Đến nay vẫn chưa quyết việc không ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu cung cấp đường ống nước sạch Sông Đà giai đoạn 2.
Ngày 25/4, Báo Đấu Thầu đưa tin, CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco), chủ đầu tư Dự án nước sông Đà sẽ không ký hợp đồng gói thầu cung cấp ống gang dẻo với Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing của Trung Quốc cho giai đoạn 2 dự án này.
Hiện 2 bên đang tiến hành thương thảo và có 2 kịch bản mà các bên đang tính đến.
Thứ nhất, phía nhà thầu Trung Quốc rút lui khỏi dự án và chủ đầu tư trả lại tiền bảo lãnh dự thầu cho phía nhà thầu, đồng thời có thể phải chấp nhận bồi thường thiện chí.
Thứ hai, trong trường hợp xấu hơn, chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với vụ kiện từ phía nhà thầu Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, ban đầu phía nhà thầu Trung Quốc (đại diện tại Việt Nam) đã đồng ý rút lui, nhưng sau đó, công ty mẹ tại Trung Quốc đã không đồng ý.
Trước thông tin trên, trao đổi với Dân Việt, đại diện Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) lại cho biết đến nay vẫn chưa quyết việc không ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
Cụ thể, lãnh đạo Viwasupco cho biết chủ đầu tư vẫn đang họp bàn để đưa ra phương án lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2.
Đến ngày 30/4, việc thực hiện được thế nào sẽ báo cáo với Thủ tướng, sau đó mới thực hiện các bước tiếp theo. Viwasupco đang thực hiện các công việc theo chỉ đạo vừa qua của Thủ tướng.
“Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng và yêu cầu chúng tôi thực hiện 5 bước. Chúng tôi đã thực hiện đến bước 3, bước 4 rồi”, lãnh đạo Viwasupco cho biết.
Về việc có hay không tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) – đơn vị đã trúng thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án, đại diện Viwasupco cho hay: “Điều này phụ thuộc vào việc người ta thực hiện như thế nào và cả ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia. Chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn đánh giá, chưa có thông tin chính thức về việc dừng hay ký tiếp hợp đồng với nhà thầu”.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của UBND TP.Hà Nội về việc tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Đồng thời, yêu cầu Vinaconex tiếp thu các ý kiến của UBND TP.Hà Nội.
Đó là nghiên cứu kỹ về ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận của nhân dân liên quan đến việc lực chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện.
Đồng thời, thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp, bảo đảm theo các tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.
Sau khi tư vấn thực hiện đánh giá đạt kết quả, chủ đầu tư phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư phải thông báo hủy ngay kết quả đấu thầu. Chủ đầu tư phải tập trung thực hiện toàn bộ các nội dung trên và hoàn thành trong tháng 4.
Trước lo ngại của lãnh đạo Vinaconex về việc phải đền bù tiền cho việc hủy thầu, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông cho biết: “Nếu hủy thầu, Hà Nội cần phải xem kỹ trong Luật đấu thầu 43 và Nghị định 63 hướng dẩn, cả trách nhiệm cá nhân đơn vị cũng đều nói rõ trong luật. Hủy thầu thì xem điều 17 và 18 của Luật.
Muốn chúng ta không phải bồi thường thì phải rõ chúng ta là ai, là phía Việt Nam hay là người dân Hà Nội? Muốn hủy thầu thì phải chứng minh cho được có vi phạm các quy định trong đấu thầu, để có thể quy trách nhiệm cụ thể, ai làm nấy chịu.
Theo tôi, có thể xử lý theo 2 tình huống: Một là, Chính phủ quyết định hủy thầu do hình thức đấu thầu rộng rãi không phù hợp trong gói thầu này, do có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, chỉ có một số nhà thầu có thể tham gia, phải đấu thầu hạn chế theo danh sách ngắn.
Trường hợp này, phải bồi thường cho nhà thầu theo hồ sơ mời thầu (nếu có nói) hoặc thương lượng với nhà thầu để không bồi thường (vì chi phí nhà thầu đã bỏ ra lập hồ sơ dự thầu không lớn).
Hai là chỉ hủy kết quả đánh giá, gia hạn thời gian hiệu lực để tìm hiểu, đánh giá thêm”.