Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có những trả lời về siêu dự án thủy lộ trên sông Hồng.
Mới chỉ ở bước sơ khai
Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất làm nhiều phần trong đó sẽ làm 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng…
Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho hay, đề xuất của Xuân Thiện mới là bước rất sơ khai, ý tưởng đề xuất ban đầu.
Tuy nhiên, nhận thức được dự án này có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề khác nên Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành địa phương có liên quan.
“Và chúng tôi đã nhận được ý kiến có sự đồng thuận khá cao của Bộ, ngành, địa phương. Nhưng sự đồng thuận ở đây mới là bước báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục chủ đầu tư nghiên cứu tiếp dự án”, ông Tự nói.
Theo ông Tự, nếu muốn đầu tư tiếp dự án phải qua 2 bước nữa là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án và sau đó thì sẽ tổ chức báo cáo khả thi, đồng thời, cơ quan Nhà nước phê duyệt báo cáo khả thi đó.
“Khi đó, chủ đầu tư mới được tiếp tục đầu tư và việc đầu tư này thì chúng ta rất ủng hộ các đề xuất những sáng kiến nhưng không có nghĩa là được lựa chọn đầu tư.
Quá trình lựa chọn đầu tư phải theo quy định luật đấu thầu, quy định của Nghị định 15. Chúng tôi nghĩ rằng, dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Nhưng nó ảnh hưởng như thế nào trong quá trình họ dự kiến nạo vét dòng sông, xây dựng các đập thủy điện, âu tầu… thì phải có đánh giá tác động môi trường”, ông Tự nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tự, trong bước báo cáo khả thi thì chủ đầu tư sẽ phải báo cáo rõ về tác động môi trường và khi đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan, ban ngành khác có liên quan sẽ thẩm định.
“Bước đầu chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ là dự án này kéo dài từ Lào Cai đến suốt dọc dòng sông như vậy sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến đồng bằng châu thổ sông Hồng và đặc biệt đến vấn đề thủy văn, thủy lợi, lấy nước, xói lở bờ sông… thì dự án mới chỉ ở bước đề xuất ý tưởng ban đầu.
Ngoài ra còn việc xây dựng các đập dâng nước như vậy sẽ xây dựng ở vị trí nào, mua bán điện như thế nào sẽ đều phải có báo cáo chi tiết”, ông Tự nói thêm.
“Rất cần thiết” !?
Theo báo cáo chi tiết dự án, Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) dự tính làm siêu công trình trị thủy kết hợp thủy điện, thủy lợi trong thời gian khá nhanh, chỉ sáu năm.
Chủ đầu tư cũng công bố sẽ miễn toàn bộ phí cho các phương tiện vận tải trong ba năm đầu.
Theo văn bản số 071/CV-XT gửi đi ngày 7-1-2016 của Công ty Xuân Thiện được Bộ Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) tiếp nhận, siêu dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện được khẳng định “rất cần thiết” để đầu tư.
Bởi theo Công ty Xuân Thiện, sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua nhiều tỉnh thành từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội… ra đến cửa Ba Lạt (Nam Định).
Con sông có tổng chiều dài 556km, là tuyến sông lớn duy nhất của miền Bắc có thể tổ chức liên vận hàng hóa.
Chủ đầu tư cũng không giấu tham vọng sẽ kết nối thẳng thủy lộ với Trung Quốc để từ đây có thể tổ chức vận tải hàng hóa từ Trung Quốc ra các cảng biển VN cũng như từ các cảng biển VN tới Trung Quốc qua đường thủy.
Cho rằng khu vực trung du miền núi phía Bắc có nhiều mỏ khoáng sản, nhu cầu vận chuyển quặng, hàng hóa giao thương trong khu vực, hàng hóa quá cảnh từ Trung Quốc là rất lớn, báo cáo của Công ty Xuân Thiện nêu:
Do sông Hồng chưa được cải tạo nên hàng hóa hiện nay phải vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt.
Với đề xuất làm sáu đập và âu tàu để nâng mực nước, chủ đầu tư cũng cho thấy mong muốn đường vận tải này sẽ cho phép những con tàu trọng tải lớn có thể đi qua khi đưa ra viễn cảnh:
Việc đầu tư nâng cấp tuyến sông Hồng sẽ tận dụng được tiềm năng sông ngòi sẵn có, tận dụng được ưu thế vận tải thủy để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng với cước phí thấp, ít gây ô nhiễm…