Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngTrung Quốc đáp lời thân thiện Philippines: Bài toán lợi ích

Trung Quốc đáp lời thân thiện Philippines: Bài toán lợi ích

Ngay khi Tổng thống tân cử Philippines, Rodrigo Duterte có ý định muốn quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Bắc Kinh ngay lập tức bắt sóng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Trong cuộc họp báo ngày 16/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, phát triển quan hệ song phương ổn định và lành mạnh là phù hợp với lợi ích chung của cả hai nước, Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Philippines.

“Trung Quốc mong muốn cùng Chính phủ mới của Philippines xử lý thỏa đáng bất đồng tồn tại trong quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo phát triển ổn định và lành mạnh. Hy vọng Chính phủ mới của Philippines cũng có mong muốn và thái độ tương tự, nỗ lực cùng Trung Quốc vì mục tiêu nói trên”, ông Hồng Lỗi nói.

Tuyên bố trên được phía Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte hôm 15/5 phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên khi đắc cử rằng sẽ sớm có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Manila.

“Mối quan hệ chưa bao giờ trở nên nguội lạnh như bây giờ, nhưng tôi sẽ thân thiện với tất cả mọi người”, ông Rodrigo Duterte nói.

Không như người tiền nhiệm, ông Duterte  cho rằng: “Nếu con thuyền thương lượng không có gió để đẩy nó đi, tôi sẽ quyết định đối thoại trực tiếp với Trung Quốc”.

Vị Tổng thống tân cử trong cuộc bầu cử hồi tuần trước, từng tuyên bố trong thời gian vận động tranh cử “sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề chủ quyền”. Tuy nhiên sau khi đắc cử, ông lại nói sẵn sàng nhượng bộ Bắc Kinh để cùng khai thác vùng biển mà 2 bên tranh chấp, theo The Standard. 

Được biết, ông Duterte sẽ gặp gỡ 3 đại sứ của 3 nước gồm Trung Quốc, Nhật và một nước nữa nhưng không được tiết lộ. Ông cũng nói chắc chắn không có đại sứ của Mỹ tham gia cuộc họp này.

Việc Philippines đánh tiếng hòa hảo với Trung Quốc và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng là bởi Bắc Kinh không lẽ gì lại bỏ qua một cửa thoát quan trọng trong vụ kiện tại The Hague.

Philippines cùng Nhật Bản và Mỹ phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như việc chiếm bãi cạn Scarborough, thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Philippines đã đệ đơn kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực. Kết quả cuối cùng của vụ kiện sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng, khả năng Philippines thắng kiện là rất cao.

Cửa thoát của Trung Quốc trong vụ việc này chỉ có khi Philippines sẵn sàng bỏ qua tuyên bố của Tòa Trọng tài dù nó ủng hộ quốc gia này. Nếu không, Tổng thống Duterte có thể chỉ coi phán quyết của tòa đơn thuần là ý kiến tham khảo.

Về vấn đề này, theo nhà phân tích quân sự Mỹ John Ford chia sẻ với Diplomat cho rằng, với đề nghị đàm phán song phương, ứng viên tổng thống Duterte đã rơi vào cái bẫy của Trung Quốc.

Bởi vì khi Philippines chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có được lợi thế rất lớn vì Manila thiếu cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm để bảo vệ hiệu quả tuyên bố chủ quyền của mình.

Nếu làm theo cách tiếp cận Tổng thống tân cử Duterte, Bắc Kinh sẽ chỉ phải chờ thêm hai năm cho tới khi Philippines tự phá vỡ mặt trận thống nhất giữa các nước Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền Biển Đông và tự rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc đã giăng sẵn.

Nếu Bắc Kinh củng cố được các tiền đồn quân sự ở đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Trung Quốc có thể dễ dàng triển khai sức mạnh chống lại Philippines và đảm bảo sự thống trị quân sự ở Biển Đông chống lại tất cả các đối thủ. Trung Quốc sẽ có thể tự tạo ra một thực tế mới, thay thế bất cứ điều gì trong luật pháp quốc tế.

Mà theo như những tuyên bố mới đây, điều Tân Tổng thống Philippines muốn chỉ là Trung Quốc chi tiền xây dựng một tuyến đường sắt chạy vòng quanh đảo Mindanao và một tuyến đường sắt khác giữa Manila và Bicol. Theo các chuyên gia, bất kể giá trị đầu tư mở rộng các tuyến đường sắt ở Philippines là bao nhiêu, cái giá của nó làm sao sánh bằng cái giá của việc Manila nhượng bộ Bắc Kinh, đặt chính nước này vào thế bị động.

RELATED ARTICLES

Tin mới