Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiThiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể về cuộc tiến công giải phóng...

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể về cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các Việt Nam cộng hòa do Dương Văn Minh đứng đầu đã đầu hàng.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập (Ảnh: vtc.vn)

LTS: Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bài viết này, Đại tá Đặng Việt Thủy ghi lại lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia giải phóng Sài Gòn – cuộc tiến công cuối cùng để tiến tới thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 325 (năm 1976), Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 (năm 1986), Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (năm 1993). 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Tư lệnh phó Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia giải phóng Sài Gòn. Sau đây là lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến này:

Sáng 23/4/1975, Sư đoàn 325 chúng tôi nhận lệnh tác chiến của Tư lệnh Quân đoàn 2. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn được tăng cường 1 đại đội tăng có 7 chiếc, 1 tiểu đoàn công binh cầu phà, 1 tiểu đoàn cao xạ và 1 tiểu đoàn pháo 130 mm tầm xa đi cũng sẵn sàng vào bố trí ở Nhơn Trạch để bắn vào khống chế sân bay Tân Sơn Nhất. 

Nhiệm vụ trước mắt của sư đoàn là đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, khu vực Thành Trung Hạ, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, khống chế đường không và đường sông, không cho địch chạy thoát bằng cách bay lên trời hoặc bơi ra biển. 

Nhiệm vụ tiếp theo của Sư đoàn 325 là tổ chức vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, đánh vào nội đô Sài Gòn để giải phóng quận 9 và quận 4. Đó cũng là trục tiến công của cả sư đoàn.

Địa hình ở đây phức tạp, sông ngòi chằng chịt, lại phải vượt qua hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, không có cầu bắc qua, muốn vượt sông được phải dùng thuyền, phà…

Lực lượng phòng thủ ở khu vực này gồm có lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến, 7 tiểu đoàn lính bảo an, một số đơn vị pháo binh và xe tăng, một liên giang đoàn người nhái với 241 tàu xuồng chiến đấu.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập (Ảnh: vtc.vn)

Để thực hiện nhiệm vụ trên, quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 là tập trung tất cả lực lượng bộ binh, pháo binh, cao xạ để tiến công tiêu diệt địch ở khu vực Long Thành, khu vực Bình Sơn để phá vỡ tuyến phòng thủ then chốt vòng ngoài của địch trên hướng đông nam. 

Từ đó, mở đường đưa lực lượng thọc sâu vào đánh chiếm Chi khu quân sự Nhơn Trạch và Thành Tuy Hạ, đồng thời bịt đường thủy, khống chế đường không… tiếp tục phát triển đánh chiếm vào nội đô Sài Gòn.

– Lực lượng được Sư đoàn 325 đưa vào sử dụng gồm:

Trung đoàn 101 được tăng cường thêm một đại đội xe tăng dưới sự chi viện trực tiếp của pháo binh và cao xạ sư đoàn sẽ đảm nhiệm hướng chủ yếu đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành.

Trung đoàn 46 sẽ luồn vào phía sau để đánh chiếm ngã ba Phước Thiền, thực hiện bao vây cắt đường rút lui của địch ở khu vực Long Thành.

Trung đoàn 18 có nhiệm vụ dùng một tiểu đoàn đánh chiếm Bình Sơn, sau đó trở về làm lực lượng dự bị của quân đoàn.

– Bộ Tư lệnh của Sư đoàn 325 cũng tổ chức thành hai bộ phận:

Sở chỉ huy cơ bản do Tư lệnh Sư đoàn Phạm Minh Tâm và Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dương chỉ huy.

Sở chỉ huy nhẹ do tôi (Nguyễn Đức Huy), Phó Tư lệnh Sư đoàn và đồng chí Nguyễn Văn Rinh, Tham mưu phó Sư đoàn trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 46 đánh chiếm ngã ba Phước Thiền và Chi khu quân sự Nhơn Trạch.

Sáng 24/4/1975, Bộ Tư lệnh sư đoàn phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến cho các đơn vị.

Thời gian làm công tác chuẩn bị rất gấp, chỉ vẻn vẹn có 2 ngày, nhưng với quyết tâm rất cao và sự nỗ lực của mỗi chiến sĩ, nhờ vậy mà trưa ngày 26/4/1975 mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành. 

Bộ binh và xe tăng đã bắt đầu cơ động vào chuẩn bị chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong. Sở chỉ huy sư đoàn đã vào vị trí triển khai. Trung đoàn 46 đã cơ động luồn sâu.

Trong lúc cơ động, có một tình huống bất ngờ xảy ra với tôi – Phó Tư lệnh sư đoàn. Đó là, do cần phải ở lại để hội ý thêm một số công việc, nên tôi phải ngồi trên xe Jeep chỉ huy do đồng chí Nguyễn Văn Cứ lái để đuổi theo Trung đoàn 46. 

Lúc đó, chỉ có tôi với một đồng chí cần vụ trên xe. Xe mới chạy được gần ba cây số trên đường hướng về Long Thành, tôi chợt phát hiện trước mặt là một chòi canh có một số lính địch ra chắn ngang trục đường cùng một khẩu súng 12,7mm đang hướng về xe mình. 

Nghĩ đã bị lầm đường, tôi lệnh cho lái xe ngoặt nhanh vào rừng cao su. Có lẽ do bất ngờ, vài phút sau địch mới kịp nổ súng 12,7mm bắn theo.

Nhưng lúc này, chiếc xe Jeep của chúng tôi đã ở giữa rừng cao su cách đó khá xa, nên không ai bị sao. “Thật là phúc to bằng cái đình!” – Tôi tự nhủ mình như thế mỗi khi nghĩ về sự kiện trên.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, là “giờ G” của cánh quân ở hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn.

Chiến dịch đã mở màn.

Hàng ngàn quả đạn của các đơn vị pháo binh thuộc quân đoàn, sư đoàn và các đơn vị bạn bắt đầu trút bão lửa vào nhiều trận địa, căn cứ của địch ở Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành…

Pháo cao xạ của ta kiên cường đánh trả máy bay địch phản kích, bảo vệ an toàn cho các trận địa pháo và đội hình chiến đấu của quân ta.

Đợt pháo chuẩn bị vừa dứt, các cánh quân của ta từ các hướng, các công sự, chiến hào… ồ ạt xông lên đánh chiếm trận địa địch.

Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 18 vây chặt căn cứ Bình Sơn, đã liên tục kêu gọi địch đầu hàng nhưng chúng vẫn ngoan cố chống cự. Lập tức, đơn vị quyết định nổ súng tiêu diệt gọn hai đại đội địch và sở chỉ huy của tiểu đoàn 346 ngụy, giải phóng Bình Sơn.

Trung đoàn 46 của ta nhanh chóng đánh chiếm cầu Đông Hữu, diệt gọn đơn vị bảo vệ cầu, phát triển đánh chiếm ngã ba Phước Thiền.

Trung đoàn 101 là đơn vị đảm nhận hướng chủ yếu của sư đoàn, có nhiệm vụ đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành. Vào giờ đầu nổ súng, Tiểu đoàn 1 đã phối hợp với xe tăng đánh chiếm được ngã ba đường 10 và đường 15, tiêu diệt hai đại đội thủy quân lục chiến ngụy.

Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 đánh vào trận địa pháo địch, chiếm được 4 khẩu pháo 105mm của chúng.

Nhưng khi hai tiểu đoàn 1 và 3 của Trung đoàn 101 triển khai đánh sâu vào khu vực huyện lỵ thì gặp phải sự kháng cự quyết liệt của bọn địch ở Chi khu Long Thành. Bọn này đã kịp trấn tĩnh, dựa vào nhà cửa trên các tuyến phố ngoan cố chống trả. 

Cuộc chiến đấu giữa ta với địch diễn ra một mất một còn. Ngay tại đó, các mũi tiến công của ta đều bị chặn, hai xe tăng của ta bị bắn cháy. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Ánh Dương và một số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh ngay trên đường phố. 

Sở chỉ huy Trung đoàn 101 cũng bị súng cối và đại liên địch đánh phá dữ dội. Pháo binh địch cũng tập trung bắn phá vào đội hình, ta không phát triển được.

Để nhanh chóng dứt điểm mục tiêu Long Thành, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 quyết định tung lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 2 vào tham gia chiến đấu. Trong khi đó, được lệnh của Sư đoàn trưởng, Trung đoàn 46 đã tổ chức đánh ngay vào ấp Thái Lạc để hỗ trợ cho Trung đoàn 101. Trung đoàn 84 cũng bắn chế áp các trận địa pháo của địch. 

Tên lửa phòng không A72 của ta đã áp sát thị trấn để đánh trả máy bay địch, bảo vệ cho lực lượng bộ binh và pháo binh của ta chiến đấu. Súng pháo phòng không của ta đã bắn cháy, bắn rơi tại chỗ ba chiếc máy bay A37, hai chiếc AD6 và một trực thăng vũ trang của địch.

Bọn địch vẫn ngoan cố chống cự. Các mũi tiến công của Trung đoàn 101 vẫn bị chúng ngăn chặn. Một mũi tấn công của Tiểu đoàn 3 cùng hai xe tăng đánh dọc theo đường 15 phát triển nhầm sang khu vực Nước Trong đã nổ súng tiêu diệt được hai xe tăng và một số bộ binh địch.

Bọn địch ở đây đang phải đối phó với Trung đoàn 9 của Sư đoàn 304 trước mặt, khi thấy xe tăng của ta xuất hiện và đánh mạnh bên sườn, chúng vội vã quay lại chống cự.

Mũi tiến công này của Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 101 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 9 của Sư đoàn 304 giải quyết nhanh quân địch ở khu vực Nước Trong.

Sau hơn 7 giờ đồng hồ chiến đấu trong đêm tối vẫn chưa tiêu diệt được địch ở căn cứ Long Thành, Sư đoàn cho Trung đoàn 101 và Trung đoàn 46 tạm ngừng tiến công. 

Cán bộ chỉ huy các đơn vị tổ chức nắm lại tình hình địch, bàn bạc thay đổi cách đánh, từ đánh nhanh, sang đánh chắc từng bước, chiến đấu đến đâu quét sạch quân địch tại đó đến đấy, nhanh chóng củng cố lực lượng chờ trời sáng thấy rõ mục tiêu sẽ tiến công tiếp.

Sáng 27/4/1975, cuộc chiến đấu ở Long Thành vẫn diễn ra rất ác liệt. Ta quyết đánh chiếm được Long Thành, còn địch cũng ra sức cố giữ lấy. Chúng tăng cường lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến cho lực lượng tại chỗ, tăng cường phi pháo đánh phá vào đội hình chiến đấu của ta, đồng thời phản kích để giữ Long Thành.

Đối với bộ đội ta, với quyết tâm chiến đấu cao trên cơ sở nắm được lực lượng địch nên đã thay đổi cách đánh phù hợp. Do đó, đến 16 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Chi khu quân sự Long Thành.

Kết quả trong trận chiến đấu này, ta đã diệt hơn 600 tên địch, bắt sống 506 tên (có 2 trung tá và 2 thiếu tá), thu và phá hủy 10 khẩu pháo 105mm cùng nhiều vũ khí trang bị khác.

Ngày 28/4/1975, Sư đoàn 325 quyết định đánh thọc sâu vào Nhơn Trạch. Trung đoàn 46 được tăng cường 4 xe tăng đảm nhiệm tiêu diệt Chi khu Nhơn Trạch. 

Để trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 46 thực hiện nhiệm vụ này, Bộ chỉ huy Sư đoàn 325 đã tổ chức sở chỉ huy nhẹ do tôi – Phó Tư lệnh sư đoàn và đồng chí Nguyễn Văn Rinh, Tham mưu phó sư đoàn phụ trách. 

Được sự chi viện trực tiếp của xe tăng và pháo binh, Trung đoàn 46 đã thực hiện vừa bao vây vừa tấn công và chỉ sau ba đợt xung phong quyết liệt, đã nhanh chóng chiếm gọn Chi khu Nhơn Trạch.

Trong khi sư đoàn tiến công Nhơn Trạch, Tiểu đoàn 3 pháo binh 130mm của Quân đoàn 2 do đồng chí Nguyễn Băng Hiến, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn pháo 164 chỉ huy, đã bám sát đội hình của Sư đoàn 325 vào bố trí trận địa để bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và khống chế các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn.

Khi sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn 3 của Lữ đoàn pháo binh 164 vào đến khu vực Long Tân – Phú Hội, quân địch đã huy động hàng chục tàu chiến tiến theo kênh rạch để đổ quân và nã pháo cối vào trục đường 15 và đánh vào sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn và Tiểu đoàn 3 pháo binh. 

Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Đến 15 giờ, khi thấy Trung đoàn 101 vận động lên tới nơi phối hợp chiến đấu, quân địch mới hoảng hốt chạy về căn cứ Cát Lái.

Sáng 29/4/1975 là thời điểm toàn mặt trận chuyển sang tổng công kích. Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho trận địa pháo tầm xa 130mm đặt ở Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. 

Đúng 4 giờ 30 phút sáng hôm đó, khẩu đội pháo do đồng chí Nguyễn Văn Biên chỉ huy được vinh dự khai hỏa bắn quả đạn đầu tiên.

Tiếp đó, hơn 300 quả đạn pháo 130mm đã dồn dập trút bão lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng pháo rung chuyển cả thành phố Sài Gòn, báo hiệu giờ cáo chung không thể tránh khỏi của chính quyền “Việt Nam cộng hòa”.

Lúc này, Trung đoàn 46 của Sư đoàn 325 cũng được lệnh tiến công mục tiêu Thành Tuy Hạ. Đây là một khu thành cổ, địch đã cải tạo thành một kho chứa bom đạn và vũ khí rất lớn để dự trữ cho toàn miền Nam. 

Ngoài lực lượng bảo vệ tại chỗ, địch còn điều thêm một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội học viên sĩ quan tăng viện để phòng giữ Thành Tuy Hạ. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt suốt 6 tiếng đồng hồ mà Trung đoàn 46 vẫn chưa dứt điểm được mục tiêu. 

Để giải quyết nhanh mục tiêu này, mở đường thọc ra đánh chiếm căn cứ hải quân địch ở Cát Lái, Bộ Tư lệnh sư đoàn đã điều thêm Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 101 cùng 4 xe tăng và 2 pháo bắn thẳng 85mm lên tăng cường cho lực lượng tấn công của ta. 

Vào lúc 16 giờ ngày 29/4/1975, xe tăng và pháo bắn thẳng của ta đã bắn tan các lô cốt, các ụ súng tiền duyên của địch. Cùng lúc đó, có xe tăng dẫn đầu, lực lượng của Trung đoàn 46, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 và lực lượng bộ binh mới được tăng cường đã tổ chức xung phong, xông thẳng vào cổng chính, thọc sâu vào trung tâm căn cứ để tiêu diệt địch. 

18 giờ cùng ngày, căn cứ Thành Tuy Hạ bị tiêu diệt. Sau đó khoảng một giờ, lực lượng tấn công của ta đã tới bến phà Cát Lái, sẵn sàng vượt sông đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái và giải phóng quận 9. Tiếp đó, quân ta sẽ vượt bến phà Thủ Thiêm để phát triển vào nội đô, đánh chiếm quận 4 như nhiệm vụ đã được giao, góp phần cùng toàn quân giải phóng Sài Gòn.

Sau khi đánh chiếm xong Thành Tuy Hạ, tôi và đồng chí Nguyễn Văn Rinh cùng sở chỉ huy nhẹ đã nhanh chóng chỉ huy Trung đoàn 46 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 thọc thẳng đến bến phà Cát Lái.

Trước mặt chúng tôi lúc này là dòng sông rộng chừng 800m. Nơi đây vốn không có cầu. Hàng ngày, muốn vượt sông chỉ có hai chiếc phà. 

Theo các đồng chí địa phương cho biết, mỗi phà có thể chở được cùng lúc 20 chiếc xe vận tải. Nếu đúng như vậy thì kế hoạch vượt sông của ta rất thuận lợi.

Nhưng khi đến nơi, thực tế mỗi phà chỉ có thể chở được hai chiếc xe vận tải, mà ngay từ chiều hôm trước, địch đã đưa cả hai chiếc phà đó sang bờ sông bên kia.

Bên trái nơi dừng chân của Sư đoàn 325 là ngã ba sông Lòng Tàu, nơi hợp lưu của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, rộng hàng ngàn mét. Từ Sài Gòn, địch có thể rút quân bằng đường thủy qua đây để chạy ra biển.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 325 là tiêu diệt căn cứ Cát Lái, đồng thời khóa chặt đường thủy, không cho địch rút chạy bằng đường sông ra biển Vũng Tàu.

Khoảng 20 giờ, sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn cũng đã lên tới bến phà Cát Lái. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh sư đoàn đã hội ý chớp nhoáng để đi đến quyết định nhanh chóng triển khai pháo 85mm và pháo CX37 ngay sát bờ để khống chế trục đường thủy trên sông Sài Gòn và bắn phá các trận địa hỏa lực của địch ở bờ bên kia sông Đồng Nai, đồng thời sẵn sàng bắn máy bay địch. 

Còn lực lượng pháo 122mm của Trung đoàn 84 sẽ triển khai trên khu vực cánh đồng bên đường lên bến phà Cát Lái, bắn phá căn cứ Cát Lái và khống chế các trận địa pháo của địch. Đồng thời tổ chức lực lượng trinh sát vượt sông bằng xuồng cao su để sang nắm tình hình địch bên kia sông, chuẩn bị cho bộ đội vượt sông.

Sáng 30/4/1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh: Các cánh quân của ta đồng loạt tấn công các mục tiêu cuối cùng của địch ở nội đô thành phố Sài Gòn.

Khi trận địa pháo tầm xa 130mm ngừng bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất thì cuộc vượt sông tấn công bằng sức mạnh của Sư đoàn 325 cũng bắt đầu.

Để thăm dò và phát hiện các hỏa điểm của địch bên kia sông, sư đoàn cho một xe BAP chở một tiểu đội trinh sát vượt sông. Khi chiếc xe này vừa ra tới giữa sông, đã bị các loại hỏa lực của địch ở bên kia sông bắn chặn và bị thủng. 

Một số chiến sĩ ta bị thương. Lập tức, các loại pháo bắn thẳng 85mm, pháo cao xạ hai nòng, pháo 37mm và 12,7mm… của ta đã bố trí sẵn bên bờ liền trút đạn vào các trận địa pháo địch và căn cứ hải quân Cát Lái.

Để ngăn chặn quân ta vượt sông, địch còn cho ba tàu chiến ở Cát Lái ra chặn đường. Lập tức, ba chiếc tàu này bị các loại hỏa lực của ta bắn chìm tại chỗ. 

Với ý đồ đánh thông để mở đường ra biển và cứu đồng bọn đang bị tấn công ở căn cứ hải quân Cát Lái, 6 giờ sáng ngày 30/4/1975, địch đã cho hàng chục tàu chiến chở đầy quân theo hai hướng từ Tân Cảng và sông Đồng Nai mở cuộc phản kích dữ dội vào khu vực bờ nam bến phà Cát Lái. Chúng vừa đi và bắn như vãi đạn vào các khu vực nghi có quân ta đang bố trí bên bờ sông.

Địch không thể ngờ rằng, chúng đang tự chui đầu vào rọ. Quân ta đã bố trí các loại pháo và hỏa lực bắn thẳng đang chờ sẵn, đợi chúng vào thật gần mới đồng loạt khai hỏa. 

Chỉ trong loạt đạn đầu, 5 chiếc tàu của địch đã bị nhấn chìm tại chỗ và nhiều chiếc khác bị trúng đạn. Hàng trăm tên lính đi trên tàu cũng chịu chung số phận xuống thăm “hà bá”. 

Một tàu kéo 3 xà lan chất hàng trăm tấn đạn cũng bị pháo ta bắn nổ tung bốc cháy tạo thành cột lửa, nước cao hàng trăm mét. Bị thiệt hại nặng, số tàu địch còn lại lập tức quay đầu tháo chạy ra sông Lòng Tàu và sông Đồng Nai.

Cùng lúc này, hàng trăm tàu thuyền do nhân dân địa phương cung cấp chở quân của Trung đoàn 101 nhanh chóng vượt sông, đánh chiếm các cụm địch ở ven sông và thọc vào đánh chiếm căn cứ Cát Lái. Trong trận này, ta thu được hàng trăm tàu thuyền cùng rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.

Sau khi đánh chiếm xong căn cứ Cát Lái, Trung đoàn 101 nhanh chóng phát triển vào đánh chiếm quận 9, vượt sông qua bến phà Thủ Thiêm chiếm khu vực quận 4 và Tân Cảng.

Trong lúc này, lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 cũng đã vượt qua cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, rồi theo đường Hồng Thập Tự tiến vào chiếm dinh Độc Lập.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các Việt Nam cộng hòa do tổng thống Dương Văn Minh đứng đầu đã đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

RELATED ARTICLES

Tin mới