc Kinh được cho là một chiến thuật nhằm “cô lập” các nước có tranh chấp với họ, “răn đe” Mỹ và đẩy cộng đồng quốc tế ra xa Biển Đông, để Trung Quốc mặc sức đeo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế.