Văn hóa chiến lược Trung Quốc ngày nay, trong đó coi trọng các thủ đoạn ngắn hạn và lừa dối, không dựa trên chiến lược tin cậy và tình bạn lâu dài.
Giáo sư Miles Maochun Yu, ảnh: Booktv.org.
Giáo sư Miles Maochun Yu, một học giả chuyên nghiên cứu về quân sự, hải quân khu vực Đông Á thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNA) ngày 9/5 bình luận trên webiste của Viện Hoover, chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông được định hình bởi lịch sử và tư tưởng quân sự thời kỳ Chiến Quốc.
Trong khi xung đột vũ trang vẫn diễn ra ác liệt ở Syria, Iraq và các điểm nóng khác thì một nguy cơ xung đột lớn đang nung nấu ở Biển Đông liên quan đến các cường quốc hàng đầu thế giới, là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Nga.
Trung tâm của xung đột này là yêu sách lãnh thổ hàng hải ngông cuồng của Trung Quốc với gần như toàn bộ Biển Đông, gây phương hại đến hầu hết các nước trong khu vực, gây khó chịu cho các bên liên quan chủ chốt, ngăn chặn và cản trở tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế chạy qua vùng biển này.
Tuy nhiên theo Giáo sư Miles Maochun Yu, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông không nên được nhìn nhận một cách đơn giản. Những diễn biến ở Biển Đông tuân theo một logic của lịch sử Trung Quốc và bắt rễ sâu từ văn hóa chiến lược hàng ngàn năm của quốc gia này.
Tư tưởng Đại Hán, Thiên tử – con Giời
Không giống như phần còn lại của thế giới, Trung Quốc chưa bao giờ sẵn sàng chấp nhận sự bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ. Văn hóa Trung Quốc hàng ngàn năm tự xem nước này là trung tâm của thiên hạ, trọng tâm của thế giới với “trách nhiệm đạo đức” cai trị tất cả thiên hạ bằng bộ máy họ cho là có “văn hóa cao cấp và tinh tế”.
Triết lý chính trị này được minh hoạ một cách toàn diện trong tuyên ngôn của một nhà văn – Đại tá quân đội Trung Quốc phát biểu năm 2010: “Giấc mộng Trung Hoa”.
Lưu Minh Phúc, một Đại tá quân đội Trung Quốc viết trong cuốn sách 300 trang bán rất chạy ở nước này: “Chưa bao giờ có một quốc gia trỗi dậy hòa bình như vậy trên thế giới. Trung Quốc sở hữu một gen văn hóa cao cấp cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu”.
Không biết do vô tình hay hữu ý, tư tưởng chính trị tổng thể của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình cũng được gọi là “giấc mộng Trung Hoa”, trùng lặp với thông điệp trong cuốn sách của Lưu Minh Phúc.
Trong thực tế, kể từ khi xảy ra Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840, Trung Quốc có một cảm giác không thể lay chuyển, họ là nạn nhân của sự sỉ nhục. Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trung Quốc ra sức tuyên truyền về “thế kỷ bị sỉ nhục” dưới bàn tay của đế quốc phương Tây.
Trung Quốc tuyên truyền sự oán giận ghê gớm vì “thiên triều” đã bị bắt nạt bởi các nước nhỏ, “kém Trung Quốc về mặt đạo đức hoặc không có một nền tảng văn hóa tinh tế, trí tuệ rực rỡ” như Trung Hoa.
Trên Biển Đông, hành vi hung hăng của Trung Quốc và yêu sách hàng hải bành trướng có thể được sử dụng để “đun sôi” bức xúc cho dư luận nước này với lập luận rằng, Trung Quốc là một nước lớn, là trung tâm thiên hạ lại không được các nước nhỏ quanh Biển Đông tôn trọng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Không khó để tìm ra phát biểu của các quan chức cấp cao Trung Quốc thể hiện tư tưởng Đại Hán và “nước nhỏ không nên chống lại nước lớn.”
Lưu Hoa Thanh, cựu Tư lệnh Hải quân Trung Quốc (người chỉ huy xâm lược Hoàng Sa năm 1974 – PV) trong những năm 1990 nhiều lần nói với các đối tác Hoa Kỳ, vấn đề là không phải Trung Quốc – một nước lớn bắt nạt các nước nhỏ, mà ngược lại là các nước nhỏ đang bắt nạt nước lớn Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần chứng minh sự hiếu chiến với những kêu gọi, đe dọa “trừng phạt” các nước láng giềng, hay “dạy cho các nước nhỏ một bài học” để buộc các nước này “quy thuận” Trung Hoa.
Ông Dương Khiết Trì từng tuyên bố, Trung Quốc là nước lớn, các nước trong khu vực là nước nhỏ, đó là sự thật. Ảnh: Defense.pk. |
Điển hình là phát biểu của ông Dương Khiết Trì trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc tại Singapore năm 2010: “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế”.
Kế nhiệm ông, Ngoại trưởng Vương Nghị tháng 3/2014 phát biểu, Trung Quốc đang là “nạn nhân của các nước nhỏ” trong khu vực Biển Đông?! “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi vô lý của các nước nhỏ”, ông Nghị nói.
Từ tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã phê duyệt chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc là “ngoại giao nước lớn”.
Bắc Kinh xây dựng đế chế bằng “thuyết phục và cưỡng chế”
Liên quan chặt chẽ đến tư tưởng Đại Hán chính là cách tiếp cận, chinh phục các nước bằng “thuyết phục đạo đức, thừa nhận uy quyền tối cao của Trung Quốc, một phần của nền văn hóa “Thiên tử – chư hầu”.
Theo tư tưởng này, Trung Quốc sẽ sử dụng đến sức mạnh lỗ mãng nếu các nước nhỏ không chấp nhận vai trò Thiên tử – con Giời của Trung Quốc, từ chối khấu đầu trước Trung Quốc, (nước tự vỗ ngực cho rằng mình) hào hùng và nhân từ!
Nếu các nước nhỏ chống lại tư tưởng này của Trung Quốc cũng như vai trò bá chủ của họ, Trung Quốc sẽ cảm thấy họ bị “bắt nạt”. Do đó Trung Quốc luôn có xu hướng suy nghĩ họ là nạn nhân của việc không được các nước nhỏ tôn trọng, bởi vậy các nước này đáng bị trừng phạt.
Đó là lý do Trung Quốc sử dụng vũ lực để khuất phục láng giềng mà họ cho rằng đã không tôn trọng Trung Quốc.
Bởi vậy, trên quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm, các hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo, xây đường băng quân sự, kéo tên lửa, máy bay, tàu chiến ra khu vực (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp là hoạt động phòng thủ, nhằm tái lập trật tự khu vực và thế giới với vai trò Trung Quốc là trung tâm.
Tuy nhiên chủ nghĩa (tự coi mình là) Thiên tử – con Giời không chỉ dừng lại ở khái niệm, phương pháp tiếp cận vấn đề và tâm lý lạc hậu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà nó còn được thể hiện thông qua ý thức mạnh mẽ của chủ nghĩa hiện thực chiến lược.
Chính chủ nghĩa (tự coi mình là) Thiên tử – con Giời này đã thúc đẩy Trung Quốc cố tình kích thích sự phiêu lưu quân sự của mình và theo đuổi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” như một con bài mặc cả trước các phiên đàm phán.
Mô hình này có thể thấy rõ trong các hành vi quân sự của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam và dễ thấy nhất là cục diện khủng hoảng, rắc rối trên Biển Đông hiện nay.
Những gì Trung Quốc đang làm – leo thang quân sự hóa Biển Đông liên tục là để gây áp lực lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOSS) trên Biển Đông. Nhiều khả năng PCA ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc là nạn nhân của chính họ
Trung Quốc là nạn nhân của “truyền thuyết chiến lược” do chính họ tạo ra. Cốt lõi của tư duy chiến lược Trung Quốc hiện nay được nảy sinh trong thời kỳ Chiến Quốc hơn 2000 năm trước. Đó là thời kỳ nhiều chiến lược gia xuất sắc xuất hiện với nhiều tác phẩm bàn về chiến tranh và chiến lược.
Ông Tập Cận Bình đang ra sức thúc đẩy thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, ảnh: Business Insider. |
Kể từ đó, Trung Quốc ngày nay đã có chút đổi mới trong tư duy chiến lược quân sự và có thể coi là vượt trội hơn các luận thuyết quân sự, chiến lược phong phú thời Chiến Quốc.
Thời kỳ Chiến Quốc được biết đến với hàng loạt các cuộc chiến tranh liên miên không dứt giữa các nước nhỏ trong lòng Trung Quốc ngày nay để tranh đoạt uy quyền tối cao – Thiên tử, Chí tôn.
Đó là những cuộc tỉ thí, so tài của kẻ tám lạng, người nửa cân và không nước nào có thể đánh bại kể thù một cách dễ dàng. Từ đó họ hình thành nên các liên minh chính trị – quân sự để áp đảo đối thủ chính của mình.
Nhưng sau khi đánh bại được kẻ thù chung, các nước đồng minh cũ lại nhanh chóng quay ra cắn xé nhau và hình thành các liên minh mới.
Mô hình này dựa trên sự lừa dối và chủ nghĩa cơ hội, nhưng ở Trung Quốc lại hoàn toàn dược chấp nhận và người ta xem đó là điều bình thường, bởi binh bất yếm trá – việc quân sự thì không ngại dối trá. Tất cả chỉ là những cuộc đấu tranh giành quyền lực để tìm kiếm vị trí tối cao – Thiên tử, Chí tôn…
Không có nguyên tắc nào để có thể bị vi phạm, bởi nguyên tắc chỉ là một trong những cách khác nhau để đạt được mục tiêu ích kỷ của riêng mình.
Tuy nhiên, những liên minh chính trị – quân sự xây dựng trong thời Chiến Quốc lại để dấu ấn không thể phai nhòa trong văn hóa chiến lược Trung Quốc ngày nay, trong đó coi trọng các thủ đoạn ngắn hạn và lừa dối, không dựa trên chiến lược tin cậy và tình bạn lâu dài.
Bởi vậy có thể thấy sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc với hầu hết các nước láng giềng, đặc biệt là một số thành viên ASEAN mà Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông. Dù Trung Quốc có làm gì, nó cũng không thể hiện sự nhất quán và đáng tin cậy, tính toán của Bắc Kinh rất thất thường, vô lý và ngang ngược.
Ví dụ điển hình như trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN, trong khi Trung Quốc chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử trong ASEAN như điều bắt buộc với tất cả các nước thành viên, nhưng mặt khác Bắc Kinh lại bác bỏ bất kỳ tuyên bố tập thể nào của ASEAN liên quan đến Biển Đông. Ở đây có thể thấy văn hóa chiến lược của Trung Quốc được thể hiện một cách đầy đủ.
Một ví dụ khác nữa, Trung Quốc là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nhưng lại phủ nhận hoàn toàn các giải pháp trọng tài quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế được quy định cụ thể trong UNCLOS.
Là thành viên UNCLOS, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện của Philippines theo Phụ lục VII UNCLOS cũng như từ chối phán quyết của cơ quan tài phán được thành lập theo đúng quy định trong Phụ lục VII UNCLOS.
Làm như vậy, Trung Quốc chẳng thể tạo dựng được lòng tin và uy tín trong dư luận quốc tế. Một lần nữa, bóng ma văn hóa chiến lược Chiến Quốc đang ám ảnh và gây tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Trung Quốc.
Cuối cùng, Trung Quốc luôn lớn tiếng chống đối bất kỳ vai trò nào của Hoa Kỳ ở Biển Đông với lý do Mỹ là nước nằm ngoài khu vực, không có yêu sách và không phải bên liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh lý luận, châu Á là dành cho người châu Á. Nhưng thật trớ trêu, bản thân Trung Quốc lại đi tìm sự hỗ trợ và can thiệp của Nga vào Biển Đông.
Tóm lại Trung Quốc bất chấp thiện chí quốc tế và luật pháp quốc tế, chấp nhận để mất vai trò, uy tín và ảnh hưởng của mình chỉ để thỏa mãn tâm lý nước lớn – Thiên tử, đó là di chứng của “hội chứng Chiến Quốc” đã ăn sâu bám rễ vào tư duy chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay.