Hàng tỉ USD đã được Trung Quốc chi ra để mua cảng biển và đằng sau đó là cả một chiến lược lớn mang tầm quốc gia, có thể gây quan ngại quốc tế.
Sau khi chi gần 370 triệu euro để mua quyền sử dụng cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp, bước chân “thôn tính” cảng biển trên toàn thế giới của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, tiếp tục vươn vòi tới Algeria, Australia, Canada, Pakistan…
Trang “Tin tức Tham khảo” của Trung Quốc mới đây đã dẫn phát biểu của chuyên gia trên truyền thông nước ngoài cho rằng Bắc Kinh muốn kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới để đảm bảo hàng hóa của họ có thể nhanh chóng vận chuyển tới tay người tiêu dùng phương Tây.
Cảng Piraeu nằm cách thủ đô Athen của Hy Lạp không xa. Bắc Kinh muốn xây dựng nơi đây thành một trung tâm trung chuyển quốc tế cỡ lớn để đưa hàng hóa từ châu Á sang châu Âu.
Trong bố trí chiến lược, cảng Piraeu sẽ kết nối với cảng Cherchell ở Algeria mà Trung Quốc cũng muốn thâu tóm quyền xây dựng, vận hành và kinh doanh để phát triển thành trung tâm vận tải trên biển lớn nhất Địa Trung Hải.
Để làm được điểu đó, phía Trung Quốc đã mạnh tay vung tiền, ký với Chính phủ Algeria một hiệp định có tổng trị giá 3,3 tỉ USD và quả thực những khoản đầu tư vào lĩnh vực cảng biển của Bắc Kinh đã gây ấn tượng mạnh.
Tháng 10/2015, Australia tuyên bố Tập đoàn Lam Kiều của Trung Quốc đã giành quyền thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD. Đây là một cảng biển lớn ở miền Bắc Australia, được mệnh danh là “cửa ngõ nối thông với châu Á”.
Trước đó, năm 2007, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 250 triệu USD để thuê gần 1.000 ha trong 43 năm xây dựng cảng nước sâu Gwadar ở tỉnh Balochistan, Pakistan, nhằm kết nối Gwadar với vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Có nhà phân tích chỉ rõ hoạt động bạo tay chi tiền mua cảng biển trên thế giới của Trung Quốc là một mắt xích thực hiện ý tưởng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” mà lãnh đạo Trung Quốc khởi xướng.
Mục đích chủ yếu là nhằm ưu việt hóa tiến trình thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế với Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Cùng với “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ”, “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hợp thành chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Tuy đã được một số nước như Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Belarus… hoan nghênh, nhưng theo “Thời báo New York” của Mỹ, chiến lược này đang dấy lên nghi ngờ sẽ làm nghiêm trọng hơn căng thẳng địa chính trị trên thế giới.