Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngNhật Bản lưỡng lự tiến đến gần Nga

Nhật Bản lưỡng lự tiến đến gần Nga

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 tới Nga, phá vỡ thế “cô lập quốc tế” mà phương Tây và Mỹ dựng lên kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hai năm trước.

Quan hệ Nga – Nhật vẫn chưa thể “nồng ấm”.

Mặc dù chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho thấy quan hệ giữa hai nước đã có những tín hiệu nồng ấm, song vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quan hệ với Mỹ vẫn phủ bóng đen lên mối quan hệ này.

RIA Novosti dẫn nhận định của ông Kazuhiko Togo – nhà phân tích chính trị, một trong những chuyên gia có uy tín nhất trong các vấn đề về quan hệ Nga-Nhật, nhà ngoại cấp cao và hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học công nghiệp ở Kyoto cho hay, cuộc gặp tại Sochi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã giúp khôi phục lại mối quan hệ hai nước quay trở về thời kỳ trước khi xảy ra sự kiện bán đảo Crimea, Ukraine sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

“Quan hệ giữa hai nước phát triển rất tốt trong thời kỳ đầu (từ năm 2013) trước khi xảy ra các sự kiện tại Ukraine, nhưng sau đó thì bị tạm dừng. Tôi cho rằng cả hai nhà lãnh đạo đều muốn khôi phục mối quan hệ như trước. Hiện tại nhờ cuộc hội đàm tại Sochi mối quan hệ Nga – Nhật Bản đã quay trở về như thời điểm trước khi Crimea sáp nhập Nga.

Từ lập trường này tôi tin rằng hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc họp thành công. Nhưng theo quan điểm của tôi, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước” – chuyên gia Nhật nhận định.

Ông Togo tin rằng, đối với Nga mối quan hệ với Nhật Bản không chỉ trên phương diện hợp tác kinh tế cùng có lợi mà nó trở nên đặc biệt cần thiết do sự sụt giảm giá dầu trong nước cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây chống lại Nga.

Theo nhà phân tích này Nhật Bản có thể trở thành trung gian truyền đạt lập trường của Nga về vấn đề bán đảo Crimea cũng như các sự kiện tại Ukraine cho các đối tác phương Tây, là “cầu nối” giữa Moscow và phương Tây.

“Nga hiện đang phải chịu lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ. Trong tình trạng này, việc đảm bảo phát triển quan hệ với Nhật Bản là rất quan trọng đối với họ” – ông Togo tiếp tục.

Các quan chức và chuyên gia Nga thì cho rằng khả năng khôi phục quan hệ Nga-Nhật cũng đã bị cản trở bởi những nỗ lực chen ngang của Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thẳng thắn nói rằng Nhật Bản “không thực hiện một chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập” và cho rằng Washington “không chấp thuận mối liên hệ cấp cao giữa Nga và Nhật”.

Ông Yuri Tavrovsky, giáo sư Đại học Hữu nghị Nhân dân của Nga, cho rằng, “Mọi nỗ lực của Tokyo nhằm thiết lập ít ra là một đối thoại bình thường với Moscow đã vấp phải sự chống đối giấu diếm và đôi lúc công khai của Mỹ”.

Chuyên gia Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, Nhật Bản không đủ khả năng cô lập Nga, trong khi các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc và Hàn Quốc đều có quan hệ, thậm chí là mật thiết, với Nga.

Theo chuyên gia này, ông Abe không phải là quá ngây thơ để mong chờ một giải pháp giúp giải quyết nhanh chóng và dứt điểm vấn đề quần đảo Nam Kuril, nhưng ông đã sẵn sàng tạo ra bước đột phá, khuyến khích các luồng tài chính đầu tư và tín dụng của Nhật Bản rót vào Liên bang Nga.

Thực chất, ông Abe không muốn chậm chân hơn Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh thị trường Nga, vốn đang gặp không ít khó khăn vì phải chịu “thảm họa kinh tế kép” từ lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu thế giới giảm sâu.

Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Nga Putin.

Phương án mới của Thủ tướng Abe

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố đã đề xuất “một phương án mới” nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp vùng Lãnh thổ phương Bắc, phía Nhật Bản gọi là quần đảo Nam Kuril (gồm 4 hòn đảo Kunashiri, Etorofu, Habomai và Shikotan).

“Tôi không rõ “phương pháp mới” nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp vùng Lãnh thổ phương Bắc mà ông Abe nói tới là gì. Điều này cần sự giải thích của ông ấy. Nhưng tôi cho rằng, phương pháp mới này chính là kế hoạch thỏa hiệp của Nhật liên quan tới vấn đề tranh chấp quần đảo Nam Kuril với Nga đã được chúng ta công bố với cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov vào năm 2013.

Nội dung nhắc tới việc Nga trả 2 hòn đảo Habomai và Shikotan về Nhật Bản theo như Tuyên bố chung giữa hai nước đưa ra năm 1956 cùng với việc đưa Kunashiri, Etorofu vào đặc khu kinh tế chung phù hợp với luật pháp quốc tế” – nhà ngoại giao tiếp tục.

Ông Togo nhấn mạnh đây không chỉ là suy nghĩ của mình: “Nếu theo dõi quá trình đàm phán giữa hai nước cho tới nay, có thể thấy chúng đi theo đúng hướng đó”.

Theo Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nga và Nhật Bản, Nga sẽ trao trả hòn đảo Habomai và Shikotan cho Nhật sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình. Số phận của hai hòn đảo còn lại Kunashiri, Etorofu không được nhắc tới trong Tuyên bố.

Chuyên gia Nhật cho hay, sự phân định khác nhau về tình trạng 4 hòn đảo trong tài liệu này sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với toàn bộ quá trình đàm phán tiếp sau.

“Vào năm 1992, Ngoại trưởng Nga lúc đó là ông Andrei Kozyrev đã đưa ra một đề nghị bí mật với Nhật. Theo đó hai nước đã ký Công ước về việc Nga trao trả đảo Habomai và Shikotan cho Nhật, còn số phận Kunashiri, Etorofu sẽ được quyết định trong quá trình đàm phán.

Sau đó Hiệp ước hòa bình được ký kết. Tuy nhiên Hiệp ước sau đó không được thực hiện do phía Nhật không đảm bảo việc chuyển giao chủ quyền đảo Kunashiri, Etorofu cho Nga. Cũng trong năm đó chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã bị hủy bỏ vào thời điểm 4 ngày trước chuyến đi theo lịch trình do Nhật không thông qua đề xuất của Ngoại trưởng Kozyrev” – ông Togo nhắc lại.

Gần 10 năm sau, vào năm 2001 tại một cuộc họp ở Irkutsk giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori và Tổng thống Nga Vladimir Putin phía Tokyo đã đề xuất Nga xem xét đồng thời cả hai vấn đề Habomai-Shikotan và Kunashiri-Etorofu.

Nhà ngoại giao Togo, từng tham gia chuẩn bị cho cuộc họp lần này nhớ lại “trả lời đề xuất này ông Putin nói “chúng tôi sẽ xem xét”, mở đường cho các cuộc tham vấn giữa hai bên”. Tuy vậy sau đó ông Junichiro Koizumi lên làm Thủ tướng Nhật Bản và Tokyo rút khỏi đàm phán.

Giai đoạn đàm phán tiếp theo bắt đầu năm 2012 khi ông Putin tiếp tục trứng cử Tổng thống và Thủ tướng Nhật bấy giờ là ông Shinzo Abe. Nhưng đối thoại Nga – Nhật đã bị đóng băng do những sự kiện xảy ra tại Ukraine có liên quan tới Nga.

“Như vậy từ quan điểm của Nga trong vòng 20 năm liên tiếp (từ năm 1992) bằng cách này hay cách khác các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ đều bị gián đoạn do lỗi từ phía Nhật. Và hiển nhiên là Nga vô cùng khó chịu” – chính trị gia phân tích, đồng thời tin rằng, việc thông qua phương án thỏa hiệp sẽ cho phép hai bên giải quyết vấn đề lãnh thổ, tiến hành phân chia ranh giới và đi tới ký kết Hiệp ước hòa bình.

“Việc đưa đảo Kunashiri và Etorofu vào đặc khu kinh tế chung sẽ đem tới khả năng cả Nga và Nhật Bản cùng phát triển khu vực lãnh thổ này, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra “quần thể đảo mỹ miều” tại đây” – nhà phân tích kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới