TQ sử dụng dân quân biển để khi xung đột vũ trang xảy ra, lực lượng này có thể đóng vai trò như lực lượng hải quân không chính thức.
Tàu cá Trung Quốc rầm rộ tiến vào Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã
Đó là cảnh báo của các học giả quốc tế trong hội thảo Xung đột tại Biển Đông được tổ chức tại Đại học Yale, bang Connecticut, Mỹ từ ngày 6-7/5.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các học giả hàng đầu về vấn đề Biển Đông đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín tại Mỹ và các nước như Pháp, Đức, Australia, Anh, Canada…
Cũng theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tăng cường sử dụng đội tàu cá kết hợp tàu thương mại và các tàu của lực lượng thực thi pháp luật nhằm mục đích thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Tại hội thảo, các học giả đã viện dẫn nhiều tài liệu và bản đồ cổ, bao gồm cả của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực và của những người phương Tây khi đi qua vùng biển này, chứng minh điều ngược lại đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các học giả cảnh báo Trung Quốc đã xây dựng lực lượng quân sự có đủ sức mạnh chi phối, kiểm soát được chuỗi đảo thứ nhất tại Biển Đông. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể được sử dụng làm cơ sở hậu cần cho các hoạt động của ngư dân, ngành công nghiệp các-bon và các cơ quan thực thi pháp luật.
Cũng bàn về việc Trung Quốc huấn luyện ngư dân thành dân quân, trang bị vũ khí hạng nhẹ, gắn hệ thống định vị toàn cầu rồi xua xuống biển Đông, mang danh tàu đánh cá, từng trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, mục đích chính của động thái này là để cụ thể hóa tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời làm cho ngư dân các nước sợ hãi khi ra ngoài khơi đánh bắt cá.
“Trung Quốc làm như vậy để kích động, gây thêm căng thẳng trên biển Đông. Nếu Việt Nam và các nước khác không được trang bị kiến thức để bình tĩnh xử lý trên biển mà sử dụng vũ lực trước thì sẽ mắc bẫy Trung Quốc.
Việc này tôi tin trong lâu dài, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để Việt Nam và các nước trong khu vực mắc bẫy.
Khi đó chúng ta sẽ phải trả giá vì họ sẽ dùng cái cớ đấy để có những hành động gây thiệt hại cho Việt Nam mà chưa thể lường trước được hậu quả”, ông Sơn nêu quan điểm.
Theo ông Sơn, Việt Nam trong quá trình đấu tranh với Trung Quốc cần phải hết sức linh hoạt, chủ động phòng tránh trước âm mưu gây hấn của nước bạn.
“Chúng ta cần tăng cường các lực lượng chấp pháp như cảnh sát biển, kiểm ngư trên biển để sẵn sàng hỗ trợ ngư dân của mình trong các trường hợp bị các tàu cá của Trung Quốc uy hiếp, thậm chí đe dọa bằng vũ khí. Việc này cần phải hết sức bình tĩnh, cảnh giác trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Nếu chúng ta nóng vội, mà chống trả lại phía Trung Quốc thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”, ông Sơn cho biết thêm.
Nói về phản ứng cần có của Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề trang bị vũ khí cho các tàu cá cần phải hết sức thận trọng.
Theo ông Hùng, dư luận quốc tế đã lên án rất nhiều về việc này. Đặc biệt, trong luật dân quân tự vệ cũng khẳng định, chỉ khi được giao nhiệm vụ thì chúng ta mới làm chứ tuyệt nhiên không mang những vũ khí ra biển. Vì vậy, ngoài việc tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển, việc cần thiết hiện nay là phải hỗ trợ về vốn, tài chính, phương tiện để ngư dân sở hữu những tàu cỡ lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng khi ra biển.