Người Việt vốn nhẫn nhịn tốt nhưng không bao giờ chịu nhục, nên nếu muốn làm ăn ở Việt Nam, Formosa phải bỏ ngay tư duy thách thức và kiểu ăn nói xấc xược!
Khi các phóng viên phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ông này nói thẳng: Chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm.
“Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại”.
Giám đốc đối ngoại của Formosa cho rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá.
Phát ngôn này đã ngay lập tức gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.
Có lẽ hiếm có người phát ngôn của một doanh nghiệp nước ngoài nào lại “dám” phát ngôn mang tính chất thách thức trước truyền thông bản địa như thế.
Đây không còn là sự “mặc cả” mà gần như đã lên tầm “thách thức”, đặt ra bài toán cho người Việt lựa chọn.
Câu nói này này thể hiện rõ ràng tư duy làm ăn “kiểu Trung Quốc”: Buộc phải lựa chọn mà không thể hài hòa.
Công nghiệp hóa, với nhiều nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc, thường đi liền với tàn phá môi trường. Làm giàu bất chấp tác động đến tài nguyên, đến môi trường. Làm giàu bằng cách phải lựa chọn: Hoặc là kinh tế hoặc là môi trường.
Đây là quan điểm làm ăn mà những nền kinh tế hiện đại và văn mình không hướng đến.
VIDEO: Ông Chu Xuân Phàm nói về việc lựa chọn giữa nhà máy thép và tôm cá.
Formosa là tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc – cũng có thông tin rằng, người Trung Quốc bản địa đã sở hữu rất nhiều cổ phần ở tập đoàn này). Tập đoàn công nghiệp nặng này có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và có doanh thu hàng chục tỷ đô la mỗi năm – một con số đáng kể nếu đặt bên cạnh GDP một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam.
Nhưng “hồ sơ đen” của Formosa cũng rải khắp nơi trên thế giới với những tác động khủng khiếp đến môi trường.
Formosa nhận giải “Hành tinh đen” năm 2009. Đây là một giải do Ethecon – tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường. Formosa cũng đã có “tiền án” và bị phạt rất nặng ở Hoa Kỳ, Campuchia…
Trong bối cảnh này, mọi nghi ngờ đang đổ dồn vào Formosa, mặc dù chưa có kết luận nào được các cơ quan chức năng đưa ra. Những tác động đến môi trường đang ngày càng trở nên rõ ràng, đời sống người dân ven biển đang chịu nhiều tác động, ngành du lịch miền Trung đang bị ảnh hưởng trầm trọng.
Là người phát ngôn của một tập đoàn lớn, ông Chu Xuân Phàm đáng lẽ nên đưa ra một thông điệp cầu thị, thể hiện sự tôn trọng người dân và chính quyền địa phương hơn. Ít ra cũng nên là sự sẻ chia, cảm thông với người dân bị thiệt hại hơn là sự thách thức.
Cá chết ở biển Vũng Áng, Hà Tĩnh. |
Từ một tính toán nhỏ, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Tôm cá quý hơn thép”.
“Theo Tổng Cục Thủy sản: “Vùng biển Vịnh Bắc Bộ Nghề lưới kéo hoạt động ổn định, các tàu chủ yếu hoạt động ở vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy giá bán sản phẩm thấp nhưng sản lượng cao do vậy nghề lưới kéo tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ vẫn có lãi. Nghề lưới rê có đối tượng khai thác chọn lọc là những loại hải sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ,… Trong vụ cá năm 2015, hiệu quả kinh tế của nghề lưới rê ổn định, sản lượng khá cao, đạt từ 12 -18 tấn/chuyến. Doanh thu khoảng 270 – 290 triệu”.
Như vậy, trung bình người dân thu được trung bình 12 – 13 triệu đồng mỗi tấn.
Một tấn thép được bao nhiêu tiền?
Theo hiệp hội kế toán cũng như các chuyên gia ngành thép, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm thép (80% đến 90%). Như vậy chỉ có 10 – 20% còn lại cho các chi phí khác trong đó có nhân công.
Một tấn thép bán sỉ có giá khoảng 10 – 10,5 triệu/tấn (theo vật giá của Hiệp hội Xây dựng). Trong giá nhân công khoảng gần 10% giá bán thép thì một phần lớn là chi phí cho nhân lực cao cấp nước ngoài, những người lao động Hà Tĩnh chẳng được là bao, cộng với các khoản thuế phí khác (10% VAT, thuê đất vùng đặc biệt khó khăn rất rẻ mạt, thuế TNDN thì đừng hòng thu được vì DN nước ngoài toàn báo lỗ).
Tóm lại mỗi tấn thép chúng ta chỉ thu về 1 – 2 triệu đồng.
Như chúng ta đã thấy, mỗi chiếc điện thoại Samsung Galaxy, chúng ta được hưởng lợi bằng giá trị cái dây sạc, một đôi giầy Nike chúng ta hưởng lợi một cái… dây giầy.
Rõ ràng, giá trị một tấn cá cao hơn so với một tấn thép rất nhiều, đấy là chưa kể sự trả giá cho môi trường, món nợ với con cháu ngàn đời.”
Đương nhiên, những tính toán trên chỉ mang tính chất khái lược, chưa khoa học và toàn diện, chưa đề cập đến cái gọi là “động lực thúc đẩy nền kinh tế” và các lợi ích khác từ khu công nghiệp Formosa.
Tuy nhiên, cũng để thấy rằng: Không phải cứ công nghiệp là “đắt tiền”, còn những gì thuộc về thiên nhiên là “rẻ mạt”.
Quan trọng hơn là, người Việt vốn nhẫn nhịn nhưng không bao giờ chịu nhục, nên nếu muốn làm ăn ở Việt Nam, Formosa phải bỏ ngay tư duy thách thức và kiểu ăn nói xấc xược!