Điều cấp bách lúc này là cơ quan chức năng cần khởi tố ngay vụ án về tội gây ô nhiễm nguồn nước theo Điều 183 Bộ Luật hình sự…
Tập đoàn từng có “tiền án” liên quan tới ô nhiễm môi trường
“Thảm họa môi trường” tại một số tỉnh ven biển Miền trung đang là chủ để được người dân trong cả nước và các phương tiện truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm.
Mọi ánh mắt, mọi sự nghi ngờ đều hướng về Vũng Áng,
nơi có khu công nghiệp nặng (luyện gang thép) Formosa lớn nhất Đông Nam Á đang được khẩn trương xây dựng với diện tích đất và mặt nước hơn 3000 ha.
Sự nghi ngờ, bức xúc của người dân không phải là không có cơ sở khi chủ đầu tư (Tập đoàn Hưng nghiệp Đài Loan) là tập đoàn đã có nhiều “tiền án” lớn liên quan đến môi trường ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1998, Formosa Plastics bị phát hiện đưa 3.000 tấn chất thải độc hại có chứa thủy ngân tới thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia; gây ra nhiều sự cố môi trường ở Mỹ, bị phạt tới 13 triệu USD….
Thậm chí dư luận gần như buộc tội “thủ phạm” duy nhất gây ra thảm họa môi trường vừa qua là Formosa Hà Tĩnh.
Rõ ràng, các bằng chứng có được đang chống lại Formosa Hà Tĩnh, đặc biệt với phát ngôn của Giám đốc đối ngoại đơn vị này, đã gián tiếp thừa nhận hành vi vi phạm (?)
“Người dân không thể đòi hỏi được cả hai mà chỉ có thể chọn cá, tôm hay là nhà máy thép hiện đại” (VTC14 đưa tin). Kèm theo đó là đường ống xả thải dài hàng nghìn mét cắm thẳng xuống đáy biển.
Một số bằng chứng khác có liên quan cho thấy, Formosa nhập số lượng lớn hóa chất cực kỳ độc, dùng để súc xả đường ống (…). Rồi với thí nghiệm cho cá vào nước nước biển lấy từ Vũng Áng. Chỉ trong vòng 2 phút sau khi được thả, cá đã chết.
Với đặc điểm khí hậu thủy văn Biển Đông theo mùa, các dòng hải lưu ven bờ theo mùa, đặc điểm địa hình bờ biển nước ta kéo dài từ Bắc xuống Nam, nguồn ô nhiễm đã nhanh chóng phát tán từ Vũng Áng, Hà Tĩnh chạy dọc tới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (nguồn: http://www.vawr.org.vn).
Sự việc gây ra cảnh tượng cực kỳ nghiêm trọng, khiến các loại thủy, hải sản chết, trôi dạt vào bờ với số lượng cực lớn, chưa từng có từ trước đến nay, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về kinh thế, gây hoang mang, bất bình trong dư luận.
Cần phải nhanh chóng khởi tố vụ án
Điều 43 hiến pháp quy định định: “Mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.
Điều 63, khoản 3: “Tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi
trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Điều 3. Bộ Luật hình sự quy định về nguyên tắc xử lý:
1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.
2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn (ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này…
Báo cáo Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm; chủ động tiến hành rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, nếu cá biển chết hàng loạt do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, thì phải xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào…
Như vậy Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao, không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với vụ việc gây ô nhiễm môi trường tại Vũng Áng,
Hà Tĩnh đã gây hậu quả nghiêm trọng, các dấu hiệu, chứng cứ của hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng, điều cấp bách lúc này là cơ quan chức năng phải khởi tố ngay vụ án về tội gây ô nhiễm nguồn nước theo Điều 183 Bộ Luật hình sự.
Qua đó xác định rõ nguyên nhân của vụ việc, làm rõ nguồn ô nhiễm từ đâu ra để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Nếu qua điều tra, xác minh mà có đầy đủ căn cứ khẳng định thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh thì có biện pháp ngăn chặn ngay thảm họa, không để thảm họa kéo dài, đi quá xa, gây hậu quả lâu dài đồng thời buộc người/tổ chức gây ra hâu quả phải có nghĩa cụ bồi thường.
Mặt khác nếu qua điều tra, xác minh vụ án mà có đủ cơ sở khẳng định không phải do Formosa Hà Tĩnh gây ra thì cũng công bố cho toàn thể người dân được biết để tránh những nghi ngờ, áp đặt không có căn cứ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư đóng góp cho nền kinh tế.
Để việc điều tra được khách quan cần có sự giám sát chặt chẽ của người dân, các tố chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình điều tra.
Ngay lúc này, các tố chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hội Nông dân, hội nghề cá, Hội nuôi trông thủy sản… cần nhanh chóng tiếp cận, liên hệ với các thành viên, hội viên của mình (nơi bị ô nhiễm) để bàn bạc lên phương án và tính toán các thiệt hại làm căn cứ yêu cầu bối thường khi có kết luận điều tra vụ án gây ô nhiễm môi trường nói trên.
Trong quá trình điều tra, nếu có đầy đủ căn cứ xác định việc gây ra ô nhiễm từ trong nước, do lỗi của con người thì cần thiết phải khởi tố thêm vụ án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ Luật hình sự để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền về quản lý nhà nước, môi trường đã thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên.