Theo nhận định của tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), Nga đã và đang thất bại thảm hại trong chiến lược “xoay trục” sang Trung Quốc để giảm gánh nặng từ lệnh trừng phạt phương Tây.
Foreign Affairs cho rằng, dù đã cố gắng “xoay trục”, song Nga vẫn chưa thể đẩy mạnh giao thương và đầu tư với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực quan trọng như hydrocarbon, hạt nhân, và công nghiệp quốc phòng.
Tất nhiên không thể nói cái trục của Nga đã thất bại hoàn toàn, Moscow đã thương thảo được một số hiệp định quan trọng với Bắc Kinh mà một khi chúng được đưa vào thực tiễn, sẽ tạo đột biến tích cực trong hợp tác dầu mỏ và khí đốt giữa hai nước.
Tuy nhiên, việc xây dựng hai đường ống “Sức mạnh Siberia” và “Altai” vận chuyển khí đốt từ Siberia tới Trung Quốc đã bị hoãn sang tận… thập kỉ sau. Đáng buồn hơn cho Moscow, giá dầu ở mức thấp đã và đang phủ một bóng đen lên viễn cảnh khi xưa còn tươi đẹp về những hợp đồng khí đốt Nga-Trung.
Do đó, Nga hiện nay chỉ là một trong nhóm những nhà sản xuất, bao gồm Angola, Guinea Xích đạo, Iraq, Turkmenistan, và sắp tới là Iran, giúp Trung Quốc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục làm ăn với các đối tác truyền thống trên Bán đảo Arab và Đông Nam Á.
“Như vậy, thay vì qua mặt châu Âu bằng cách xích lại gần Trung Quốc, Nga lại đang bị chính Trung Quốc lợi dụng” – Foreign Affairs viết.
Từ hợp tác thành… cạnh tranh
Nga cũng từng hi vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự với Trung Quốc, hay chí ít là giữ vững mức xuất khẩu như thời đầu những năm 2000, tức khoảng 2 đến 3 tỉ USD mỗi năm.
Hiện nay, dù Nga vẫn là nhà phân phối quan trọng nhất của Trung Quốc, song Bắc Kinh đã và đang giảm nhập khẩu để tập trung vào phát triển vũ khí trong nước, theo thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Thống kê cho biết, Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn nhập khẩu động cơ máy bay, radar, hay một số mảnh ghép tên lửa quan trọng từ Nga, nhưng tất cả chỗ đó chỉ chiếm 5% tổng số chi tiêu quân sự của Bắc Kinh, giảm 20% so với hồi đầu những năm 2000.
Để giữ khả năng cạnh tranh, Nga đã phải miễn cưỡng rao bán tinh hoa của nền công nghiệp quốc phòng nước này cho Trung Quốc: máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không đa năng S-400.
Nga dự kiến sẽ chuyển giao Su-35 cho Trung Quốc trong năm 2016. Ảnh: National Interest
Sở dĩ nói “miễn cưỡng”, là bởi Moscow rất sợ Bắc Kinh sẽ lại áp dụng kĩ nghệ đảo ngược, để rồi khiến Nga thêm phần mất ưu thế trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Nhưng Nga không còn lựa chọn nào khác, và Trung Quốc, ở vị trí trên cơ, lại hưởng lợi từ một Moscow không có “quyền mặc cả”.
Trên thị trường xuất khẩu vũ khí, Nga-Trung không chỉ cạnh tranh khách hàng mà còn cạnh tranh trong cùng một khung giá – chuyên cung cấp vũ khí cho các nước tầm trung.
Tại đây, Trung Quốc lại có lợi thế hơn so với Nga, bởi Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng chia sẻ công nghệ hàng đầu hơn, mà điển hình là lô máy bay không người lái Trung Quốc mới bán cho Iraq và Nigeria.
Không những vậy, Bắc Kinh còn khôn khéo “gói” các hợp đồng buôn bán vũ khí cùng những hiệp ước song phương trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và cho vay, khiến chính phủ các nước đang khan hiếm nguồn tiền mặt càng có thêm lý do để chọn Trung Quốc làm nhà phân phối.
Được giúp nhưng không thể tận dụng…
Trong vài năm qua, Nga và Trung Quốc đã kí nhiều hiệp ước hợp tác đáng chú ý. Tháng 12/2014, trong lúc đang phải đối phó với lệnh trừng phạt phương Tây, Trung Quốc đã đứng ra “giải cứu” Nga bằng việc đề nghị trao đổi tiền tệ quy mô lớn để có thanh khoản giao thương giữa hai nước.
Đằng sau những cái bắt tay Putin-Tập là sự bất lực của Nga? Ảnh: AP
Bắc Kinh cũng trở thành “chủ nợ” lớn nhất của Nga trong năm 2014, với khoản vay lên tới 11,6 tỉ USD. Nhưng nếu nhìn kĩ vào các con số, mới thấy rằng dòng chảy tín dụng Trung Quốc hiện tại chỉ bằng một nửa so với con số Vương quốc Anh từng cung cấp cho Nga năm 2013, trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt.
Những khoản vay nói trên có thể đã giúp thúc đẩy giao thương Nga-Trung cũng như tạo cú hích cho kinh tế Nga, nhưng đáng tiếc là các công ty Nga tại không tỏ ra mấy hứng thú với việc đầu tư tài chính ngắn hạn vào đồng Nhân dân tệ (NDT).
Hơn nữa, kể từ năm 2006, thị phần đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Nga vẫn là một mũi tên đi xuống. Nói cách khác, cũng không có gì ngạc nhiên khi kim ngạch giao thương hai nước (64,2 tỉ USD) kém xa mục tiêu 100 tỉ USD đặt ra cho năm 2015.
… và vẫn bị phụ thuộc
Theo đánh giá của Foreign Affairs, không chỉ không tận dụng được tối đa sự trợ giúp của Trung Quốc, Nga còn phải đối mặt với nguy cơ quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, mà điển hình là khoản tiền các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu nước này đang nợ Trung Quốc.
Không tìm được nguồn vay phương Tây do lệnh trừng phạt, Gazprom buộc phải tìm đến Ngân hàng Trung Quốc và kí sổ nợ 2 tỉ USD. Trong khi đó, Rosneft đã vay các ngân hàng Trung Quốc 35 tỉ USD trong 3 năm trở lại đây, và bắt buộc phải trả nợ bằng dầu mỏ.
Một ví dụ khác cho sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc có thể thấy rõ trong tuyên bố của Moscow, rằng Tổ chức Kinh tế Á-Âu (EEU) và sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc sẽ hợp nhất thành một khối kinh tế chung.
Dù Nga là phía đưa ra tuyên bố, nhưng nhiều khả năng họ phải miễn cưỡng làm vậy do áp lực từ Trung Quốc. Từ chỗ một mình nắm quyền kiểm soát kinh tế Á-Âu, phải miễn cưỡng chia sẻ “đất làm ăn” với Bắc Kinh cũng đồng nghĩa với việc Nga cam chịu để Trung Quốc lấn chiếm ảnh hưởng của mình tại khu vực này.
Nhưng Moscow bắt buộc phải làm vậy. Còn Trung Quốc vẫn luôn coi mình ở “chiếu trên”, và với tương quan kinh tế Nga-Trung hiện nay, có lẽ điều đó cũng không xa rời với thực tế là mấy.
Và cứ như thế, Trung Quốc vẫn ngày ngày lợi dụng cái “trục” của Nga để hưởng lợi.