Friday, November 15, 2024
Trang chủNước Việt đẹpAi ăn cá miền Trung: Lãnh đạo làm gương ăn thử?

Ai ăn cá miền Trung: Lãnh đạo làm gương ăn thử?

Theo chuyên gia, ở thời điểm hiện tại không nên ăn cá ở vùng ven bờ mà chỉ nên ăn các loại cá di cư đánh bắt ở ngoài khơi.

Phân biệt cá chết tự nhiên và chết do nhiễm độc

Việc cá chết hàng loạt ở biển miền Trung khiến người dân các địa phương hết sức lo lắng khi họ không biết đâu là cá chết tự nhiên, đâu là cá chết do nhiễm độc, đặc biệt khi cá đã được xử lý, đông lạnh và vận chuyển đến các tỉnh, thành.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Quang Cần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, cá biển tươi khi lật mang lên nhìn vẫn còn hồng, mình cá không nhớt, ấn tay vào mình cá sẽ hồi lại ngay, trong khi cá chết ươn không có sự đàn hồi, mùi rất khó chịu. Ông cũng khuyến cáo người dân khi ăn cần bỏ mang và toàn bộ phần cá xung quanh hốc mang, ruột.

Cũng theo ông Cần, cá nhân ông, dù có hạn chế ăn cá hơn trước nhưng với cá đánh bắt tự nhiên, còn tươi ông vẫn ăn bình thường.

Trong khi đó, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết thêm về các loại cá chết tự nhiên. Theo đó, với nghề lưới vây hay lưới giã, cá sau khi được đánh bắt lên boong tàu sẽ sống được chừng 30 phút đến 1 tiếng, ngư dân phân loại rồi đưa xuống hầm tàu bảo quản bằng đá rồi vận chuyển.

Tương tự, cá ngộp chết khi người dân đánh bắt bằng lưới vây hay chết dưới nước khi đánh bắt bằng lưới rê cũng đều là cá chết tự nhiên.

“Với cá chết tự nhiên, nếu không dùng các chất bảo quản khác, chỉ ướp đá thông thường thì cá không bị ngấm nước nữa, ruột cá không bị vỡ, nếu còn tươi thì mang cá đỏ.

Nếu cá để 5-7 ngày trên tàu sau đó đưa lên bán thì có hiện tượng vỡ ruột nhưng khi mới mổ ra chưa có mùi khẳm. Đó là những con cá chết tự nhiên. Người ta còn phân biệt cá chưa ngâm vào đá với cá ngâm vào đá ở chỗ mình cá khô, mắt sáng, mang đỏ, vẫn giữ được nhớt bên ngoài.

Còn cá chết do nhiễm độc, nó có thể chết do ức chế thần kinh, cũng có con  bbij phá hủy nội tạng, nổ ruột, bong cá trương to, mình cá không nhớt. Khi mổ bụng cá ra hầu như toàn bộ nội tạng của con cá bị vỡ. Do cá chết lâu, nội tạng bị phân hủy nên thịt rất nhão, thậm chí cá nhỏ nếu đụng vào thịt sẽ rữa ra ngay, mang cá thường bị thâm đen hết”, ông Đáp chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia thủy sản, người bán cá thường đánh lừa cảm giác của người mua bằng cách dùng chất bảo quản để ngâm tẩy như formon, ure trộn với nước đá làm cho bề mặt bên ngoài của cá luôn luôn ẩm. Do đó, nếu quan sát bên ngoài thì không phát hiện được.

Nhưng nó có đặc trưng là thịt con nào sờ cũng mềm, trong khi cá chết tự nhiên bao giờ cũng khô do bị mất nước, có ngâm lại vào nước rồi ấn vào thân cá, nó vẫn giữ độ cứng nhất định. Còn cá chết do nhiễm độc thân lúc nào cũng mềm, mang luôn thâm đen.

Một đặc trưng khác là khi dùng hóa chất để bảo quản cá, lúc nấu lên sẽ bốc mùi của cá và hóa chất bị phân hủy chứ không có mùi thơm, dẫu có cho gia vị các kiểu. Bởi vậy, ông Vũ Đình Đáp khuyên rằng, nếu người dân lỡ mua phải cá ướp hóa chất, dứt khoát không nên ăn bởi độc, protein trong cá đã bị phân hủy hết.

Ai ăn cá miền Trung?

Hiện tượng cá chết hàng loạt cũng khiến người dân nhiều nơi sợ ăn cá biển miền Trung, thậm chí là cá ở những vùng nước không xảy ra hiện tượng ăn cá chết. Điều này khiến ngư dân nhiều tỉnh miền Trung lao đao.

Đặt câu hỏi sau khi đã hướng dẫn người dân phân biệt được cá chết do nhiễm độc và cá chết tự nhiên, liệu lãnh đạo các địa phương có nên làm gương ăn thử cá ở những vùng không xảy ra hiện tượng cá chết để khuyến khích người dân tiếp tục sử dụng cá đánh bắt ở các vùng biển an toàn, ông Vũ Đình Đáp cho rằng, không thể và không nên làm việc này dù có thể có người làm gương ăn thử nhưng sau đó lại về tẩy ruột.

“Đây là vấn đề an toàn thực phẩm. Vùng nước đã bị ô nhiễm không thể ngày một ngày hai là sạch được mà cần cả một thời gian dài.

Chẳng hạn, nếu biển bị ô nhiễm do các nhà máy xả thải thì khi xảy ra hiện tượng cá chết, các nhà máy ngưng xả thải hay phải xử lý rồi mới thải, nhờ hoạt động hữu cơ trong môi trường nước, lượng độc tố trong nước mới giảm dần.

Cũng cần lưu ý rằng, vùng nước nông gần bờ biển, ở độ sâu vài chục mét trở lại bị nhiễm độc nặng, nồng độ độc tố cao. Còn vùng nước ngoài khơi, sâu tầm 50m, thậm chí  từ Đà Nẵng vào Nam Trung Bộ độ sâu vài nghìn mét, mức ô nhiễm ở nồng độ cao là rất khó. Ở các vùng biển ngoài khơi này, những loài cá di cư như cá ngừ, cá thu, cá song… vẫn sống được, người dân có thể đánh bắt xa bờ và con cá đó vẫn ăn được.

Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại không nên khai thác cá ở vùng ven bờ. Chỉ khi nào nồng độ độc tố giảm đi, bản thân cá tự thích nghi và môi trường từng bước cải thiện thì khoảng vài ba tháng hay sau 1 năm, người dân vẫn có thể ăn cá ở ven bờ bình thường chứ không phải ngừng ăn vĩnh viễn.

Ngoài việc vận động người dân không nên khai thác ở vùng ven bờ, nếu cá tiếp tục chết phải tiêu hủy. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải xác định nguyên nhân, cơ sở nào, địa phương nào đưa chất thải ra biển và phải ngăn chặn ngay”, ông Vũ Đình Đáp nhấn mạnh.

Nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh hải sản chết bất thường

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký công điện về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng thu gom, xử lý kịp thời số lượng thủy, hải sản chết (bao gồm thủy, hải sản nuôi trồng và tự nhiên) để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;

Tăng cường tuyên truyền về việc mất an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân không sử dụng các sản phẩm từ thủy, hải sản chết; nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các đơn vị chức năng, chuyên ngành thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy, hải sản dùng làm thực phẩm cho người, nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới