Wednesday, January 22, 2025
Trang chủĐiểm tinMối liên hệ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và...

Mối liên hệ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông

Trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với tất cả hòn đảo, bãi cạn, đảo san hô và vùng biển xung quanh ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) theo yêu sách “đường 9 đoạn”. 

Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku

Trong khi đó, việc công bố đường cơ sở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (trên Biển Hoa Đông) là tuân theo Công ước Luật biển năm 1982. Việc Trung Quốctuyên bố và đưa đường cơ sở xung quanh Điếu Ngư/Senkaku ra Liên hợp quốc là một nỗ lực để củng cố vị thế pháp lý. Tuy nhiên, đây là hành vi pháp lý đơn phương của Trung Quốc và không có hiệu lực đối với các quốc gia khác. Trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc chủ trương quốc tế hóa tranh chấp. Trong khi đó, ở Biển Đông, Trung Quốc luôn khẳng định muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với từng nước liên quan, phản đối mọi hành động nhằm quốc tế hóa tranh chấp ở khu vực này.

Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có điểm giống nhau, cụ thể: Đều là tranh chấp chủ quyền biển đảo; TQ đều có các hành động khiêu khích, hiếu chiến và ít cơ sở lập luận pháp lý. Ngoài ra, đây còn là “cuộc chiến pháp lý” đã được đưa vào chiến lược quốc phòng của Trung Quốc và nước này đang tích cực đưa các tàu hải giám hoạt động trong các vùng biển tranh chấp để “thực thi nhiệm vụ chấp pháp” nhằm tạo ra cơ sở pháp lý bằng luật pháp.

Tuy nhiên, các biện pháp hòa bình (đàm phán, thương lượng, trung gian và hòa giải) đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có nhiều triển vọng thành công nhất. Vì: Thứ nhất, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế liên tục lên án các hành động sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp; ủng hộ các biện pháp thương lượng, đàm phán hòa bình, nếu Trung Quốc cố tìm cách sử dụng các biện pháp quân sự để chiếm đóng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, nước có vị trí siêu cường trên thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực xây dựng hình tượng nước lớn có tránh nhiệm, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Do vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không có các hành động cực đoan trong giai đoạn này để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Thứ hai, Mỹ tìm mọi cách không để xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Vì Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ kinh tế gắn bó mật thiết (Tính đến tháng 6/2015, số trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ lên tới 1,3 nghìn tỷ USD), trong khi Mỹ và Nhật Bản là đồng minh thân cận và bị ràng buộc bởi Hiệp định hỗ tương an ninh Nhật – Mỹ (1960). Thứ ba, Trung Quốc và Nhật Bản là các đối tác lớn của nhau trong lĩnh vực kinh tế. Báo Wall Street Journal cho rằng, trong trường hợp cường quốc số 2 và số 3 kinh tế thế giới lao vào một cuộc chiến thương mại, thiệt hại sẽ rất đáng kể cho cả đôi bên. Đơn giản do Trung Quốc lệ thuộc vào đầu tư và công nghệ của Nhật Bản và Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn thứ ba của Trung Quốc, sau Liên minh Châu Âu và Mỹ. Vậy thì Trung Quốc liệu có đủ can đảm để quay lưng lại với thị trường Nhật Bản hay không khi biết rằng, nếu Nhật Bản ngưng mua hàng “made in China” thì hàng triệu người lao động Trung Quốc sẽ thất nghiệp. Hiện Bắc Kinh vẫn cần tới đầu tư của Nhật Bản để tiếp nhận công nghệ và tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Thứ tư, tuy các biện pháp hòa bình (đàm phán, thương lượng, trung gian và hòa giải) chưa thể đi đến một kết quả phân định quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc chủ quyền của bên nào, nhưng ít nhất nó có thể duy trì hiện trạng như hiện nay.

Song, không loại trừ khả năng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ đưa tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế (Tòa án Công lý quốc tế – ICJ, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982). Trung công năm 2006 tuy đã ký thông qua Công ước Luật Biển năm 1982, song bảo lưu Điều 298, trong đó bảo lưu quyền quyết giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua các cơ quan tài phán của Liên hợp quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách đưa tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bằng công cụ pháp lý khi đệ trình đường cơ sở của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku lên Liên Hiệp Quốc (13/9/2012). Trong khi đó, Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là do muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ra ICJ. Tuy nhiên, ICJ không có thẩm quyền đương nhiên nên chỉ có thể thụ lý vụ việc và giải quyết tranh chấp trừ phi các bên tranh chấp đồng ý, chấp nhận thẩm quyền.

Ngược lại, tranh chấp ở Biển Đông lại có nhiều diễn biến phức tạp và ít có khả năng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trong tương lai gần. Trung Quốc đang tìm mọi cách chứng minh có “chủ quyền” đối ở Biển Đông bằng cách tiến hành cải tạo đảo, đá phi pháp ở Biển Đông; xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo chiếm đóng trái phép, đưa người dân ra sinh sống tại một số đảo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo cổ ở Biển Đông… Song, những hành động trên cũng không thể thay đổi được sự thật là Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một số đảo ở Biển Đông

Trung Quốc đang viện dẫn nhiều lý do để bao biện cho hành động chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam ở Biển Đông: Thứ nhất, Trung Quốcviện dẫn việc ngư dân phát hiện sớm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cơ sở pháp lý về chủ quyền là không phù hợp với luật quốc tế. Vì với rất nhiều tên gọi không thống nhất và không hề giống với tên gọi được sử dụng hiện nay cho hai quần đảo này, với các lập luận mơ hồ rất khó kiểm chứng, tính chân thực trong các tài liệu lịch sử này của Trung Quốcrất khó thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, trong luật quốc tế, mọi hành động mang danh nghĩa cá nhân đều không tạo ra cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và cũng không làm thay đổi bản chất của chủ quyền, ngay cả khi các cá nhân đó hợp thành một tập thể hoặc công ty, trừ trường hợp cá nhân, tập thể hoặc công ty đó được Nhà nước ủy quyền xác lập chủ quyền lãnh thổ.Thứ hai, việc Trung Quốc viện dẫn Hiệp ước Pháp – Thanh (26/6/1887) về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc kỳđể tuyên bố chủ quyền là không có giá trị áp dụng cho phân chia đảo tại khu vực Biển Đông. vì: Hiệp ước Pháp – Thanh chỉ được ký kết để phân định biên giới trên bộ, nội dung điều khoản về phân chia đảo chỉ được áp dụng cho khu vực gần biên giới. Thứ ba, Trung Quốc cho rằng theo Điều 2 (f) trong Hiệp định Sanfransisco, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chủ quyền ở Biển Đông là để trao lại cho Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Điều 2 (f) chỉ đề cập đến việc Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, chủ quyền và yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không nói rõ ràng chủ quyền này thuộc về nước nào. Đặc biệt, với tư cách là một nước thuộc phe phát xít, đã sử dụng vũ lực một cách bất hợp pháp để chiếm đóng các vùng lãnh thổ, thì sự chiếm đóng của Nhật Bản không thể xác lập được bất kỳ chủ quyền hợp pháp nào và càng không thể chuyển giao cho nước nào thứ chủ quyền mà Nhật Bản không có. Thứ tư, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trái phép để đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Vào thời điểm năm 1974 và 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của Liên hiệp quốc và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc “Jus cogen” của luật quốc tế.Thứ năm, Trung Quốccho rằng có chủ quyền ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn” và đây là vùng nước lịch sử của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, vào thời điểm công bố bản đồ, Trung công chưa từng đưa ra sự giải thích chính thức nào về ý nghĩa pháp lý hay yêu sách của đường này, các bản đồ về “đường 9 đoạn” chỉ có nguồn gốc từ công trình của một cá nhân, do một cá nhân vẽ ra, không có sự ủy quyền từ Nhà nước, không có sự giải thích chính thức từ Nhà nước, thì quá trình sử dụng đó chẳng thể tạo ra một danh nghĩa lịch sử hay pháp lý nào cho yêu sách sau này của Trung Quốc.

Tranh chấp ở Biển Đông rất phức tạp, liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực. Ở Biển Đông có những tranh chấp liên quan đến 2 nước chẳng hạn như tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay việc phân định những vùng biển chồng lấn giữa các nước liên quan do khoảng cách bờ biển đối diện giữa hai nước không đủ 400 hải lý để mỗi bên có thể xác định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của mình theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Phân xử tại Toà đối với tranh chấp ở Biển Đông có thể được coi là biện pháp công bằng nhất và tạo cơ sở cho mỗi bên có thể giải thích các luận điểm lập trường của mình. Việc phân xử tại Toà có thể được sử dụng thông qua Toà án Công lý quốc tế (ICJ), Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS) hay bằng những cơ chế khu vực khác. Thực tiễn ở khu vực đã có nhiều tranh chấp được giải quyết tại ICJ như vụ Sipadan – Ligitan giữa Indonesia và Malaysia; vụ Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn phản đối việc giải quyết tranh chấp ở ICJ hay ITLOS mặc dù Trung Quốc có thẩm phán cả ở ICJ và ITLOS. Ngoài ra, rất khó để có thể tìm ra được các cơ quan hay hiệp định khu vực có thể sử dụng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông vì Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc chỉ là một văn kiện chính trị không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Vậy hướng đi nào là khả thi để giải quyết hòa bình các tranh chấp mà vẫn bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam? Để giải quyết được tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở Biển Đông, các bên liên quan cần tôn trọng và đề cao luật pháp quốc tế. Trước mắt cần tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; mỗi đảo có người ở cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạn nửa nổi, nửa chìm có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500m bao quanh để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới