Tờ Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã (Trung Quốc) vừa đồng loạt đăng tải các bài viết ca ngợi sự thiện chiến của lực lượng đặc công người nhái Việt Nam.
Theo Hoàn Cầu, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam có một lực lượng người nhái thực lực rất mạnh. Đặc biệt là phân đội người nhái tinh nhuệ của trung đoàn đột kích 126 Việt Nam, mỗi đội viên đều có thể mang nặng lặn sâu 50 m, lặng lẽ ở dưới nước tới 24 giờ, hoặc hoạt động bí mật ở khu vực bãi cát rộng mà không bị trinh sát.
Là lực lượng tinh nhuệ của Quân đội Việt Nam, lực lượng đột kích lấy người nhái làm chính huấn luyện rất nghiêm ngặt. Khoa mục huấn luyện bắt đầu từ lặn sâu để lấy đồ vật. Mỗi binh sĩ mang nặng 20 kg, sau đó liên tục tăng thêm, lặn sâu 20 – 50 m.
Trong điều kiện hoàn toàn tối mịt, binh sĩ sử dụng dụng cụ đặc biệt để định hướng và lặn. Do thủy triều mạnh ở trong nước sâu, đây là một nhiệm vụ rất dễ làm hao tổn thể lực. Các binh sĩ còn phải huấn luyện khả năng nằm bất động trong nước, sẵn sàng phục kích mục tiêu cụ thể. Kỷ lục hiện nay là ẩn náu liên tục ở chỗ nước sâu trong biển liên tục 24 giờ.
Trong mùa đông giá lạnh nhiệt độ giảm còn 8 – 10 độ C, những người nhái vẫn tiến hành huấn luyện lặn bình thường. Mùa hè, thao trường của trung đoàn người nhái chuyển tới đất liền. Cách làm thông thường là chôn vùi binh sĩ trong cát nóng dưới ánh nắng mặt trời, huấn luyện năng lực ngụy trang và ý chí kiên cường.
Được biết, trong nhiệt độ 35 độ C, nhiệt độ trong cát có thể lên tới 37 – 45 độ C. Loại năng lực ngụy trang này có thể dùng để tấn công đô thị hoặc phòng thủ địa điểm chắc chắn. Đội viên đột kích chôn mình trong hầm đợi phát động tấn công.
Trong khi Hoàn Cầu ca ngợi về sự công phu trong huấn luyện thì Tân Hoa Xã lại đặc biệt ca ngợi những chiến công mà lực lượng đặc công người nhái Việt Nam đã thực hiện, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ.
Mục tiêu tấn công của đặc công nước Việt Nam được Tân Hoa Xã mô tả là bao gồm tàu chiến, cầu phà, bến tàu và các căn cứ trên mặt nước, trên bờ của quân đội đối phương. “Người nhái là thành phần cực quan trọng của đặc công nước. Họ sử dụng ống thở, thuyền nhỏ, hoặc sử dụng những thiết bị hô hấp đặc chủng để phục kích, gắn thiết bị nổ rồi sau đó hủy diệt mục tiêu”, Tân Hoa Xã dẫn nội dung bài viết của tác giả Uông Xuyên.
“Sư đoàn người nhái” trong lực lượng đặc công nước Việt Nam có thể áp sát chiến hạm đối phương trong phạm vi 3m đến 4m sau đó đặt thủy lôi rồi sau đó kích nổ. Tác giả Uông Xuyên nhắc tới trận đánh ngày 1/5/1964, khi đó 6 người nhái Việt Nam dùng thủy lôi từ tính làm nổ tung khoang máy của tàu “Card” của Hải quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
20 phút sau, chiếc tàu tải trọng 15.000 tấn này chìm nghỉm. Thống kê của Uông Xuyên cho rằng trong cả cuộc chiến, người nhái Việt Nam đã đánh chìm 1.000 tàu của hải quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Khả năng ngụy trang tài tình của đặc công Việt Nam. |
Theo Uông Xuyên, sư đoàn người nhái 126 được thành lập năm 1969, đây cũng là sư đoàn ra tiếp quản Trường Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sư đoàn này về sau được biết đến phổ biến với cái tên Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 126.
Uông Xuyên nói Lữ đoàn 126 được đầu tư cực lớn về tiền tài, con người và các trang bị chiến đấu hiện đại. Tuy nhiên, do không có thông tin gì về lực lượng đặc công Việt Nam, bài báo trên Tân Hoa Xã tiếp tục đưa ra những lý giải khá mơ hồ.
Lữ đoàn 126 được một số người cho là “con át chủ bài” của Việt nam trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo và các vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Một số thông tin nói lữ đoàn 126 có cơ sở huấn luyện ở giữa một ngon núi có sông lớn chảy qua.
Trước đây, từng có báo cáo cho rằng Lữ đoàn 126 có hai trụ sở đặt tại Long An và Khánh Hòa, mỗi năm huấn luyện khoảng 30-50 người nhái đặc biệt tinh nhuệ.
Sau khi đưa ra một vài số liệu mà Uông Xuyên nói là “tài liệu báo cáo” và “tài liệu được Việt Nam” công khai, tác giả tự kết luận rằng ở TP.HCM còn có các trung đoàn người nhái 11A, 11B với nhiệm vụ phản gián. Trang thiết bị, chiến thuật và kỹ năng của hai đội người nhái 11A, 11B được Uông Xuyên cho rằng “không kém gì đặc nhiệm Hải quân SEAL của Mỹ”.