Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngCam Ranh – có vai trò gì ở Biển Đông?

Cam Ranh – có vai trò gì ở Biển Đông?

Thời gian qua, các chiến hạm nước ngoài đã liên tiếp đến Cam Ranh, điều này có vai trò thế nào đối với  hòa bình và ổn định trên Biển Đông?

Chiến hạm thế giới liên tiếp đến Cam Ranh

Sáng ngày 2/5, tàu chỉ huy và đổ bộ tấn công máy bay trực thăng BPC Tonnerre (L9014), thuộc lớp Mistral của Hải quân Pháp đã cập Cảng Quốc tế Cam Ranh – Khánh Hòa, thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần thứ 2, từ ngày 2/5 đến ngày 6/5.

Chuyến thăm trước đó của chiến hạm này diễn ra từ 18 đến 21/6/2013, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Khi đó, tàu Tonnerre cùng tàu hộ tống George Leygues đã thực hiện chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến thăm Việt Nam của chiến hạm này diễn ra trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vào tháng 6 và của Tổng thống Francis Hollande vào mùa thu năm nay, là biểu hiện mạnh mẽ cho thiện chí hợp tác ngày càng phát triển giữa hai quân đội và hai chính phủ.

Trong thời gian thực hiện chuyến thăm, chỉ huy tàu sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Học viện Hải quân. Phía Pháp mời đại diện của Việt Nam lên thăm tàu và phối hợp cùng Vùng 4 Hải quân tổ chức giao lưu thể thao giữa sĩ quan, thủy thủ hai nước.

Dự kiến, sau khi rời Cảng Quốc tế Cam Ranh, hai bên sẽ phối hợp tiến hành luyện tập chung trên biển với các khoa mục tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp gỡ bất ngờ trên biển (CUES).

Trước chuyến thăm của chiến hạm hàng đầu Pháp khoảng 3 tuần, 2 tàu khu trục của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản là chiếc JS Ariake (DD-109) và JS Setogiri (DD-156), cũng đã sang thăm hữu nghị Việt Nam và cập Cảng Quốc tế Cam Ranh.

Chỉ trong vòng gần 2 tháng, đã liên tiếp có 3 chuyến thăm viếng của hải quân nước ngoài đến Cam Ranh. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã có quyết định sáng suốt khi xây dựng và đưa cảng dịch vụ quốc tế tại Vịnh Cam Ranh đi vào hoạt động.

Cảng quốc tế Cam Ranh đi vào sử dụng trong tình hình nóng

Cam Ranh vừa có địa thế tự nhiên rất có lợi cho hoạt động quân sự, lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh này luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng.

Cam Ranh rất rộng lớn, có nhiều tiềm năng khai thác khác nên Việt Nam đã đầu tư xây dựng Cảng dịch vụ hậu cần kỹ thuật để có thể đón tiếp các loại tàu nước ngoài, trong đó có cả tàu quân sự, tàu dân sự, hay thậm chí là các loại có lượng giãn nước khổng lồ như tàu sân bay của Mỹ.

Giai đoạn mới trong xúc tiến hợp tác quân sự giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đã được mở ra, trong bối cảnh tình hình căng thẳng liên tiếp gia tăng trên Biển Đông, với những hành động ngày càng ngang ngược và ngạo mạn của giới chức lãnh đạo Trung Quốc.

Mới đây, Bắc Kinh đã liên tiếp điều 2 giàn khoan “Hải Dương 943” và “Hải Dương 981”, ngang ngược cắm 2 giàn khoan này tác nghiệp trong khu vực chồng lấn mà Việt Nam và Trung Quốc cần phải giữ nguyên hiện trạng để đàm phán xác định chủ quyền.

Trước đó, vào tháng 5-2014, Trung Quốc đã từng đưa giàn khoan “Hải Dương 981” ra tác nghiệp ở khu vực đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động của tàu chấp pháp biển nhằm tranh đoạt chủ quyền phi pháp.

Trước đó, chuyến thăm đầu tiên của tàu hải quân nước ngoài là của tàu RSS Endurance, mang số hiệu 207 của Hải quân Singapore, tới cảng quốc tế Cam Ranh ngày 17-3, sau khi cảng này được khánh thành được hơn 1 tuần (chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 8-3-2016).

Ngang ngược hơn nữa là việc Bắc Kinh đã đào hút cát, bồi đắp xây các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên 7 đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm biến chúng thành các đảo có người ở, âm mưu hợp pháp hóa chủ quyền phi pháp.

Hành động thay đổi hiện trạng Biển Đông của Trung Quốc là sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam, ngang nhiên chà đạp lên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thể hiện dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Bình luận về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, truyền thông nước ngoài cho rằng, việc Bắc Kinh nêu yêu sách chủ quyền phi lý tới 90% diện tích Biển Đông đã bị hàng loạt nước ASEAN phản đối, thậm chí Philippines đã kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.

Quốc tế bình luận về vai trò của Cam Ranh

Nhận thức được Cam Ranh là cảng thiên nhiên tốt nhất trong khu vực, có vị trí chiến lược quan trọng và thuận lợi cho các hoạt động tiếp tế hàng hải nên Việt Nam đã có chiến lược phát triển dài hạn và nhất quán để khai thác thế mạnh của cảng này.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, tàu chiến của tất cả các nước như Nga, Mỹ, kể cả Trung Quốc đều có thể vào Cam Ranh để sửa chữa và tiếp nhiên liệu. Chúng ta chỉ cho tàu nước ngoài thuê dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại cảng Cam Ranh và thu phí dịch vụ.

Các học giả nhận định rằng, bảo vệ chủ quyền chủ yếu dựa vào nội lực của chính mình, nhưng thực lực của các quốc gia ASEAN không thể đối chọi với hải quân Trung Quốc, do đó, các nước này đang tìm kiếm thêm sức mạnh quốc tế, để ngăn chặn âm mưu nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc.

 

Đại diện Vùng 4 Hải quân, Cảng Quốc tế Cam Ranh và nhóm chỉ huy tàu Tonnerre chụp ảnh lưu niệm

Việc sử dụng các cơ sở dịch vụ hậu cần-kỹ thuật ở cảng Cam Ranh nói riêng và đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Việt Nam nói chung sẽ rất có lợi cho việc giám sát các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chiến hạm các nước sử dụng dịch vụ ở Cam Ranh có thể bảo đảm được hoạt động quân sự của mình ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tăng cường khả năng tuần tra, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải trên biển, đồng thời mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trên biển.

Một số chuyên gia quốc tế nhận định rằng, Việt Nam có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên vùng biển châu Á-Thái Bình Dương bằng cách cho phép hải quân Mỹ, Nga, Nhật Bản… có mặt tại vùng vịnh này.

Sự hiện diện của các cường quốc hải quân trên thế giới trên Biển Đông sẽ giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á chặn đứng “đường lưỡi bò tham lam” của Trung Quốc trên vùng biển này.

Các chuyên gia quân sự, học giả quốc tế thống nhất nhận định rằng, sự ra đời của cảng quốc tế Cam Ranh sẽ có những đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông nói riêng cũng như trong khu vực và thế giới nói chung trong tương lai.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam trong hàng thập kỷ qua là không liên minh, liên kết quân sự, không cho thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự và không để nước ngoài sử dụng Cam Ranh để chống lại các nước khác hay phá hoại hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Chúng ta cũng không nghĩ rằng, Cam Ranh là cảng quân sự “độc” nhất Đông Nam Á, có vai trò quan trong trong tác chiến biển. Đây là quan điểm quá duy ý chí, bởi ý nghĩa chiến lược của Cam Ranh không nằm ở điểm nó là nơi xuất phát tấn công của máy bay, tàu ngầm.

Một quân cảng dù kín đáo, dù “đắc địa” đến đâu cũng chỉ là một địa điểm tĩnh mà tọa độ của nó ngay cả trong thời bình cũng là đích ngắm sẵn của đủ loại vũ khí khác nhau. Do đó, chúng ta nên nhìn Cam Ranh dưới góc độ địa-chính trị chứ không phải là địa-quân sự.

Ngoài mục đích quân sự và kinh tế, Cảng dịch vụ quốc tế Cam Ranh còn có vai trò khác. Sự ra đời của cảng dịch vụ này sẽ làm tăng tình hữu nghị giữa Hải quân Việt Nam và hải quân các nước trên thế giới, cũng như góp phần làm giảm căng thẳng tiềm tàng trong khu vực.

2 chiến hạm Nhật JS Ariake (DD-109) và JS Setogiri (DD-156) cập cảng Cam Ranh

Trong trường hợp đón tiếp các tàu của hải quân Trung Quốc, Việt Nam sẽ thể hiện được tinh thần yêu hòa bình, mong muốn duy trì ổn định trong khu vực, vạch trần luận điệu “Việt Nam lôi kéo các nước vào Cam Ranh để đối phó với Trung Quốc”, mà truyền thông Bắc Kinh từng rêu rao.

Các hoạt động giao lưu, thăm viếng lẫn nhau cũng có thể làm làm thay đổi nhận thức của binh sĩ hay người dân Trung Quốc về đất nước và con người Việt Nam, góp phần giúp họ hiểu đúng về những hành động phi nghĩa của Bắc Kinh, trong những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông.

Việc Việt Nam xây dựng Cảng quốc tế Cam Ranh để phục vụ hoạt động chung của cộng đồng quốc tế là sự hợp tác đúng với bản chất của nó là bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, mà hoạt động này thì không phân biệt thể chế chính trị và ý thức hệ.

Việc tàu quân sự các nước cập cảng Cam Ranh để hỗ trợ hậu cần cũng đưa Biển Đông trở về đúng với vai trò một tuyến hàng hải quốc tế, nơi mọi quốc gia đều có thể sử dụng vì mục đích hòa bình, giúp ngăn chặn những âm mưu sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền phi pháp trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới