Có lẽ nào sự vươn lên của Donald Trump là một minh chứng cho sự vỡ vụn niềm tin của thế hệ người Mỹ hiện tại?
Tỷ phú Donald Trump trong một buổi diễn thuyết trước những người ủng hộ
Nhận xét về Mỹ, thượng nghị sỹ Marco Rubio, một người bảo thủ (conservative) nói rằng: Không giống như những quốc gia thứ ba, nơi mà một vị lãnh tụ được quảng bá như đấng cứu thế, như niềm tin để cả quốc gia bấu ví vào, Tổng thống nước Mỹ chỉ là một công dân. Ông ta chỉ là người phục vụ trong một thời gian nhất định, bị kiểm soát bởi Hiến pháp. Tổng thống là người làm việc cho người dân, chứ không phải ngược lại.
Donald Trump, một người khởi đầu không nhận được mấy quan tâm hay đánh giá cao của các đối thủ, đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành người duy nhất còn trụ lại trong cuộc đua giành đề cử của đảng Cộng hòa. Nhiều người thích ông ta vì thẳng thắn, dám chê thẳng, nói thẳng và không mắc bệnh “Political Correctness”, nhưng ông ta cũng nhận vô số chỉ trích, kể cả từ các kênh truyền thông.
Nước Mỹ vốn là như vậy, có 2 chính đảng chính thì nếu người của đảng này có đắc cử thì vẫn bị phần lớn người thuộc đảng kia không ưa.
Barack Obama sắp về hưu, có người gọi ông là “vị tổng thống tốt nhất lịch sử nước Mỹ”, nhưng không ít người chỉ trích là một ông tổng thống tồi tệ nhất, thất bại toàn tập từ ngoại giao, kinh tế đến an ninh quốc nội.
Tuy nhiên, Hiến Pháp là thứ mà gần như tất cả người Mỹ, Cộng hòa hay Dân chủ đều tin vào, là chỗ dựa cho nền tự do và sự bảo đảm xã hội Mỹ không biến thành một thể chế chuyên chế. Nhưng rạn nứt hiện tại đã cho thấy niềm tin vào cái gốc tư bản chủ nghĩa đã lung lay. Không chỉ Trump trở thành hiện tượng, mà Bernie Sanders, người tự gọi mình là theo chủ nghĩa Dân chủ Xã hội đã nổi lên cạnh tranh trực tiếp với bà Hillary Clinton. Một người mang tư tưởng Xã hội chủ nghĩa cũng đạt được ủng hộ rộng lớn của cử tri Mỹ, điều không thể tin nổi trong khoảng chục năm trước.
“Tôi không gọi ông là một kẻ độc tài”, Rubio nói về Trump, “mà tôi nói là ông ta là kẻ mạnh theo kiểu thế giới thứ ba”.
“Ông ta đang cạnh tranh trở thành tổng thống, vì thế dù thế nào ông ta cũng không trở thành kẻ độc tài được, trừ khi đảng Cộng hòa hoàn toàn sụp đổ, điều mà tôi không cho rằng sẽ xảy ra”.
“Nhưng đây là điều xảy ra ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, họ có một lãnh tụ tuyên bố rằng: đừng tin vào bản thân, đừng đặt niềm tin vào xã hội, hãy đặt niềm tin vào tôi, tôi là một lãnh đạo mạnh mẽ, và tôi sẽ làm mọi thứ tốt hơn, tất cả trông cậy vào tôi”.
Kiểu lãnh tụ xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez ở Venezuela hay Che Guevara ở Argentina hoặc Raul Castro lại được tái hiện trên chính trường nước Mỹ hiện đại theo kiểu bi hài và đầy màu sắc.
“Nếu các bạn nghe những gì ông ta (Trump) mô tả về những gì ông ta sẽ làm, ông ta sẽ đơn phương làm cái này, làm cái kia mà không thèm cân nhắc xem điều đó có hợp pháp hay không”, thượng nghị sĩ Rubio nói.
Jeb Bush, em trai cựu tổng thống George W. Bush thì khẳng định không ủng hộ Trump, nói rằng ông này thiếu phẩm chất và tính cách của người đứng đầu Nhà Trắng, và cũng không phải là một người bảo thủ nhất quán. Ông Jeb ám chỉ những lần công kích cá nhân mà Trump dành cho tất cả đối thủ trong vòng bầu sơ bộ và việc Trump từng có thời kỳ là thành viên đảng Dân chủ, thậm chí là một người tự do (liberal), không theo đảng nào.
Thế hệ người Mỹ hiện tại, những người trẻ rời ghế đại học nhưng không xin được việc, mang theo gánh nặng nợ nần cùng giấc mơ Mỹ vỡ vụn; những chủ doanh nghiệp nhỏ phải gánh mức thuế phí quá lớn trong nền kinh tế bế tắc, hay quân nhân thất vọng về những thụt lùi trước sức mạnh tương quan giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc dường như đã chọn phó thác số phận cho một người cứu thế, một lãnh tụ sẽ giúp họ giải quyết bế tắc hiện tại. Và một con đường mới, là Trump hay Bernie Sanders đang nổi lên như một kỳ vọng.
Sau sự rút lui của Ted Cruz, một ứng viên Cộng hòa được nhiều kỳ vọng sẽ đánh bại Trump, trang National Review – một kênh tin tức của những người theo lối bảo thủ Hoa Kỳ, đã nhanh chóng ra bài kêu gọi sự tham gia của một ứng viên tự do, hoặc đảng phái thứ Ba.
“Ông ta (Trump), sẽ trở thành người được đề cử và rồi ông ta sẽ thua. Hoặc ông ta sẽ đưa đảng Cộng hòa vào một thời kỳ hỗn loạn và chia rẽ nhất từ trước đến nay”, Marco Rubio nói, cảnh báo rằng rất nhiều người thuộc phe cánh tả và truyền thông rồi sẽ phải giải thích tại sao lại để rơi vào cái bẫy là ủng hộ ông Trump, và hậu quả sắp tới của nó, dù kết quả thế nào, cũng sẽ là tồi tệ.
Tuy nhiên, Donald Trump quả thực đã đánh bại tất cả các đối thủ chính thức khác trong cuộc bầu cử sơ bộ giành đề cử của đảng Cộng hòa. Sự chiến thắng của ông ta đã và đang làm chia rẽ và lung lay niềm tin của những người Mỹ bảo thủ – những người tin vào sự thành công của nước Mỹ gắn với chủ nghĩa tư bản và một nhà nước hạn chế.