Saturday, November 2, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThực phẩm bẩn nhập lậu- Bài 1: Mạch ngầm vùng biên

Thực phẩm bẩn nhập lậu- Bài 1: Mạch ngầm vùng biên

Giữa bối cảnh thịt động vật chứa chất cấm, thủy sản bơm tạp chất, rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng Việt Nam chưa bao giờ hoang mang như lúc này khi lựa chọn thực phẩm.

Thuyền được tập kết tại bến Quang Kim để vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Quang Tấn.

Trong khi việc sản xuất thực phẩm trong nước đang dần được siết chặt về vệ sinh, an toàn thì một nguồn thực phẩm bẩn vào thị trường nội địa từ các cung đường nhập lậu vẫn liên tục diễn ra. Phóng viên Báo Hải quan đã có những chuyến khảo sát, thâm nhập những điểm nóng về tình hình nhập lậu mặt hàng có nhiều nguy hại cho sức khỏe này.

Tràn lan thực phẩm bẩn

Nhiều năm nay, người dân Việt Nam đã không còn xa lạ với thực phẩm bẩn. Đặc biệt, khoảng một hai năm trở lại đây, số lượng người mắc bệnh do sử dụng thực phẩm bẩn, độc gây ra ngày càng tăng cao. Phải đến khi hàng loạt vụ việc liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy hải sản và phẩm màu công nghiệp trong bảo quản bị cơ quan chức năng phanh phui thì người dân mới bắt đầu thức tỉnh trong “ma trận” thực phẩm bẩn. Trong đó nổi lên là các vụ việc liên quan đến thịt, nội tạng, xương động vật không rõ nguồn gốc. 

Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, trong quý I – 2016, Ban chỉ đạo 389 thành phố đã phát hiện 947 vụ hàng không rõ nguồn gốc. Trong số đó, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến mua bán, vận chuyển thịt, nội tạng động vật không đảm bảo VSATTP. Gần đây nhất, ngày 13-4, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) – Công an TP. Hà Nội phát hiện cơ sở kinh doanh 4,6 tấn mỡ trâu, bò đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối. Còn trên khâu lưu thông, ngày 8-4, Đội Cảnh sát giao thông số 14 phối hợp với PC49 phát hiện xe khách vận chuyển 1.495kg mỡ động vật từ Hưng Yên đến Văn Điển (Hà Nội) tiêu thụ. Lực lượng chức năng các địa phương lân cận cũng phát hiện nhiều vụ việc thịt động vật được vận chuyển từ các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ, điển hình ngày 1-4, Trạm thú y Thành phố Vinh (Nghệ An) phối hợp với PC 49 – Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một đối tượng mua gom 6 tấn xương động vật tại các lò mổ để vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.

Tại một địa bàn khác là TP. Hồ Chí Minh, trong quý I – 2016 Ban chỉ đạo 389 thành phố đã phát hiện 749 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, trên địa bàn này nổi lên tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thịt động vật. Cụ thể, ngày 17-3 Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện 225kg gân trâu Ấn Độ, 158kg xương chân trâu, bò và 1 bao hóa chất sodium metabi sulphite hp (chất tẩy dùng trong công nghiệp có hại cho sức khỏe- PV) vô chủ tại một chòi tôn nằm ở khu đất trống tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Trước đó, vào ngày 7-1, PC49 – Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra căn nhà tại xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn đã phát hiện 74 thùng cát – tông và kho lạnh chứa 3 tấn thịt trâu và 2 bịch hóa chất màu trắng gần 50kg. Chủ cơ sở khai nhận thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Độ bởi hai công ty ở quận Tân Phú, còn hóa chất mua ở Chợ Lớn có giá 20.000 đồng/kg. Theo lời khai của chủ cơ sở, thịt trâu sau khi ngâm hóa chất sẽ rất giống với thịt bò, được mang đi bán cho các nhà hàng làm món bò kho.

Qua một số vụ việc cơ quan xử lý như trên có thể thấy nguồn thịt, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc được các quán ăn, nhà hàng và cơ sở sản xuất sử dụng gần như là vô tận. Chưa nói đến chế tài xử lý đã đủ sức răn đe các cơ sở này hay chưa nhưng có thể thấy rõ lỗ hổng trong kiểm soát nguồn hàng từ các tỉnh thành lân cận, đặc biệt là khu vực biên giới.

Để biết đường đi của thực phẩm không rõ nguồn gốc, phóng viên Báo Hải quan đã tìm đến một số tỉnh biên giới Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh… là những địa phương có nhiều đường mòn lối mở, liên tiếp thời gian qua lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc.

Thực phẩm Trung Quốc nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ tại Hà Nội. Ảnh: Quang Tấn.

Tiếp cận đường đi của hàng lậu

Để tiếp cận được với những đường mòn, lối mở nằm sâu trong bản, phóng viên (PV) Báo Hải quan đã vào vai một chủ đầu nậu lên khu vực biên giới để khảo sát địa bàn. Qua nhiều ngày quan sát và tìm hiểu, PV đã tìm đến khu vực chợ Cốc Lếu (Lào Cai) và làm quen được với một “cai cửu”, tên L., trên 40 tuổi, có thâm niên cửu vạn nay đã nghỉ chuyển sang làm nghề xe ôm nhận lời giúp đỡ. Theo hướng dẫn của “cai cửu” này, để đi được đến tất cả các điểm vận chuyển hàng lậu trên Lào Cai thì một ngày không thể đi hết được vì 2 lí do. Thứ nhất, do trên đường bộ có nhiều đường mòn, lối mở do cư dân biên giới tự mở khi lên rừng hái rau, săn bắt; thứ hai, lòng sông Nậm Thi nhiều đoạn nhỏ, nước cạn, người dân tự ý san đất làm bến để neo đậu thuyền, bến cóc để bốc dỡ hàng hóa. Sau khi đắn đo, L. quyết định đưa tôi đến một địa điểm “thuận lợi” nhất là thôn Nậm Sò.

Địa điểm này và quốc lộ 70 bị chia cắt bởi một nhánh nhỏ của sông Nậm Thi. Do vậy, để vào được thôn, mọi phương tiện phải đi qua một con cầu nhỏ bằng sắt (giống cầu dân sinh, chỉ cho phương tiện loại nhỏ đi lại- PV). Qua quan sát của PV, mặc dù nhánh sông nhỏ, nước cạn nhưng dọc dưới nhánh sông đó dày đặc thuyền tôn, mỗi thuyền đều được trang bị một tấm bạt lớn phủ kín tàu và núp dưới bóng của lớp lau, sậy dày đặc. Theo tài xế L.: “Thuyền ở đây nhiều như lá tre, người dân chỉ đợi có lệnh của chủ có hàng về là xuất phát. Mặt khác, tuy đường nhỏ nhưng vẫn nhiều xe tải đi qua, không đi được xe 5-7 tấn thì người ta đi xe 1- 2 tấn”.

Bên cạnh đó, đường vào thôn Nậm Sò chỉ có lác đác vài hộ dân sinh sống gần khu vực tiếp giáp với đường quốc lộ, sâu bên trong rất vắng. Do đường đi xấu, nhiều dấu tích (ổ trâu, ổ gà) của xe trọng tải lớn nhưng theo V .– một lái xe tải tại Phú Thọ, thì: Mặc dù đường xấu và khó đi nhưng do ít bị kiểm tra, kiểm soát nên nhiều xe tải vẫn qua lại khu vực này. Bên cạnh đó, những vùng đất này đều có một vài “ông chủ” lớn đứng ra san đất làm bến đỗ thuyền cóc, họ kiêm luôn “bảo kê” khu vực này”.

Ngày 11-4, khảo sát tại khu vực trên, PV liên tục được mời đi thuyền, cách vẫy khách rất đơn giản, các chủ thuyền chủ yếu bơi thuyền giữa lòng sông hoặc neo bên phía Trung Quốc, thấy khách là sẽ gọi. Những người hành nghề xe ôm ở đây cho biết, cứ có khách là có thuyền vận chuyển sang Trung Quốc hoặc về Lào Cai bất kể ngày hay đêm. Việc đi lại dễ dàng như trên đã tạo điều kiện cho nhiều người mang vác hàng hóa, thịt động vật không rõ nguồn gốc tập kết tại gần khu vực đường biên giới chờ thời điểm thuận lợi để vận chuyển. Điển hình như vào ngày 5-1-2016, tại khu vực trước cửa nhà nghỉ Trang Anh (số 43 Nhạc Sơn, tổ 13, phường Cốc Lếu), Tổ công tác của Đội kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan Lào Cai đã bắt giữ 120kg thịt động vật đông lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc, không xác định chủ sở hữu. Theo cơ quan chức năng, hàng hóa được vận chuyển trái phép qua sông Nậm Thi tại khu vực phố Tèo, phường Lào Cai, khi bị truy đuổi, đối tượng đã bỏ lại hàng. Đồng thời, liên tiếp trong 3 ngày từ 11-3 đến 13-3-2016, tại khu vực bờ kè sông Hồng thuộc tổ 30 đường Duyên Hải, TP. Lào Cai, tổ công tác đội Kiểm soát Hải quan phát hiện và bắt giữ 600kg chân lợn đông lạnh do Trung Quốc sản xuất, không xác định được chủ sở hữu.

Còn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, từ tháng 2-2016 trở lại đây, tình hình buôn lậu vẫn diễn ra dưới hình thức nhỏ lẻ trong đó có mặt hàng thực phẩm. Địa bàn hoạt động chủ yếu của các đối tượng là qua các đường mòn thuộc khu vực Gốc Nhãn, Đồi 389, Hang Dơi thuộc xã Tân Mỹ; khu vực Đồi Cao, Nà Han, Rọ Bon thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng; khu vực đường mòn mốc 05, 06, ke Bà Đen, Thác Nước thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Theo khảo sát của phóng viên ngày 15 và 16-4 trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn, phương thức phổ biến được các đối tượng buôn lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc sử dụng là lợi dụng đêm tối, sử dụng xe máy (đã được tăng phân khối) vận chuyển hàng hóa với tốc độ cao, tập kết tại một địa điểm rồi đưa đi tiêu thụ.

Gần đây vào ngày 13-4, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn, tổ công tác thuộc Đội Quản lý Thị trường số 10 – Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện một số đối tượng sử dụng xe mô tô phân khối lớn tập kết nhiều bao tải dứa có biểu hiện nghi vấn tại bãi đất trống ven đường thuộc khu vực thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn nên đã dừng xe kiểm tra. Bị phát hiện, các đối tượng vận chuyển đã vứt hàng tháo chạy để lại 6 bao tải dứa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong 6 bao tải dứa là hộp xốp chứa nầm lợn đã chuyển màu và bốc mùi hôi nồng nặc, tổng trọng lượng gần 500kg.

Bài 2: Những cung đường “đen”

 

RELATED ARTICLES

Tin mới