“Vấn đề quan trọng lúc này là cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vụ cá chết tại nhiều tỉnh Miền Trung”, GS.TS Bùi Thị An nói..
Câu nói “bản năng” hay ý thức
Vì sao cá chết dải dọc nhiều tỉnh Miền trung? Thợ lặn của dự án Formosa chết chưa rõ nguyên nhân; Nghi vấn trong nước biển có độc tố cực mạnh, là những câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp rõ ràng.
Khi tất cả những giả định về vụ cá chết chưa được làm rõ, thì dư luận hướng sự chú ý của mình vào Formosa – nơi phát hiện đường ống dẫn nước thải đổ ra biển.
Nghi ngờ trên không phải không có cơ sở khi Formosa nhập hóa chất cực độc để súc xả đường ống (Tuổi trẻ đưa tin hôm 24/4).
Logic thông tin từ các sự kiện có liên quan, không ít
người chủ quan và tự đưa ra nhận định, Formosa chính là thủ phạm gây nên “thảm họa môi trường” tại Miền trung (?)
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 23/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, khả năng cá chết do độc tố cực mạnh trong nước.
Tuy nhiên, độc tố đó là gì? từ đâu ra? cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận.
Tất nhiên, trong cơn bão dư luận và vòng xoáy nghi ngờ, Formosa cũng chẳng thể ngồi yên, hay nói cách khác, họ cũng chẳng dại gì mà không lên tiếng để thanh minh cho mình.
Sự việc càng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi đại diện Formosa trả lời báo chí về nghi vấn chất thải khu kinh tế đầu độc cá (?)
“Nhiều khi không được cả hai thì phải lựa chọn. Muốn bắt cá tôm hay muốn xây một nhà máy thép hiện đại?”, (VTC14 dẫn lời ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh).
Một câu nói khiến những người được cho là điềm tĩnh nhất cũng không thể ngồi yên. Nhiều bạn đọc, giới phân tích cùng có chung nhận định đó là tuyên bố có tính chất thách thức, xúc phạm nhất từ trước đến nay, của một trong số các doanh nghiệp nước ngoài đang “ở nhờ” trên đất Việt Nam.
Đó có thể là tư duy của người tự đặt mình vào trị trí “bề trên”, để áp đặt, buộc người ta phải đánh đổi, hoặc kinh tế, hoặc là không có gì.
Và nếu câu nói ấy được thực hiện một cách “bản năng”, thì khó có thể gọi là đó là cách ứng xử của một con người có nhận thức.
Còn nếu đó là câu nói (có ý thức) của nhà quản lý kinh tế với tư duy sẵn sàng bất chấp tất cả, chà đạp lên các giá trị sống căn bản của con người, không sớm thì muộn cũng sẽ bị tẩy chay khỏi xã hội.
Cá chết hàng loạt dọc ven biển các tỉnh Miền trung (ảnh Thủy Phan). |
Quan điểm của người viết cho rằng, người dân sinh sống gần khu vực Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nói riêng, và người dân Việt Nam nói chung, không có nghĩa vụ phải trả lời ông câu hỏi hàm ý “đánh đổi” nói trên của vị Giám đốc đối ngoại Formosa.
Người Việt Nam cũng sẽ không đánh đổi miếng cơm, manh áo, kế sinh nhai, thậm chí cả tính mạng đồng bào của mình để lấy thứ “kinh tế bất chấp” ấy.
Hay nói theo cách nói của Luật sư Trương Anh Tú, trên trang cá nhân của mình: “Chúng tôi tôn trọng chào đón những nhà đầu tư đến Việt Nam nhưng cũng sẽ xử lý theo quy định đối với những nhà đầu tư không chấp hành pháp luật Việt Nam, không tôn trọng đất nước con người Việt Nam.
Chính các ông – Formosa, mới là người phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả lời những băn khoăn của dư luận liên quan tới việc xử lý môi trường trong quá trình hoạt động của mình.
Không đáng phải quan tâm, bình luận
Trước sự việc nói trên, GS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, phát biểu của vị đại diện Formosa khi trả lời báo chí xung quanh nghi vấn xả nước thải làm chết cá là “không đáng phải quan tâm, bình luận”.
“Tôi cũng có cảm giác bị xúc phạm như bao người khác. Nhưng cái này không đáng tầm để chúng ta phải chấp nhặt, quan tâm, bình luận”, GS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.
GS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang) |
Cũng trong chiều ngày 26/4, lãnh đạo Formosa đã tổ chức họp báo, đồng thời cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam.
Lãnh đạo đơn vị này cũng cho biết, sẽ xử lý cán bộ vi phạm trước những phát ngôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ của Formosa với chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Về việc này, GS.TS Bùi Thị An cho rằng, vấn đề cấp
thiết nhất hiện nay là cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân cái gọi là “thảm họa môi trường” đang diễn ra ở các tỉnh Miền trung thay vì việc quan tâm những chuyện không đáng nói (phát ngôn, xin lỗi – PV).
“Quan điểm của chúng ta là phát triển một nước Việt Nam bền vững, vừa tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo môi trường, như hiến pháp quy đinh, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”, GS.TS Bùi Thị An nói.
GS.TS Bùi Thị An đưa ra nhận định, sự việc cá chết dọc nhiều tỉnh Miền trung là vấn đề nghiêm trọng, có tính chất lâu dài, liên quan tới an sinh xã hội. Rộng hơn là vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước.
“Chúng ta có quan điểm rằng, không kêu gọi đầu tư với bất kể giá nào”, GS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.
Truy trách nhiệm
GS.TS Bùi Thị An nhận định, nước thải chứa độc tố chính là nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt.
“Tại sao cá đang khỏe, cho tiếp xúc với nước biển tại Formosa thì chết sau thời gian ngắn? Nếu trong nước không có độc tố thì làm sao cá chết nhanh vậy? Tại sao cá chết tại sao không bắt đầu từ Nghệ An mà lại bắt đầu từ Hà Tĩnh, từ Khu công nghiệp Vũng Áng trở vào?”.
Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển
cộng đồng cũng cho rằng, để kết quả kiểm tra, phân tích mẫu cá, nước được chính xác, cần tuân thủ chặt chẽ các thao tác kỹ thuật trong việc lấy mẫu kiểm nghiệm…
“Quan trọng nhất là phải xác định thời điểm lấy mẫu, vị trí lấy mẫu, cách bảo quản mẫu sau khi lấy mẫu, thiết bị phân tích. Ví dụ, việc lấy mẫu trước thời điểm mưa sẽ khác sau khi mưa.
Song song đó, cần kiểm tra lại toàn bộ thiết kế, thi công, vận hành đường ống xả thải của Formosa, đã phù hợp với quy định hay không?
Việc giám sát, giám sát xử lý, xả thải của Formosa sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nước thải.
Từ kết quả phân tích độc tố trong nước, tôi đề nghị công khai thông tin trên một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để dân được biết và giám sát” GS.TS Bùi Thị An nói.
GS.TS Bùi Thị An đề nghị, trong quá trình làm việc, cơ quan chuyên môn nên lắng nghe ngư dân vùng biển, tiếp thu ý kiến các chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực môi trường trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân, xử lý vụ việc.
Trong trường hợp xác định được nguyên nhân gây độc khiến cá chết thì phải truy trách nhiệm và xử lý đến cùng đối tượng gây ra thảm họa môi trường này.