Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVán cờ mới của Putin

Ván cờ mới của Putin

Thay đổi nhân sự của Tổng thống Putin lần này, đặc biệt là bổ nhiệm trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin là một ván cờ hay, dù có phần mạo hiểm.

Reuters ngày 30/4 đưa tin, Tổng thống Nga Putin có một cuộc thay đổi nhân sự lớn nhất từ trước đến nay ở bộ phận thực thi pháp luật của nước Nga, qua đó có thể cấu trúc quyền lực của nước Nga cũng sẽ thay đổi.

Từ khi ngồi lại chiếc ghế Tổng thống Nga lần thứ ba, ông Putin đã có nhiều ván cờ nhưng có thể thấy đây là ván cờ quan trọng có thể ảnh hưởng tới quyền lực của ông.

“Theo một quyết định được thông báo chính thức trên cổng thông tin pháp lý của Tổng thống, ông Putin đã sa thải hàng loạt quan chức như ông Seregei Dmitriev – công tố viên về vận tải miền nam Nga, ông Igor Klimenov – người đứng đầu cơ quan cải tạo liên bang Nga tại Moscow và ông Dmitry Neklyudov – Thứ trưởng Bộ Nội vụ khu vực Crimea.

Trong số những người bị sa thải khác, còn có 2 quan chức của Ủy ban điều tra Liên bang Nga là Yuri Nyrkov và Vasily Piskarev. Trong khi đó, ông Putin cũng tăng cấp bậc cho một số quan chức khác như ông Lev Gura, điều tra viên phụ trách các tác vụ đặc biệt tại Ủy ban điều tra Liên bang Nga”, theo Reuters.

Đặc biệt đáng chú ý là trong một nghị định riêng, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Nga. Đây là nhân vật mà nhiều người mong đợi sẽ giúp cho Tổng thống Putin điều khiển con tàu Nga đi đúng hướng và thoát khỏi bão tố hiện thời.

Dù không có lý do nào được đưa ra trong Nghị định của Tổng thống về việc thay đổi nhân sự quan trọng này, nhưng theo người viết thì tình hình khó khăn hiện tại của nước Nga, nhất là khi Obama ném cho Putin những điều kiện để thoát cấm vận và những thất bại của những ván cờ gần đây cho thấy những người hiện nay cùng chéo lái con thuyền Nga với Tổng thống Putin là không đủ tầm.

Tuy nhiên, nếu việc thay đổi nhân sự quan trọng này xuất phát từ cái tâm của ông Putin muốn nước Nga tốt hơn, mạnh hơn thì đây là một ván cờ hay, thậm chí rất hay và thành công có thể nhìn thấy được.

Song nếu việc này chỉ là “vạn bất đắc dĩ” nhằm giúp ông Putin nhẹ gánh vì cái thế hiện nay của ông đang chao đảo thì đây là một ván cờ nguy hiểm và có thể khiến ông Putin phải ôm hận. Tại sao vậy?

Ván cờ hay tháo gỡ nút thắt cho nước Nga

Như người viết đã từng phân tích về thành bại của Tổng thống Nga Putin trong bài “Công thành thân thoái thì hơn”, ông có hai sai lầm khiến cho nước Nga và bản thân ông lâm vào bế tắc như hiện nay, đó là nhân sự và thể chế.

Về nhân sự thì Putin đã khiến cho một số cộng sự tài năng mất niềm tin và rời bỏ ông. Về thể chế cho nước Nga thì ông vẫn chưa hoàn thiện dù đã trải qua 3 nhiệm kỳ Tổng thống. Ví dụ điển hình thể hiện ra là nhánh hành pháp lấn át nhánh lập pháp và tư pháp.

Vì vậy để tháo gỡ nút thắt khiến cho nước Nga rơi vào tình trạng ngột nhạt như hiện nay, khiến cho Tổng thống Putin mệt mỏi như hiện nay thì phải có ván cờ với những quân cờ có thể phá vỡ vòng vây, tháo gỡ nút thắt để Nga lại có thể tung hoành như thời oanh liệt.

Hàng loạt những tham mưu gần đây của Chính phủ Nga cho Tổng thống Putin là những sai lầm không dễ sửa chữa, trong đó theo người viết về mặt kinh tế thì có 3 sai lầm mang tính chiến lược.

Thứ nhất là việc cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ sau “sự kiện 17 giây”. Đây là một việc làm hết sức tai hại, nó được đưa ra dựa trên cảm xúc chứ không phải dựa vào thế và lực của Nga thời bị cấm vận.

Và đến nay ai cũng nhận ra nước cờ này sai khiến cho Nga đang phải hứng chịu “cấm vận kép”. Đó chính là cấm vận của Mỹ và phương Tây sau sự kiện Crimea và tự cấm vận sau sự kiện 17 giây.

Tác dụng ngược kiểu “gậy ông đập lưng ông” trong việc cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho Nga “phóng lao phải theo lao” trong thế “có nhiều thứ để mất”.

Thứ hai là việc bắt tay với đối thủ để hy vọng nâng giá dầu. Đây là sai lầm từ trong suy nghĩ đến thiếu sót và sai lầm trong hành động.

Phải thấy rằng khi Iran được tháo vòng kim cô cấm vận thì việc xuất khẩu dầu của họ là không thể dừng lại. Điều đó khiến cho đối thủ của họ trong OPEC cũng không thể giảm sản lượng vì sẽ thiệt thòi trong thời buổi khó khăn.

Vậy nhưng bộ phận tham mưu của Tổng thống Putin vẫn chuẩn bị và tạo điều kiện cho ông bắt tay đối thủ của Iran và cũng chính là đối thủ của Nga – Saudi Arabia.

Trong khi đó họ không xây dựng được cơ chế tác động mang lại lợi ích ngoài dầu thô cho Saudi Arabia để “Vương quốc dầu mỏ” này có thể nhận thấy nếu thiệt về xuất khẩu dầu thì được bù bằng lợi ích khác. Vì vậy thoả thuận Nga – Saudi Arabia đã bị Obama vô hiệu hoá rất nhẹ nhàng.

Thứ ba là việc cắt giảm chế độ phúc lợi cho người khuyết tật tại Nga. Tham mưu này gây ra “đa tác hại” cho ông Putin và chính quyền của ông.

Những cắt giảm phúc lợi của “những người mang nỗi đau đồng loại” này không làm giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách được bao nhiêu, nhưng nó có thể khiến cho ngân sách nước Nga nặng thêm vì phải chi cho những khoản khác để che giấu thực trạng đáng báo động.

Bởi lẽ chỉ cần cắt giảm phúc lợi cho người khuyết tật thì nghĩa là nước Nga đã tự “vạch áo cho người xem lưng”, đối thủ biết quá rõ nội tình của Nga. Và để chứng minh ngược lại thì Nga phải ngậm đắng nuốt cay chi những khoản “hào phóng” để chứng tỏ sức mạnh Nga và không mất thế trước các đối thủ đang bủa vây, trước các đối tác đang chèn ép.

Chỉ cần 3 việc đó cho thấy đội ngũ quan chức tham mưu không đủ tầm để phục vụ những chính sách của Tổng thống Putin. Nước Nga sa lầy trong cấm vận của Mỹ và phương Tây là do khoảng trống về thể chế.

Do vậy, để thoát cấm vận thì phải đột phá vào việc hoàn thiện thể chế cho nước Nga và những chính sách có thể tác động hữu hiệu làm suy yếu mắt xích nào đó của liên minh cấm vận.

Cho đến giờ này, bộ phận tham mưu của Putin chưa hề giúp ông hoàn thiện thể chế mà ông cần dùng làm công cụ – đó là cơ chế thực thi pháp luật. Chính phủ Nga đang quản lý đất nước bằng công cụ hành chính nhiều hơn là công cụ pháp luật ổn định.

Cứ mỗi sự kiện xảy ra là kèm theo những biện pháp được công bố theo cảm tính, chứ không có luật cơ sở, bộ luật cơ bản để vận dụng, áp dụng.  

“Nga đang chuẩn bị hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có việc chấm dứt các dự án hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hy vọng sẽ có dự thảo các biện pháp trừng phạt trong 2 ngày tới.

Cùng ngày, Nga tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát nhập khẩu thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ”, theo BBC ngày 26/11/2015 tường thuật về việc Nga trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau “sự kiện 17 giây”.

Cả đối thủ và đối tác đều được lợi từ khoảng trống cơ chế thực thi pháp luật này của Nga. Nhưng nguy hại nhất là giới đầu tư không có niềm tin vào tính ổn định trong chính sách của nhà nước Nga, từ đó khiến cho nước Nga không phải là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư.

Các định chế tài chính cũng e dè vì cơ chế “văn bản hành chính đè văn bản luật” tại Nga.

Vì vậy, quyết định cải tổ nhân sự lần này của Tổng thống Putin không chỉ là chuyện sa thải những người làm việc kém hiệu quả, mà việc này có ý nghĩa như một cuộc cải cách chính trị tại Nga.

Ông Putin đã đúng khi không có những thay đổi nhân sự ở những vị trí cao nhất, những vị trí đứng đầu các bộ ngành trong chính phủ Nga hiện thời, cho dù có rất nhiều vị trí có thể phải thay đổi ngay lập tức. 

Tổng thống Putin quyết định thay đổi nhân sự ở tầm có thể giúp ông có những kết quả thực chất trên cả phương diện nghiên cứu, hoạch định chính sách lẫn giám sát hay trực tiếp thực thi chính sách.

Đây là những dữ liệu quan trong nhất cho việc hoàn thiện cơ thực thi pháp luật, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật – cũng là hoàn thiện thể chế chính trị cho nhà nước Liên bang Nga. Ông Putin đã tìm đúng nút thắt của vấn đề và có cách tháo gỡ phù hợp.

Ván cờ mạo hiểm cho sự nghiệp của ông Putin

Phài thấy rằng, khi ông Alexei Kudrin rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Tài chính Nga vào năm 2011 khiến cho rất nhiều người nuối tiếc, bởi những thành quả lớn lao mà ông đã làm được.

Dưới thời Alexei Kudrin, nền tài chính Nga vận hành lành mạnh, người dân Nga có cuộc sống dễ thở hơn. Khi ông Kudrin rời chính phủ nghĩa là nước Nga mất đi một người tài năng giúp nước.

“Khi Kudrin làm Bộ trưởng Tải chính, chính phủ Nga đã trả hết các khoản nợ nước ngoài đáng kể từ những năm 1990, đưa kinh tế Nga lên vị thế một nền kinh tế có nợ nước ngoài thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Mặt khác, nhiều doanh thu từ xuất khẩu đã được tích lũy tạo nên quỹ bình ổn giúp Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 trong tình trạng tốt hơn nhiều so với nhiều chuyên gia mong đợi.

Các Quỹ bình ổn của Liên bang Nga được coi là sản phẩm ý tưởng của Kudrin. Và theo Alexander Osin, kinh tế trưởng Quản lý Finam thì quỹ bình ổn là một trong những thành tựu chính của Kudrin ”, theo RIA Novosti ngày 27/12/2007.

Nhiều người cho rằng, việc ông Kudrin rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Tài chính Nga là do mâu thuẫn với Tổng thống Medvedev lúc đó, nhưng thực ra đó là thể hiện sự thất vọng với Thủ tướng Putin lúc bấy giờ.

Ông Kudrin rời nhiệm sở sau khi biết ông Putin sẽ tranh cử Tổng thống lần ba và hứa hẹn sẽ trao chức vị Thủ tướng lại cho Medvedev. 

Việc hoán đổi vị trị giữa bộ đôi quyền lực trên chính trường Nga, Putin – Medvedev, khiến cho tham vọng của ông Kudrin gần như không còn cơ hội.

Với những gì đã thể hiện qua tầm nhìn, qua quản lý và thực thi chính sách, ông Kudrin và cố Phó Thủ tướng Boris Nemxov là hai nhân vật có thể xứng tầm thay thế cho ông Putin tiếp quản chiếc ghế quyền lực của nước Nga.

Khi “luật bất thành văn” giữa Putin và Medvedev được thống nhất thì bộ đôi Kudrin – Nemxov cũng hết cơ hội thể hiện mình.

Tài năng và kinh nghiệm của Alexei Kudrin trở thành quân cờ mạo hiểm trong ván cờ cuộc đời của Tổng thống Putin. Ảnh: RIA Novosti.

Nay thì nước Nga đang đối mặt với những thách thức sống còn, khả năng có hạn của Medvedev có thể khiến “luật bất thành văn” giữa bộ đôi Putin – Medvedev nay có thể phải soạn lại, để làm xuất hiện người tài năng giúp cho con tàu Nga không bị lao xuống dốc.

Nemxov thì đã ngã xuống bởi những viên đạn từ họng súng vô hình và giờ chỉ còn lại Kudrin. Không quá lời khi nói rằng, hiện nay trên chính trường Nga chỉ có Kudrin mới đủ tầm đe doạ chiếc ghế quyền lực của Putin.

“Kudrin được xem là trí thức hàng đầu trong việc tạo ra các chính sách kinh tế cho cả hai Tổng thống Putin và Medvedev… Ngày 18/6/2015 Kudrin đề xuất tổ chức bầu cử Tổng thống sớm.

Cho dù Alexei Kudrin nói rằng ông sẽ không chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng Kudrin muốn quay trở lại Chính phủ Liên bang, và thậm chí hướng tới chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ” theo kommersant.ru.

Việc ông Putin lần lữa không sử dụng tài năng của Kudrin cũng một phần e dè ảnh hưởng của người cũ tài năng này, dù nước Nga đang khát và rất cần Kudrin. Tuy nhiên, Putin đã nhìn thấy hậu quả tai hại mà Obama mang đến cho nước Nga qua việc “kinh lý” đến các đối tác và đồng minh chiến lược của Mỹ ở bờ bên này Đại Tây Dương và tại Trung Đông khói lửa.

Putin đã nhận thấy mình chậm chân vì bộ phận tham mưu kém tài.

Để tháo gỡ khó khăn cho nước Nga và giảm nhẹ tác hại bởi những cú ra đòn của Obama, Tổng thống Putin đã cần tới người cộng sự tài năng nhưng cũng là đối thủ tiềm năng của mình – Alexei Kudrin.

Theo cá nhân người viết, nếu theo gương người tiền nhiệm trong việc tìm kiếm nhân sự để gửi gắm niềm tin và trao lại quyền lực thì ông Putin đã tìm thấy, mà thật ra là đã nhận thấy – đó là Alexei Kudrin.

“Kudrin là tác giả của hơn 15 công trình khoa học trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính, bao gồm các chủ đề như cạnh tranh và chính sách chống độc quyền trong nền kinh tế của Liên Xô trong thời kỳ quá độ.

Năm 2006 Kudrin nhận được giải thưởng “Bộ trưởng Tài chính tốt nhất của một quốc gia đang phát triển tại Châu Âu” do IMF và WB công bố. Ông Kudrin nhận gải thưởng “Bộ trưởng Tài chính của năm 2010” do tạp chí Euromoney bầu chọn”, theo The Guardian ngày 26/9/2011.

Và dường như nghị định bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Nga cho thấy ông Putin đã bắt đầu thực hiện việc ấy.

Chỉ có điều, đây là một ván cờ mạo hiểm, một canh bạc mạo hiểm đối với sự nghiệp của ông Putin. Bởi lẽ ông Kudrin sẽ không xử sự với ông Putin như ông Putin xử sự với ông Elsin trong những sai lầm của mình khi nắm quyền, nếu mắc phải.

Ông Kudrin ủng hộ thị trường tự do và đi kèm là hệ thống luật pháp công bằng giữa các chủ thể, các cá nhân trong xã hội. “Theo Bộ trưởng Tài chính Kudrin thì quản lý tài chính phải thận trọng, ông cam kết cải cách thuế và ngân sách. Ông Kudrin luôn đấu tranh cho thị trường tự do”, theo theo The New York Times ngày 26/9/2011.

Sự bình đẳng về luật pháp sẽ giúp cho nước Nga vững mạnh sẽ là một trong những nền tảng quan trọng giúp Nga sẽ thật sự trở thành cường quốc, hoàn thành ý nguyện của ông Putin, song ông Putin cũng có thể bị xem xét bởi chính cái hệ thống pháp luật bình đẳng ấy. 

Người viết cho rằng ông Putin đã quyết định bổ nhiệm Kudrin cùng lúc thay đổi những nhận sự ở bộ phận thực thi pháp luật là nhằm giảm bớt công lực của Kudrin.

Mặt khác, những sai lầm của ông Putin có nguyên nhân là khoảng trống thể chế của nhà nước Nga nên cá nhân Tổng thống Putin cũng chỉ là nạn nhân của cái thể chế chưa hoàn thiện ấy.

Tóm lại, việc thay đổi nhân sự của Tổng thống Putin lần này, đặc biệt là bổ nhiệm trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin là một ván cờ hay, dù có phần mạo hiểm cho sự nghiệp của ông.

Tuy nhiên, dù hay hoặc mạo hiểm thì quan trọng nhất vẫn là người dân Nga, nước Nga, Tổ quốc Nga của ông Putin sẽ có những đổi thay tích cực từ ván cờ ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới