Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngỦy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung...

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung công bố báo cáo TQ hủy hoại môi trường Biển Đông

Ngày 12/4, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung đã trình Quốc hội Mỹ báo cáo có tựa đề “Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông: thiệt hại môi trường, những hệ quả và luật pháp quốc tế”.

Quá trình xây dựng và tôn tạo đảo của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập từ 14/8/2014 đến 03/9/2015. Nguồn: Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Bản báo cáo cho biết hoạt động bồi đắp xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc không chỉ được nhìn dưới góc độ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh, địa chính trị mà một vấn đề thực sự đáng báo động và quan ngại là những hậu quả do các hoạt động của Trung Quốc gây ra đối với môi trường và các tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh học cũng như vai trò quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với hệ sinh thái khu vực.

Từ tháng 12/2013 tới tháng 10/2015, Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 3000 mẫu đất trên 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh hiện đại cập nhật, các báo cáo, các video và nhiều nguồn khác khẳng định hình ảnh vết cắt dài trên các rặng san hô ở Biển Đông, là bằng chứng “tố cáo” những hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc. Với quy mô và tốc độ vượt xa so với hoạt động của tất cả các quốc gia khác, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, quá trình xây đắp đảo cùng các công trình đang được xây dựng như sân bay, hệ thống cầu cảng, ra-đa… của Trung Quốc đang phá hủy một lượng lớn rặng san hô của Biển Đông, rửa trôi lớp trầm tích và hủy hoại dần môi trường biển ở khu vực.

 Cụ thể, quá trình nạo vét không chỉ lấy cát và sỏi của rạn san hô mà còn khiến cho các hệ sinh thái tồn tại trong các vũng và nền san hô biến mất; đồng thời phá hủy các mô tế bào và ngăn cản quá trình hình thành và sinh trưởng của các rặng san hô. Cho dù Chính phủ Trung Quốc không dám xác nhận song có thông tin khẳng định Trung Quốc còn tiến hành cả việc khai thác từ các vành đai san hô gần đó để tiến hành bồi đắp cho các đảo nhân tạo của mình. Việc làm này khiến các rặng san hô bị khai thác sẽ phải mất từ 10 đến 15 năm để khôi phục, thậm chí còn lâu hơn nếu Trung Quốc tiếp tục lấy cát từ đây.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung đã yêu cầu Học viện Khoa học, Viện Hải dương Biển Đông của Trung Quốc, đơn vị đã tiến hành các cuộc khảo cứu tại Trường Sa, làm rõ về những tác hại do Trung Quốc nạo vét và bồi đắp đảo nhân tạo nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Nghiêm trọng hơn, phạm vi thiệt hại còn mở rộng ra các ngư trường trên Biển Đông, gây tổn hại lớn cho các nguồn cá khu vực. Theo giáo sư John W. McManus, giáo sư chuyên ngành sinh học và sinh thái biển của trường Khoa học Biển và Khí quyển Rosenstiel, Đại học Miami cho biết, cát và sỏi đá do Trung Quốc dùng để xây đắp nếu không làm cá chết thì cũng xua đuổi chúng ra khỏi các rặng san hô, phá hủy nơi trú ngụ của một số loài cá và giảm số lượng của cả những loài cá lớn. Với tình trạng đánh bắt cá quá mức hiện nay ở Biển Đông, những hậu quả này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ thiếu lương thực và tác động tiêu cực đến đời sống của các ngư dân trong khu vực.

Ngoài ra, các đảo nhân tạo cũng thúc đẩy hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc, làm tăng số lượng các cuộc đụng độ giữa các thuyền chài Trung Quốc với các nước khác. Đã có rất nhiều báo cáo từ các hãng tin lớn như CNN, Wall Street Journal, Bloomberg về các vụ va chạm mà trong đó, các tàu Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi tấn công hoặc đe dọa tàu đánh cá của các nước khác trên Biển Đông. Không những thế, lực lượng các tàu hải cảnh cỡ lớn cùng các công trình trên các đảo nhân tạo được xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ cho Trung Quốc lấn át hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia khác ở Biển Đông.

Báo cáo khẳng định, những tổn hại đến môi trường là một trong số những bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh thái độ coi thường mọi chuẩn mực và pháp luật của khu vực và thế giới và đặt dấu hỏi cho cách hành xử của một nước lớn. Trung Quốc với tư cách là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, giống như những quốc gia thành viên khác, phải có trách nhiệm bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, trong đó phải thực hiện kiềm chế không gây ra những thiệt hại môi trường đến các quốc gia khác; phải có biện pháp cần thiết để bảo vệ và duy trì các hệ sinh thái quý hiếm hoặc dễ bị tổn thương cũng như môi trường sống của các loài sinh vật đang bị suy thoái, đe dọa hoặc bị nguy hiểm và các hình thái khác của môi trường biển; giám sát liên tục các nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng của ô nhiễm để xác định nguy cơ ô nhiễm… Những nghĩa vụ này cũng được đề cập trong Công ước về Đa dạng sinh học mà Trung Quốc là thành viên. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn chưa chứng tỏ được rằng nước này sẽ hoàn thành đầy đủ những nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình, chẳng hạn như chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra được thông tin hữu ích gì về đánh giá tác động của các hoạt động xây dựng đảo đối với môi trường hay cung cấp thông tin cho bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

Cần lưu ý là vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) phản đối những yêu sách và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và một trong những nội dung chính được nêu trong đơn kiện chính là Philippines đề nghị Tòa tuyên bố việc Trung Quốc chiếm giữ và tiến hành các hoạt động xây dựng trên bãi Vành Khăn đã vi phạm nghĩa vụ về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Nếu Tòa trọng tài quyết định Tòa có thẩm quyền với nội dung khởi kiện này và ra phán quyết có lợi cho Philippines, điều đó sẽ dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc buộc phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thêm thông tin về các tác động đến môi trường biển ở Biển Đông do hoạt động xây dựng đảo gây ra. Đồng thời phán quyết cũng sẽ buộc Trung Quốc phải phối hợp với Philippines để lập ra một ủy ban nhằm đánh giá các ảnh hưởng đến môi trường và đề ra các giải pháp giảm thiểu. Hình thức này đã được áp dụng trong vụ kiện giữa Malaysia và Singapore năm 2003 về hoạt động tôn tạo đảo của Singapore.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn cương quyết không chịu tham gia cũng như không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài. Điều này chỉ làm cho hình ảnh của Trung Quốc trở nên xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Có thể, trong một vài năm tới, để cứu vãn danh dự của mình, Bắc Kinh sẽ tiến hành một vài biện pháp, hoặc là tượng trưng hoặc là thực chất, để giải quyết vấn đề tổn hại môi trường do các hoạt động cải tạo đảo gây ra. Nhưng chắc chắn, Trung Quốc sẽ không trả lại lượng cát và sỏi đã hút lên để phục vụ cho các căn cứ quân sự xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Biển Đông sẽ không thể trở về nguyên trạng, cả về chính trị lẫn môi trường. Hồi chuông cảnh báo đã gióng lên, thế giới cần phải ý thức rõ hơn và lên tiếng mạnh mẽ hơn để bảo vệ môi trường sống của cả nhân loại.

RELATED ARTICLES

Tin mới