Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTập Cận Bình sẽ phải trả giá nếu đi thị sát phi...

Tập Cận Bình sẽ phải trả giá nếu đi thị sát phi pháp ở Biển Đông

Thời gian qua, một số trang mạng không chính thống của Trung Quốc như Đa Chiều, Lã Vọng đưa tin cho rằng, sau chuyến thăm phi pháp của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tới một số bãi, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), có thể là bước chuẩn bị để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thị sát Biển Đông.

Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường ở TQ.

Những trang mạng trên cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đi thị sát Biển Đông là nhằm:

Thứ nhất, khai thác “tâm lý dân tộc chủ nghĩa” ở nước này một cách hữu hiệu. Trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc đang có nhiều diễn biến bất ổn, đặc biệt là việc Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Tập Cận Bình trực tiếp chỉ huy và quá trình phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc gây ra một số hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc khiến người dân trong nước ngày càng bức xúc với Chính phủ. Trong những năm gần đây, liên tục xảy ra các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc phản đối các nhà máy sản xuất chất hóa học độc hại (ở Côn Minh, Thượng Hải, Hà Bắc…) bất chấp việc Chính phủ giới hạn thông tin cũng như cấm đoán biểu tình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nồng độ khí độc hại trong lớp sương khói bao phủ Bắc Kinh đã vượt xa mức trong giới hạn an toàn; ô nhiễm đã khiến tầm nhìn ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang giảm xuống dưới 50m và Trung Quốc có tới 16 trong 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Thứ hai, Tập Cận Bình là đặc biệt quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Từ khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình đã từng 2 lần đi thị sát Hạm đội Nam Hải, đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về Biển Đông và có các kế hoạch phát triển lực lượng hải quân lớn mạnh. Trong chuyến thăm Anh, Tập Cận Bình (18/10) từng ngang nhiên cho rằng các đảo ở Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc” từ thời cổ đại, là do tổ tiên nước ông để lại, người dân Trung Quốc sẽ không để yên cho bất kỳ ai “xâm phạm chủ quyền và lợi ích tương ứng của Trung Quốc”, các hoạt động (leo thang bành trướng, gây hấn bất chấp luật pháp, công lý quốc tế) của Trung Quốc ở Biển Đông là để bảo vệ “chủ quyền”, “phản ứng chính đáng”, vì vậy Trung Quốc “không bành trướng và không đáng bị hoài nghi hay chỉ trích”.

Thứ ba, ông Tập Cận Bình thị sát Biển Đông là “theo thông lệ quốc tế”. Trang mạng Đa chiều viện dẫn, trên thực tế việc nguyên thủ quốc gia đặt chân lên các vùng lãnh thổ tranh chấp không phải chuyện hiếm gặp. Tháng 11/2010 và tháng 7/2012, ông Dmitry Medvedev đã đổ bộ lên nhóm đảo tranh chấp chủ quyền giữa Nga với Nhật (quần đảo Kuril/nhóm đảo Phương Bắc) trên cương vị lần 1 là Tổng thống Nga, lần 2 là Thủ tướng Nga. Ngày 10/8/2012, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myong – bak cũng đổ bộ lên hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản (Dokdo/Takeshima) để tuyên bố sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Thứ tư, hành động đi thị sát Biển Đông sẽ có tác dụng tuyên truyền hiệu quả “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thị sát phi pháp ở Biển Đông sẽ là hành động bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như một số nước có chủ quyền ở Biển Đông; gây nguy cơ xảy ra khủng hoảng an ninh, chính trị, ngoại giao và kinh tế trong khu vực; đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực cũng như đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cụ thể:

Thứ nhất, chuyến thị sát phi pháp là hành động vi phạm các quy định luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền đối với khu vực này. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát phi pháp ở Biển Đông sẽ là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Thứ hai, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết cùng ASEAN, đặc biệt là điều khoản về cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực. Tuyên bố DOC không liệt kê cụ thể những hành động cụ thể, nhưng chúng ta có thể xác định được: các hoạt động có thể làm phức tạp thêm các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các hoạt động có thể gia tăng các tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; và loại hành động thứ 3 là các hành động có thể ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định ở trong khu vực. Tuyên bố DOC đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở.

Thứ ba, gây nguy cơ xảy ra khủng hoảng an ninh, chính trị, ngoại giao và kinh tế trong khu vực. Chuyến thăm sẽ khiến tình hình an ninh khu vực Biển Đông trở nên căng thẳng, các nước xung quanh Biển Đông và một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… sẽ lên án và có các biện pháp đáp trả hành vi phi pháp của ông Tập Cận Bình. Được biết, sau khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới quần đảo tranh chấp Nam Kuril, Nhật Bản đã có những phản ứng mạnh mẽ phản đối hành động trên. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhật Bản (22/8/2015) tuyên bố chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến quần đảo Kuril sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển đối thoại chính trị giữa 2 quốc gia. Vụ trưởng Vụ Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hajime Hayashi đã điện đàm với Đại sứ Nga tại Tokyo liên quan đến chuyến đi nói trên của ông Medvedev, cho rằng chuyến thăm của ông Medvedev tới quần đảo Kuril là “trái với quan điểm của Nhật Bản và đi ngược với chính sách của chính phủ Nhật Bản đối với các vùng lãnh thổ phương Bắc, và ngoài ra nó sẽ làm tổn thương tâm hồn của người dân Nhật Bản. Đây là hành động không thể chấp nhận được”. Khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung – Bak (10/8/2012) thăm đảo Dokdo/Takeshima, Nhật Bản đã triệu hồi đại sứ tại Hàn Quốc về nước để phản đối và bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung – Bak. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho rằng, “theo lập trường của Nhật Bản, chuyến thăm của Tổng thống Lee không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi đã gửi lời phản đối cực lực đến ngài đại sứ và tôi nói với ông ấy rằng các nhà lãnh đạo hai nước đã thống nhất rằng chúng ta nên giải quyết các vấn đề với tầm nhìn rộng hơn và hành động này đi ngược lại quan điểm đó. Tôi cũng nói với ông ấy rằng tôi không thể hiểu tại sao Tổng thống Lee lại đến thăm các hòn đảo vào thời điểm này ”. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura mô tả chuyến đi đầu tiên của một vị tổng thống Hàn Quốc đến các hòn đảo tranh chấp là “vô cùng đáng tiếc” vào thời điểm mà Tokyo đang tìm kiếm các mối quan hệ “hướng đến tương lai” với Seoul.

Thứ tư, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Với việc ông Tập Cận Bình đi thị sát phi pháp các đảo, đá ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc và các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc sẽ có các kế hoạch ngăn chặn tàu tuyền, máy bay các nước đi qua khu vực này nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến thăm. Đồng nghĩa với việc hoạt động lưu thông hàng hải, hàng không ở Biển Đông sẽ bị gián đoạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các nước và sự bất tiện cho người dân trên thế giới khi bay qua khu vực Biển Đông. Trong đó có Mỹ và Nhật Bản, những nước có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông, khi tự do hàng hải và hành không ở khu vực này bị ngăn chặn, Mỹ và Nhật sẽ có các biện pháp phản đối Trung Quốc.

Thứ năm, chuyến thăm không những không có tác dụng tuyên truyền “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh nước lớn có trách nhiệm trong mắt cộng đồng quốc tế, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và phản đối Trung Quốc nhiều hơn. Không loại trừ khả năng, người dân trên thế giới sẽ tổ chức các cuộc biểu tình dầm rộ để phản đối Trung Quốc, giống như vụ Trung Quốc đưa phi pháp giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.

Thứ sáu, nền kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ chịu hệ lụy từ chuyến thăm phi pháp của ông Tập Cận Bình. Nhiều nước trong khu vực và một số nước lớn có lợi ích ở Biển Đông sẽ thực thi một số biện pháp như hạn chế hợp tác kinh tế với Trung Quốc, rút đầu tư thương mại khỏi Trung Quốc, ngừng xuất khẩu hàng hóa… để phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc và đương nhiên, người dân Trung Quốc sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt do hành vi thiếu khôn ngoan của Chính phủ Trung Quốc.

Thứ bảy, vi phạm Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993.

Nhìn chung, nếu ông Tập Cận Bình đi thị sát phi pháp ở Biển Đông, lợi ích thì chưa thấy đây, song chính bản thân Trung Quốc sẽ phải chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế, người dân Trung Quốc cũng phải gánh chịu hậu quả mà đáng nhẽ họ không phải chịu. Tuy nhiên, thông tin trên mới chỉ là đồn đoán và suy luận của một số trang mạng không chính thống của Trung Quốc, không loại trừ khả năng đây là bước thử dư luận trước khi ông Tập Cận Bình đi thị sát phi pháp ở Biển Đông. Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và các nước lớn trên thế giới cần lên án mạnh mẽ ý tưởng trên của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới