Các nhà lập pháp Đài Loan đang tranh cãi về việc đập bỏ Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc như một cách cắt đứt những mối liên hệ với Trung Quốc đại lục.
Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở trung tâm Đài Bắc là một trong những điểm thu hút nhiều du khách đến thăm Đài Loan. Đài tưởng niệm này được khánh thành năm 1980 để tưởng nhớ nhà lãnh đạo đã nắm quyền cai trị Đài Loan từ giữa thập niên 1940 cho tới khi qua đời vào năm 1975. Quốc Dân Đảng của ông đã cai trị toàn bộ Trung Quốc cho tới khi ông chạy sang Đài Loan sau khi bị phe của Mao Trạch Đông đánh bại năm 1949.
Tuy nhiên, công nhiều nhưng tội cũng không ít. Hồi cuối thập niên 1980, dân Đài Loan bắt đầu công khai chỉ trích ông Tưởng Giới Thạch như một nhà lãnh đạo độc tài đã giết chết nhiều người và đàn áp những người bất đồng chính kiến một cách dã man.
Phong trào “tẩy chay” Tưởng Giới Thạch lại được thổi bùng lên sau khi Quốc Dân Đảng mất quyền lãnh đạo.
Tháng 2/2016, Quốc Dân Đảng đã mất quyền kiểm soát quốc hội và Tổng thống Mã Anh Cửu sẽ rời khỏi chức vụ vào ngày 20 tháng 5 này. Diễn tiến đó làm cho đảng Dân Tiến, là đảng sắp lên nắm quyền, và những người ủng hộ họ ở quốc hội có cơ hội để xét lại đài tưởng niệm chính dành cho ông Tưởng Giới Thạch.
Tuần trước, Dân biểu Từ Vĩnh Minh của Đảng Lực lượng Thời đại đã tổ chức một cuộc điều trần về vấn đề có nên dỡ bỏ đài tưởng niệm này hay không. Nhà lập pháp này cho biết: “Tôi tin rằng nhiều người nghĩ rằng cần phải làm lại, vì đài tưởng niệm này vinh danh và tưởng nhớ Tưởng Giới Thạch. Tôi cho rằng việc này rất kỳ quái vì có rất nhiều thứ mà ông ấy cần phải chịu trách nhiệm”.
Dưới thời Tưởng Giới Thạch, hàng ngàn người bị giết hại và hàng vạn người bị giam cầm trong chiến dịch đàn áp các đối thủ chính trị. Ông Tưởng cũng áp dụng lệnh thiết quân luật, kéo dài từ năm 1949 mãi cho tới năm 1987, 12 năm sau khi ông qua đời.
Các nhà lập pháp đang xem xét tới những đề nghị như biến Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch thành thư khố của tất cả các vị tổng thống của Đài Loan, thành một nơi vinh danh những phong trào phản kháng hoặc sửa lại nơi này thành một địa điểm nêu bật những nỗi thống khổ của người dân Đài Loan dưới ách cai trị độc tài.
Một số người còn đề nghị phá bỏ toàn bộ địa điểm này, nhưng những người khác e rằng điều đó sẽ làm cho xã hội bị chia rẽ.
Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội hồi tháng 1/2016, phần lớn là vì dân chúng bất mãn với phe Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Mã Anh Cửu. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các cử tri cho rằng ông Mã Anh Cửu xích lại quá gần với Trung Quốc và không lưu tâm tới các vấn đề kinh tế của những người dân bình thường.
Bà Lôi Tình, người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu ở Đài Bắc có tên Trung Hoa Thế kỷ 21, cho rằng những đề nghị dỡ bỏ Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch là có động cơ chính trị đảng phái.
“Đây là một hành động mang nặng tính chất chính trị và ý thức hệ của Đảng Dân Tiến nhằm xoá bỏ mọi công trạng của Quốc Dân Đảng, đặc biệt là công trạng của Tưởng Giới Thạch, là người đã đưa rất nhiều người từ Hoa Lục sang Đài Loan. Do đó, nếu họ muốn tìm cách dần dần loại bỏ những mối liên hệ với Trung Quốc đại lục, thì việc xoá bỏ từ gốc rễ là một hành động rất quan trọng về mặt chính trị”.
Dân biểu Lý Tuấn Ích, Chủ tịch Uỷ ban Nội chính Đài Loan, cho biết các nhà lập pháp đang xem xét một dự thảo luật để nói rõ ý định xét lại ý nghĩa tượng trưng của đài tưởng niệm.