Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiGần 100 tấn cá chết ở biển miền Trung: Sự cố nghiêm...

Gần 100 tấn cá chết ở biển miền Trung: Sự cố nghiêm trọng chưa từng có!

Báo cáo của 4 tỉnh miền Trung bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vừa qua có khoảng 100 tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Đây là sự cố nghiêm trọng chưa từng có.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết thông tin này tại sự kiện về nông sản an toàn, nông sản sạch do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 5/5.

Gần 100 tấn cá chết

Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, vừa qua một số phương tiện thông tin đại chúng nói lượng cá chết rất nhiều đã gây tâm lý hoang mang trong dư luận.

“Nếu nói cá chết nhiều thì rất vô cùng. Thực tế số cá chết chỉ dưới 100 tấn. Số cá chết chìm dưới đáy thì không thống kê được”, Thứ trưởng cho hay.

Theo Thứ trưởng thiệt hại đến nay chưa thể tính toán một cách đầy đủ những là sự cố nghiêm trọng chưa từng có.

Về việc xử lý hải sản chết, Thứ trưởng Tám cho biết, các địa phương tổ chức thực hiện khá tốt, mặc dù trước đó có thể còn nhiều lúng túng.

Gần đây nhất là ngày 2/5, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn 3441/BNN-TCTS về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND  các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó như:

Thu gom và xử lý hải sản chết bất thường và không đảm bảo an toàn thực phẩm, đó là hải sản chết bất thường dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ; Hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Xử lý bằng cách chôn lấp theo nguyên tắc sau: Nơi chôn lấp hải sản phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch…; bảo đảm phù hợp với khối lượng hải sản phải tiêu hủy.

Khi chôn lấp phải xử lý bằng cách bổ sung hóa chất (như vôi bột, các loại hóa chất chuyên dụng, được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản).

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau khi kết thúc việc chôn hủy nhằm bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường. Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm, buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số độc giả ở Thừa Thiên Huế đến báo điện tử Infonet, cá nuôi ở Huế tiếp tục chết với số lượng lớn. Khi các tổ chức phi chính phủ điều phối các nhóm tình nguyện vào cuộc xử lý môi trường gặp những khó khăn như địa phương chưa chấp nhận áp dụng quy trình xử lý cá của chuyên gia, với lý do chờ hướng dẫn ở bên trên. Bên cạnh đó, với số lượng cá chết lên đến hàng tấn không thể tổ chức được phương tiên chuyên chở cá và không có nơi chôn với số lượng lớn như thế.

Nếu có nhóm tình nguyện muốn tham gia vào công tác thu gom và xử lý cá chết thì họ phải làm thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, hiện tượng cá chết hiện nay chỉ rải rác, số đã chết thời gian qua các địa phương đã xử lý cơ bản.

Bộ Nông nghiệp hoan nghênh các tình nguyện viên, các tổ chức cùng tham gia vào việc xử lý môi trường.

“Đây là hoạt động xã hội rất tốt. Chúng tôi đề nghị các tổ chức, tình nguyện làm việc gặp chính quyền địa phương để cùng nhau phối hợp thực hiện”. Thứ trưởng Tám nói.

Vì sao cá an toàn ở ranh giới 20 hải lý?

Trong công văn về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ, Bộ NN&PTNTcó nói, xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám

Vậy căn cứ nào để bộ đưa ra ranh giới vùng biển an toàn từ 20 hải lý? Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ NN&PTNT dựa vào sự tham mưu của các cơ quan khoa học trên sự phân tích mẫu, quan sát vệ tinh dòng chảy hải lưu, quan sát thực địa để đưa ra ranh giới đó.

Nói như thế không có nghĩa là vùng biển 20 hải lý trở vào là không an toàn mà vùng này cần tăng cường kiểm soát, tiếp tục lấy mẫu và dự báo hàng ngày. Bộ đã giao Viện hải sản và các cơ quan Tổng cục hải sản nằm tại các tỉnh để cùng các tỉnh giám sát và cảnh báo, hướng dẫn ngư dân khai thác, sản xuất an toàn.

Đồng thời, theo Thứ trưởng thì hiện nay sản xuất muối ở 4 tỉnh miền Trung chưa vào vụ nên có thể hoàn toàn yên tâm về số muối trên thị trường.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đã có kết quả kiểm nghiệm và gửi cho các cơ quan theo quy định. Bộ NN&PTNT không thể công bố nguyên nhân dẫn đến cá chết, mà có trách nhiệm khắc phục hậu quả, sản xuất, tham gia vào việc tìm nguyên nhân và cung cấp thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cũng cho hay, khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường , Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo nhanh chóng, có đoàn công tác đến lấy mẫu ở Hà Tĩnh và các khu vực khác.

Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I lẫy mẫu phân tích về các vấn đề liên quan đến bệnh, môi trường trong khu vực nuôi.

Viện Môi trường nông nghiệp đảm nhiệm phân tích độc tố trong nước. Viện nghiên cứu hải sản đảm nhiệm đánh giá lại động lực dòng lưu, tảo độc…

“Kết quả phân tích đánh giá hiện nay theo chỉ đạo của Chính Phủ Bộ phải chuyển cho Bộ tài nguyên môi trường và Bộ Khoa học công nghệ để tổng hợp. Công tác tìm nguyên nhân đã có sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên việc tìm ra nguyên nhân cần khách quan, khoa học, chính xác minh bạch nên cần thời gian nữa để xác định chắc chắn trước khi công bố”, ông Cẩn nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới