Ngày 27/4, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã hối thúc Chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đông thông qua việc triển khai nhiều hơn các hoạt động tuần tra gần các đảo tranh chấp tại đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một nhóm các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng các hoạt động tuần tra “tự do đi lại” trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông cần diễn ra định kỳ. Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker, các hoạt động đó nên diễn ra hàng tuần hoặc hàng tháng.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Colorado, ông Cory Gardner, cho rằng việc triển khai các tàu Mỹ tại vùng biển này 3 tháng/lần “đơn giản là chưa đủ để phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez cáo buộc Trung Quốc đang chi phối khu vực, đồng thời ủng hộ việc Washington có một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng nhất trí quan điểm Mỹ cần tiến hành định kỳ các hoạt động tuần tra quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở Biển Đông.
Ông chia sẻ quan điểm với Thượng nghị sĩ Marco Rubio rằng mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Theo quan chức ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đang phớt lờ các nước láng giềng và có nguy cơ “gây xung đột và bất ổn khu vực”, trừ phi Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận hiện nay của họ và làm sáng tỏ các tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế.
Liên quan tới các hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình từng nhiều lần tuyên bố: “Việt Nam khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Những hành động này không chỉ đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương; mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN – Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế; có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Ông Lê Hải Bình cũng nêu rõ: “Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu vực này” trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế.