Không còn tuyên bố hàm hồ, cử chỉ cũng nhã nhặn hơn, ứng cử viên Donald Trump đang cho thấy giờ ông là người hoàn toàn khác trước sau khi gần như chắc chắn trở thành đại diện đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ứng cử viên Donald Trump cầm giấy phát biểu sau chiến thắng tại bang Indiana ngày 3-5
Ngày 4-5, đối thủ duy nhất của ông Trump trong đảng Cộng hòa, John Kasich thông báo rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống. Trước đó một ngày, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas cũng tuyên bố bỏ cuộc sau khi thất bại tại bang Indiana.
Như vậy, ông Trump hiện là người duy nhất của đảng Cộng hòa có thể đi tiếp vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là mặc nhiên ông Trump sẽ trở thành đại diện của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Vấn đề là nội bộ đảng này hiện vẫn chưa thống nhất được có nên chọn ông Trump hay không. Giới lãnh đạo Cộng hòa đang có bốn băn khoăn trước quyết định có nên chọn ông Trump làm đại diện của đảng ra tranh cử tổng thống. Thứ nhất, họ nghĩ rằng ông Trump sẽ thua bà Clinton, người đang dẫn đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Thứ hai, họ sợ khi chọn Donald Trump làm đại diện sẽ khiến cử tri hết ủng hộ và nguy cơ đảng Cộng Hòa mất đa số ở Quốc hội là rất cao. Thứ ba, kể từ khi tuyên bố ra tranh cử đến nay, ông Trump đã làm đảo lộn guồng máy và nội bộ đảng, sự xáo trộn ấy sẽ khiến đảng suy yếu trong những kỳ bầu cử tương lai. Cuối cùng, giới chóp bu đảng Cộng hòa tin rằng, ông Trump không có đủ tác phong, tư cách lãnh đạo nước Mỹ, bởi trong suốt thời gian tranh cử ông Trump liên tục gây bão bởi những tuyên bố hàm hồ, xúc phạm phụ nữ và người nhập cư.
Ngoài ra, có một lo ngại căn bản hơn, rằng phải chấp nhận một ứng cử viên “ngoại đạo” như thế có nghĩa là truyền thống Cộng hòa bảo thủ, một trong hai thế lực chính trị cốt lõi suốt lịch sử nước Mỹ, sẽ không còn nữa. Do đó, đảng Cộng hòa đứng trước một chuyện nhức đầu: phải ủng hộ ông Trump trong cuộc tổng uyển cử, hay cương quyết không chấp nhận ông, một thực tế cũng đồng nghĩa với chuyện nhường Nhà Trắng cho đảng Dân chủ.
Ngày 4-5, Chủ tịch Hạ viện Ryan, người của đảng Cộng hòa đang đứng hàng thứ hai để kế vị tổng thống Mỹ, tuyên bố ít nhất là tới thời điểm này, ông không thể ủng hộ tỉ phú Donald Trump: “Lúc này, tôi nghĩ ông ấy cần phải nỗ lực hơn để đoàn kết đảng này lại”. Vị Chủ tịch Hạ viện cũng nói thêm rằng, các đảng viên bảo thủ đang yêu cầu ông Trump phải giải thích rõ ràng về cương lĩnh của ông ta. Tuy nhiên, Ryan không khép hoàn toàn cánh cửa với ông Trump lúc ông bảo rằng, hy vọng sẽ có lúc có thể ông ủng hộ Trump: “Tôi không muốn hạ thấp những gì mà ông ấy đã đạt được, ông ấy cần được chúc mừng vì thành quả to lớn của mình”.
Ryan là đảng viên có chức to nhất và cũng là thành viên Cộng hòa “máu mặt” mới nhất vừa lên tiếng khước từ ông Trump (ít nhất là vào thời điểm hiện tại). Trước đó, hai cái tên “to” khác trong đảng Cộng hòa là cha con nhà Bush: hai cựu tổng thống George W. Bush và George H.W. Bush cũng tuyên bố họ không có kế hoạch ủng hộ ứng viên tổng thống Trump. Một loạt lãnh đạo Cộng hòa khác cũng đã làm điều tương tự.
Liên quan tới tin này, tờ Washington Post bình phẩm vui rằng, có khi ông Trump không được hai cha con nhà Bush ủng hộ hóa lại hay. Tờ báo diễn giải, hồi năm 2008, hai cha con nhà cựu Tổng thống Bush đều hậu thuẫn ứng viên John McCain, nhưng ông McCain đã thất bại trước Tổng thống Barack Obama. Cả ông Bush-cha và Bush-con đều ủng hộ ứng viên Mitt Romney vào năm 2012, nhưng trong cuộc đua đó, Tổng thống Obama đã chiến thắng thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Dù thế nào thì ông Trump vẫn đang là đại diện lớn nếu không muốn nói là duy nhất của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Có lẽ ý thức được điều này, ông Trump đã bắt đầu học cách làm tổng thống. Trong phát biểu ở New York sau chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ tại Indiana, người ta nhận thấy ông Trump không nói năng thoải mái như trước nữa. Ông không tuyên bố bừa bãi, không dùng lời lẽ nặng nề với đối thủ, gọi ông Ted Cruz là “Thượng nghị sĩ Ted Cruz” chứ không phải là “Cruz gian dối” nữa… và thỉnh thoảng nhìn vào tờ giấy ghi sẵn chứ không hoàn toàn ứng khẩu. Rõ ràng, ông Trump nhận thức được thứ ngôn ngữ cần thiết để có thể trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ.
Paul Manafort, cố vấn tranh cử cao cấp mà ông Trump mới tuyển dụng, từ hai tuần qua đã gợi ý rằng, mọi người sẽ thấy “một Donald Trump mới”. Nhưng không phải chỉ bằng lời lẽ bên ngoài, ông Trump sẽ cần tìm cách biểu lộ những gì thích hợp với đường lối của đảng Cộng hòa trong khi vẫn cần thu hút quần chúng bằng những phát ngôn mạnh mẽ. Tối 3-5, ông nhiều lần nhấn mạnh đến chuyện cần gia tăng số việc làm cho người dân Mỹ. Các thăm dò cử tri Cộng hòa vừa bỏ phiếu cho ông Donald Trump cho thấy, có ít nhất 1/4 tỏ ra lo ngại nếu ông có thể trở thành tổng thống. Tuy nhiên, tất cả mọi chuyện trong bầu cử đều không thể nào dự đoán chắc chắn và sẽ còn nhiều sôi nổi bất ngờ từ nay đến tháng 11.
Nhìn sang phía đảng Dân chủ, hiện nay, trong cuộc tranh cử sơ bộ, đảng này đang phải đứng trước một quyết định khó khăn là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nên tiếp tục tranh cử nữa hay không, một cố gắng rõ ràng vô vọng chỉ có hiệu quả là gây khó khăn cho bà Clinton và đảng Dân chủ.
Bà Clinton và những đồng minh của bà cho đến nay vẫn thận trọng không muốn làm mất lòng các người ủng hộ ông Sanders, tránh nói công khai đã loại ông khỏi cuộc tranh cử. Nhưng bây giờ khi ông Donald Trump “gần như đã đủ yếu tố để trở thành ứng cử viên của đảng” – lời Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Priebus xác nhận tối 3-5 vừa qua cho thấy ban tranh cử của bà Clinton không thể tiếp tục để tình trạng nhập nhằng kéo dài đến cuối cùng, trong khi ông Trump sẽ có hơn một tháng rảnh tay chuẩn bị tổng tuyển cử.
Một số quan sát viên tin rằng, bà Clinton cần phải tìm thỏa hiệp nào đó với ông Sanders, một động thái bình thường không có gì mới mẻ trong lịch sử bầu cử Mỹ. Năm 1952, hai ứng cử viên Dwight Eisenhower và Robert Taft trong tình trạng tranh chấp ngang ngửa về số đại biểu trước khi đại hội Cộng hòa họp ở Chicago. Ban tranh cử của ông Eisenhower do ông Thomas Dewey và ông Henry Cabot Lodge cầm đầu khiếu nại với Ủy ban nội quy đại hội cho là một số tiểu bang miền Nam đối xử không công bằng, loại một số đại biểu của ông Eisenhower. Ban tranh cử của ông Taft bác bỏ cáo giác ấy, nhưng đại hội biểu quyết chấp thuận sự khiếu nại và kết quả là lúc đầu ông Taft được 598 phiếu, ông Eisenhower được 500, tới khi biểu quyết ngay vòng đầu, ông Eisenhower được 845, ông Taft chỉ còn 280.
Để xoa dịu vết thương trong cuộc tranh chấp, ngay đêm ấy, ông Eisenhower đến khách sạn gặp ông Taft và được ông chấp thuận đưa ra một thông cáo ngắn gọn ca ngợi chiến thắng của ông Eisenhower. Tuy nhiên, ông Taft vẫn không chịu tuyên bố ủng hộ ông Eisenhower. Hai tháng sau, ông Eisenhower phải đến khách sạn Morningside Heights thương lượng. Kết quả là ông Eisenhower chấp thuận dành cho người của ông Taft một số chức vụ trong chính phủ nếu đắc cử, và đồng ý nhiều điểm với ông Taft về chính sách quốc nội. Trong gần hai tháng, ông Taft tích cực vận động và cuối cùng ông Eisenhower thắng đối thủ bên Dân chủ là ông Adlai Stevenson.
Không biết trong những ngày tới bà Clinton có làm theo cách của Eisenhower hay không. Mọi dư luận Mỹ đang tập trung vào đảng Dân chủ và những bước đi của bà Clinton sắp tới.