Mới đây cảnh sát Tây Ban Nha vừa tiến hành triệt phá vụ rửa tiền lớn tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) chi nhánh Madrid, bắt 6 lãnh đạo chóp bu của chi nhánh vì bị cáo buộc rửa một khoản tiền lên tới 40 triệu euro.
Việc cảnh sát Tây Ban Nha và Europol bắt giữ 6 lãnh đạo của chi nhánh ICBC vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ về nạn rửa tiền. (Ảnh: internet)
Gần đây, có nhiều ngân hàng của Trung Quốc bị cáo buộc rửa tiền từ buôn lậu, trốn thuế và bóc lột lao động, thậm chí rửa tiền cho buôn lậu ma túy, theo Thời báo Ngân hàng đưa tin.
Rửa tiền và trốn thuế
Cảnh sát Tây Ban Nha kết hợp thuế vụ và Cảnh sát châu Âu (Europol) đã phát động chiến dịch truy quét tội phạm mang tên Operation Shadow, đột nhập văn phòng của ICBC tại Thủ đô Madrid. Bắt giữ 6 lãnh đạo của ICBC vì bị cáo buộc rửa tiền.
Ba người trong số bị bắt bị giam giữ và từ chối cho nộp tiền bảo lãnh tại ngoại, 3 người còn lại cũng bị giam giữ, nhưng được phép nộp tiền để hưởng tại ngoại. Cả 6 nhân vật này đều bị cáo buộc tham gia các hoạt động phạm pháp theo luật pháp Tây Ban Nha như rửa tiền, gian lận và trốn thuế…
Theo Europol cho biết, họ ủng hộ vụ bắt giữ của cảnh sát Tây Ban Nha, bởi vụ án đã được cảnh sát Tây Ban Nha theo dõi từ nhiều năm, ICBC đã rơi vào tầm ngắm vì hành vi rửa tiền từ buôn lậu, trốn thuế và bóc lột lao động, thậm chí cả rửa tiền cho các đường dây buôn bán ma tuý sau đó đưa trở lại Trung Quốc một cách hợp pháp.
Về phía mình văn phòng ICBC Bắc Kinh cho hay, họ đang tích cực hợp tác với Europol để làm rõ những cáo buộc của cảnh sát Tây Ban Nha.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh quan tâm tới cuộc điều tra và đề nghị chính phủ Tây Ban Nha bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các công ty, cũng như công dân Trung Quốc đang làm ăn tại nước này.
Vụ đột kích vào trụ sở ICBC là một động thái nằm trong khuôn khổ một cuộc điều tra chung của cảnh sát, cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha và Europol liên quan đến các hoạt động của một nhóm tội phạm ở Tây Ban Nha chuyên chuyển tiền về Trung Quốc qua ICBC.
Các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc bị tình nghi nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc, song lại không khai báo hải quan nhằm trốn thuế, vì vậy cảnh sát đã phải vào cuộc, bắt giữ các nghi phạm. Europol còn phát hiện thấy các băng nhóm tội phạm Trung Quốc và Tây Ban Nha có mối liên hệ khá mật thiết với những nhóm khác ở Đức, Pháp… thực hiện các vụ rửa tiền khổng lồ.
Các băng nhóm này đã nhờ ICBC chuyển tiền về Trung Quốc, nhưng không bị ngân hàng truy xuất nguồn gốc theo quy định. Hồi tháng 5/2015, trong một cuộc tấn công tội phạm mang tên Operation Snake, cảnh sát Tây Ban Nha đã phát hiện thấy ít nhất 40 triệu euro được rửa qua ICBC do gian lận thuế hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhiều cáo buộc rửa tiền ở các ngân hàng Trung Quốc
Nhiều nhà phân tích cho rằng các đường dây rửa tiền bẩn liên quan đến ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài được xem là có quy mô lớn nhất thế giới, nó là sản phẩm mặt trái của sự tăng trưởng nóng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt là trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây liên quan lớn đến lĩnh vực xuất nhập khẩu và các ngân hàng quốc doanh. Việc cảnh sát Tây Ban Nha và Europol bắt giữ 6 lãnh đạo của chi nhánh ICBC vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ về nạn rửa tiền.
Hàng loạt vụ rửa tiền khác đã được công bố liên quan đến rửa tiền, trốn thuế như vụ chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (BoC) tại Milan, Ý, có gần 300 người bị cáo buộc về tội rửa tiền và nhiều tội danh khác. Theo số liệu của tòa án Florence, khoảng hơn 4,5 tỷ euro đã được chuyển bất hợp pháp từ Italia về Trung Quốc thông qua dịch vụ chuyển tiền Money2Money (M2M).
Trong số 4,5 tỷ euro nói trên, có tới 2,2 tỷ euro là được chuyển qua chi nhánh BoC tại Italia, đổi lại BoC đã nhận được khoản thù lao lên tới 857.000 euro. Còn ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang và Sở Dịch vụ Tài chính New York cũng nhiều lần cảnh báo chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc về các hành vi tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp nói trên phát triển…
Mới đây, tòa án Brooklyn tại New York, Mỹ cũng đã kết án ba bị can người Colombia điều hành một mạng lưới rửa tiền toàn cầu có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc. Mạng lưới rửa tiền này đã rửa khoảng 5 tỷ USD cho đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia từ Mỹ, Mexico, Colombia, Panama, Guatemala, Canada và một số quốc gia châu Âu và châu Phi. Tiền bẩn thu được từ buôn bán ma túy sẽ được chuyển qua các tài khoản tại Hồng Kông và Trung Quốc, sau đó được rửa và chuyển trở lại các trùm ma túy ở Nam Mỹ.
Theo Tổ chức tài chính Global Financial Integrity (GFI) của Mỹ thì các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc không chỉ giúp giới nhà giàu Trung Quốc rửa tiền trong nước mà còn giúp giới tội phạm rửa tiền ở nước ngoài…