Biểu tình chống Trung Quốc tại Philippines
Các mốc chính trong vụ kiện:
Ngày 22/1/2013: Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện đối với Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”.
Tây Philippines là tên mà Philippines đặt cho vùng biển tranh chấp, Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, trong khi tên gọi quốc tế tiếng Anh là South China Sea (Biển Nam Trung Hoa).
Ngày 19/2/2013: Trung Quốc nộp note verbale “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Nam Hải”, từ chối tham gia vụ kiện và trả lại thông báo của Philippines.
Tuy nhiên theo điều 9 Phụ lục VII UNCLOS, việc một bên từ chối không tham gia không thể là rào cản cho Tòa Trọng tài tiến hành xét xử.
Ngày 27/8/2013: Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra Thông cáo báo chí yêu cầu Phillipines nộp Bản tranh tụng.
Ngày 30/3/2014: Philippines đệ trình lên Tòa Bản Tranh tụng bao gồm 10 chương đưa ra phân tích pháp lý và bằng chứng của nguyên đơn, đồng thời bảo vệ lập trường là Tòa Trọng tài có quyền phán quyết trong vụ kiện này.
– Bản tranh tụng của Philippines nhìn chung liên quan đến ba vấn đề chính. Một là vấn đề pháp lý về tuyên bố chủ quyền Đường 9 đoạn của Trung Quốc (Nine-dash line hoặc Đường lưỡi bò). Hai là danh nghĩa pháp lý của các đảo đá trong vùng tranh chấp. Ba là hoạt động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
– Philippines cũng bổ sung đảo Ba Bình (Itu Aba) trong Bản Tranh tụng của mình.
Ngày 3/6/2014: Đây là hạn cuối cùng Tòa Án đưa ra cho Trung Quốc đệ trình Bản phản biện của bị đơn. Trung Quốc từ trước vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ việc và vì thế, cũng không đệ trình Bản phản biện của bị đơn.
Ngày 06/12/2014: Hoa Kỳ đưa ra Báo cáo về Giới hạn trên biển về Đường 9 đoạn, trong đó xem xét các lập trường lịch sử của các bên và bác bỏ việc “thực thi liên tục” hoặc “thực thi có hiệu quả” chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trong khu vực trên.
Ngày 07/12/2014: Trung Quốc đưa ra “Tuyên bố về Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện mà Philippines khởi xướng trước Tòa Trọng Tài”. Quan điểm của Trung Quốc gói gọn trong ba điểm.
– Thứ nhất bản chất vụ kiện là chủ quyền đối với một số cấu trúc địa lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS.
– Thứ hai Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận song phương giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng đàm phán nên việc Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc lên Toà án quốc tế là Philippines vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
– Thứ ba, kể cả nếu như vấn đề tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, đây vẫn là trường hợp phân định biển của hai quốc gia (rơi vào phạm vi Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc loại trừ tất cả tranh chấp phân định biển ra khỏi thẩm quyền bắt buộc của Tòa Trọng tài).
Ngày 11/12/2014: Chính phủ Việt Nam đưa ra Tuyên bố về chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu Tòa trọng tài “cân nhắc đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Việt Nam”.
Từ 7-13/7/2015: theo lộ trình Tòa Trọng tài tổ chức hai phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc tại La Haye.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Albert del Rosario phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Đường lưỡi bò trên Biển Đông bằng luận cứ lịch sử, đồng thời lên án Trung Quốc làm tổn hại đến môi trường biển trong khu vực, bao gồm việc phá hủy rặng san hô và đánh bắt cá bằng chất độc hại đe dọa sinh vật biển quý hiếm.
Ngày 29/10/2015: Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra “Tuyên bố (Phán quyết) về quyền tài phán và thừa nhận” đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa không bác bỏ quyền tài phán với bất cứ luận điểm nào trong Bản Tranh tụng của Philippines.
Ngày 21-22/3/2016: Trong một động thái bất ngờ, Đài Loan đưa ra Tuyên bố Amicus curiae về Quan điểm về chủ quyền của Đài Loan tại Đảo Itu Aba (Ba Bình). Theo đó hòn đảo này có vùng biển 200 hải lý (bao trùm lên hầu hết các hòn đảo còn lại đang tranh chấp ở Biển Đông).
Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng đưa phóng viên từ 10 hãng truyền thông quốc tế như CNN, Al-Jazeera TV, Financial Times đến Itu Aba này nhằm chứng minh đây là một hòn đảo chứ không phải là đá.
Phán quyết cuối cùng dự kiến đưa ra vào tháng 6/2016.