Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ liệu có tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài?

TQ liệu có tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài?

Trong bối cảnh Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên hợp quốc ở The Hague (La Haye, Hà Lan) chuẩn bị ra phán quyết liên quan vụ kiện Trung Quốc của Philippines, vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là liệu Trung Quốc có tuân thủ một phán quyết bất lợi cho mình hay không? Từ tình hình triển khai trên thực địa và những tuyên bố chính thức của giới cầm quyền Trung Quốc cho thấy, hình ảnh “nước lớn có trách nhiệm”, luôn “tuân thủ quy định luật quốc tế” không thể đánh đổi được “chủ quyền” theo yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham, điểm nóng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: Google

Giới chức lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố có “chủ quyền” không thể tranh cãi ở Biển Đông và khẳng định sẽ không tham gia, không tuân thủ phán quyết của PCA. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Mỹ (23 – 25/2) nhắc lại các luận điểm bác bỏ thẩm quyền của PCA, cho rằng: Bản chất vụ kiện là các tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể ở Trường Sa; Cơ chế Trọng tài quốc tế cần sự đồng thuận từ hai phía trong tranh chấp, song hành động đơn phương kiện của Philippines đã đi ngược lại thông lệ quốc tế; Phillipines đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn với Trung Quốc; Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 01/4 tuyên bố “Trung Quốc cương quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và các quyền lợi tương ứng, các tranh chấp xung quanh khu vực phải được giải quyết hoà bình và trực tiếp thông qua đối thoại với các nước liên quan”.

Cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4.

Trung Quốc tích cực triển khai các hoạt động phi pháp như cải tạo các bãi, đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tăng cường bố trí quân sự, đưa nhiều loại vũ khí tấn công như tên lửa HQ – 9, máy bay J – 11, hệ thống pháo LD – 2000 ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa); tổ chức tập trận với tình huống giả định giống như chiến đấu trong thực tế ở Biển Đông; Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đi thị sát, kiểm tra lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa… cho thấy Trung Quốc đang từng bước đẩy mạnh các hoạt động leo thang bành trướng, quân sự hóa Biển Đông để tìm kiếm sự thống trị gần như toàn bộ vùng biển này và thách thức Luật pháp quốc tế khi cố tình làm thay đổi nguyên trạng, bố trí trang thiết bị vũ khí tại vùng biển tranh chấp.

Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực sử dụng sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị để lôi kéo một số nước ủng hộ yêu sách “chủ quyền” của Bắc Kinh và phản đối “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trước khi PCA đưa ra phán quyết về yêu sách “Đường lưỡi bò”. Trong cuộc gặp ba bên Trung – Nga – Ấn ngày 18/4 tại Moscow, Ngoại trưởng ba nước đã ra Tuyên bố chung cho rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông nên giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia Turnbull, tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo rằng Australian sẽ phải hứng chịu hậu quả về tài chính nếu họ chống lại các tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh; tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không phải là việc của Australia và cách phản ứng của Canberra sẽ là “một phép thử cho sự khôn ngoan chính trị của các lãnh đạo Australia”. Ngay sau đó, Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đăng bài xã luận cảnh báo Tổng thống New Zealand John Key rằng “New Zealand cần vạch ra hướng đi của mình trong quan hệ với Trung Quốc hơn là để chính sách của mình bị tác động bởi tham vọng của các đồng minh quân sự. Tương lai quan hệ song phương giữa hai nước, ở một mức độ nào đó, phụ thuộc vào chính New Zealand và để chuyến thăm thành công, ông John Key cần phải tránh bàn về các tranh chấp ở Biển Đông”, đồng thời cảnh báo “New Zealand hoàn toàn là kẻ ngoài cuộc trong tranh chấp Biển Đông, không phải là một bên liên quan, bất cứ nỗ lực nào của New Zealand nhằm phá bỏ lời hứa không đứng về bên nào trong vấn đề này sẽ có nguy cơ làm phức tạp hóa quan hệ thương mại đang phát triển giữa Trung Quốc và New Zealand”. Giới chuyên gia cho rằng những lời đe dọa của Trung Quốc trước các chuyến thăm cấp cao đã phản ánh chiến lược “cô lập” các bên có tranh chấp mà Bắc Kinh đang áp dụng. Trung Quốc đang muốn đẩy các nước như Australia và New Zealand ra xa Biển Đông. Tuy nhiên, chiến lược này của Trung Quốc không thể nào khuất phục được cộng đồng quốc tế chịu im lặng trước các hành động ngang ngược của họ.

Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực triển khai tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông nhằm tìm cách tác động lên PCA. Phát biểu tại Hội thảo “Trình tự sử dụng tính cưỡng chế trong UNCLOS – xoay quanh vụ kiện của Philippines ở Biển Đông”, Phó Vụ trưởng Vụ Hải dương và biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiêu Kiến Quốc đã tái khẳng định lập trường của Chính phủ Trung Quốc khi cho rằng Philippines đơn phương kiện Trung Quốc là nhằm làm tổn hại chủ quyền và quyền lợi hải dương của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, chỉ trích Philippines dùng luật pháp làm cớ để khiêu khích chính trị, gây tổn hại quan hệ song phương, ảnh hưởng hợp tác trong khu vực, kêu gọi giới chuyên gia, học giả đánh giá khách quan để có tiếng nói công bằng cho Bắc Kinh.

Trước các hành động và tuyên bố của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế tiếp tục thể hiện thái độ quan ngại, chỉ trích, kêu gọi nước này tuân thủ luật pháp quốc tế và tuyên bố ủng hộ các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Bà Amy Searight, Phó Trợ lý Bộ Trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố, các nước cần nói rõ với Trung Quốc rằng nếu không tuân thủ phán quyết sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Ngoài việc uy tín của Trung Quốc bị ảnh hưởng, Mỹ và đồng minh có thể tính đến “những cách sáng tạo khác” khiến Bắc Kinh phải trả giá; đồng thời kêu gọi các nước đồng minh cần sẵn sàng lên tiếng rõ ràng, mạnh mẽ và thống nhất, hỗ trợ Philippines và các nước liên quan trong ASEAN giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Bà Colin Willett, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á ngày 8/4 cho biết, Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ thực hiện những trách nhiệm pháp lý quốc tế và phải tuân thủ phán quyết PCA; đồng thời cảnh báo Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông làm dấy lên mối nghi ngờ về những dự định của Bắc Kinh tại vùng biển này, kích ngòi nguy cơ xảy ra xung đột. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh đặc trách Đông Á Hugo Swire ngày 18/4 cho rằng phán quyết của Tòa là một cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và phán quyết mang tính bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đề nghị Trung Quốc “tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài và cùng thúc đẩy một chế độ dựa trên luật lệ quốc tế”. Ông Klaus Botzet, người phụ trách chính trị của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Washington, cho rằng khi các nước phương Tây đưa ra quan điểm chung, phản ánh góc nhìn của cộng đồng quốc tế, thì Trung Quốc khó mà phản đối. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 15/2 cho biết Australia công nhận quyền của Philippines khi tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua tòa trọng tài quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc làm rõ ý định sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông. Ngày 11/4, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng; kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế về hàng hải và những phán quyết của tòa án quốc tế.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều biện pháp tiêu cực để phản đối phán quyết của Tòa. Theo Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ “tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất phòng thủ trên đảo nhân tạo, bao gồm các loại vũ khí trang bị đất đối không, không đối không, biển đối không và các loại vũ khí cần thiết khác; hải quân tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở Hoa Đông và Biển Đông. Tạp chí The National Interest Mỹ cho rằng, nếu PCA ra phán quyết theo hướng không có lợi cho Bắc Kinh thì nước này có thể trả đũa bằng cách uyên bố thiết lập cái gọi là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới ở Biển Đông. Thời điểm tuyên bố có thể trước hoặc sau khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết. ADIZ ở Biển Đông có thể sẽ bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ cũng đưa ra quan điểm tương tự, rằng Trung Quốc có thể sẽ lần lượt lập ra 2 vùng nhận dạng phòng không phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, song Bắc Kinh sẽ ưu tiên tuyên bố ADIZ ở Hoàng Sa trước.

Nhìn chung, Trung Quốc đang tích cực tiến hành các hoạt động trên thực địa và ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông và làm công tác chuẩn bị để có hành động đáp trả khi PCA đưa ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới