Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia nước ngoài đánh giá xả thải Vũng Áng: Rất đáng...

Chuyên gia nước ngoài đánh giá xả thải Vũng Áng: Rất đáng khen!

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc mời các chuyên gia nước ngoài vào cuộc đánh giá độc lập môi trường biển ở Vũng Áng là rất tốt, đáng khen.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bắt đầu từ hôm nay (4/5), những nhà khoa học đến từ các quốc gia Đức, Mỹ, Israel và các nhà khoa học trong nước sẽ vào Hà Tĩnh bắt đầu đánh giá xả thải ở Vũng Áng.

Cụ thể, các nhà khoa học này sẽ kiểm tra, đánh giá độc lập so với kết luận của các cơ quan chức năng Việt Nam đối với các doanh nghiệp có nguồn thải ra môi trường biển ở bốn tỉnh có cá chết hàng loạt, trong đó tập trung vào việc xả thải của khu kinh tế Vũng Áng.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã đánh giá cao việc mời các nhà khoa học nước ngoài cùng vào cuộc.

Theo GS Ưu, cùng với các nhà khoa học của Việt Nam thì việc mời các nhà khoa học nước ngoài này sẽ giúp cho chúng ta có những đánh giá, phân tích khách quan, cụ thể hơn về chất lượng môi trường, nước biển tại các tỉnh miền Trung.

Đặc biệt, tập trung vào kiểm tra, đánh giá việc xả thải của khu kinh tế Vũng Áng sẽ giúp có những thông tin rõ ràng hơn xem đây có phải là nguyên nhân chính hay là do nguyên nhân nào khác gây ra hiện tượng trên.

“Ở đây, việc các cơ quan chức năng của chúng ta mời các chuyên gia nước ngoài vào hợp tác trong việc nghiên cứu, tìm nguyên nhân như thế tôi cho là tốt, đáng khen.

Nhưng cũng cần chờ để xem họ làm như thế nào và đưa ra những thông tin, kết luận cụ thể như thế nào thì lúc đó chúng ta mới có thể có đánh giá, nhận định chính xác”, GS Ưu nói.

Cũng theo GS Ưu, vì thời gian xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển 4 tỉnh miền Trung đến nay đã gần 1 tháng và nước biển ở đây không phải cố định, những nguồn gây ra có thể đã bị hòa tan nên việc phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân từ nước biển cũng không dễ dàng.

Trong khi đó, việc phân tích các chất độc trước đây còn lưu lại ở các trầm tích đáy hay trong các loài tôm, cá, ngao, hến chết… không phải phòng thí nghiệm nào của Việt Nam cũng có thể phân tích hết được.

Do đó, để có thể có những kết quả chính xác cần phải tìm lại các báo cáo về đánh giá tác động môi trường ở khu vực này để xác định xem nguyên nhân nào có thể gây ra hiện tượng này.

Trong trường hợp, nếu chưa có các báo cáo này cùng với hệ thống quan trắc thì cần phải sớm xây dựng lại cụ thể, chính xác, khoa học, khách quan.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển Thuỷ sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam cũng nhận xét, việc mời các chuyên gia nước ngoài vào cuộc là tốt và cho thấy sự vào cuộc mạnh hơn của các cơ quan chức năng.

Ông Cương cũng nhìn nhận, phải chờ xem các nhà khoa học nước ngoài này làm việc như thế nào và kết quả họ đưa ra thì mới có thể có đánh giá cụ thể được.

Về quan điểm cá nhân, ông cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt như vậy phải do một dòng ô nhiễm rất nặng hoặc một chất kịch độc chảy và lan ra dưới đáy biển.

Theo đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương có kết luận chính xác về hiện tượng cá chết tại một số tỉnh miền Trung; truy tìm thủ phạm gây ra vụ việc trên, xử phạt nghiêm minh, công khai.

Đồng thời, ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong thời gian tới và lấy đó là bài học để rút kinh nghiệm lâu dài.

Thường xuyên lấy mẫu kiểm tra để sớm đưa ra những khuyến cáo về vùng nhiễm độc, khi nào có thể tiếp tục thả nuôi và ra khơi khai thác cũng như cho phép sử dụng sản phẩm thủy sản tại các địa phương này.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại của nông dân, ngư dân để có chính sách kịp thời hỗ trợ giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng phục hồi sản xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới