Từ chối trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, châu Âu đang giữ lại một vũ khí để buộc Trung Quốc phải cải cách.
Nghị viện châu Âu từ chối trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc khi bình luận về động thái của Nghị viện châu Âu (EP) – thông qua nghị quyết bác bỏ việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc.
Điều Trung Quốc còn thiếu
Theo nghị quyết này, năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang gây ra “những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, tình hình kinh tế xã hội” cho các nước EU.
PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng động thái của Nghị viện châu Âu xuất phát từ hai lý do:
Thứ nhất, cho đến nay cả EU và Mỹ chưa công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường bởi họ cho rằng Trung Quốc vẫn là nền kinh tế nhà nước được hỗ trợ quá nhiều dù đường lối của Trung Quốc đã nêu rõ rằng để thị trường đóng vai trò quyết định mọi nguồn lực kinh tế. Sự can thiệp vào mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực của nền kinh tế từ phía nhà nước Trung Quốc dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp nội địa Trung Quốc với các doanh nghiệp quốc tế. Đây là lý do chủ yếu khiến châu Âu từ chối trao cho Trung Quốc quy chế nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, có một khía cạnh tế nhị khác mà các nước không nói ra, đó là vấn đề chính trị. Theo các nước phương Tây, điều Trung Quốc đang thiếu chính là sự dân chủ.
“Đặc trưng của kinh tế thị trường là cạnh tranh công bằng và thị trường sẽ quyết định tất cả các nguồn lực đầu tư, giá cả, vấn đề xuất nhập khẩu, thuế… và không vi phạm luật bảo vệ sản phẩm trí tuệ. Tuy nhiên, theo các quốc gia phương Tây, Trung Quốc sao chép rất nhiều, để Nhà nước can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế mà không để thị trường quyết định gây tổn thương đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp các nước. Trong đường lối Đại hội 8, nghị quyết TƯ 3 của Trung Quốc năm 2013 có sự đổi mới, đó là để thị trường quyết định. Ở bất kỳ quốc gia nào chính quyền cũng có trách nhiệm quản lý kinh tế nhưng quản lý và can thiệp đến mức nào là vấn đề tế nhị”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý chỉ rõ.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, dù nhà nước Trung Quốc còn can thiệp rất nhiều vào thị trường nhưng chính quyền nước này không thừa nhận điều đó. Chẳng hạn, vấn đề bơm tiền vào để kích thích kinh tế phát triển không phải chỉ Trung Quốc mà Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn làm nhưng bơm thế nào, bơm cho ai… lại là vấn đề khác.
Hay câu chuyện với thị trường chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán lên xuống là chuyện của thị trường nhưng chính phủ Trung Quốc lại cấm cổ đông lớn bán chứng khoán ra thị trường mà không có lý do thương mại nào cả, đơn giản chỉ là không có giao dịch nữa. Chính phủ Trung Quốc còn chỉ đạo và bơm vốn cho một số đơn vị mua vào cổ phiếu, gây hỗn loạn thị trường. Rõ ràng, Trung Quốc đã cho thấy sự can thiệp mạnh mẽ mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước vào nền kinh tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, việc Nghị viện châu Âu bác bỏ việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc khiến Bắc Kinh bị hạn chế một số quyền lợi trong giao thương, đầu tư, thương mại… Tuy nhiên, với động thái này, châu Âu đã giữ lại được một thứ vũ khí để có thể gây sức ép, buộc Trung Quốc phải cải cách, tạo ra một sân chơi công bằng cho các nước.
“Đây chính là yếu tố chính trị trong quyết định của các nước châu Âu. Các nước tự do, dân chủ phương Tây không thích vai trò của nhà nước trong điều phối kinh tế ở Trung Quốc, kể cả Việt Nam, Nga. Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch, tập trung sang nền kinh tế thị trường nhưng với các nước phương Tây, quá trình chuyển đổi đó chưa đủ đến mức để thừa nhận đó là nền kinh tế thị trường.
Như vậy, ở đây có hai mặt: Các nước phơơng Tây muốn về kinh tế, Trung Quốc phải bảo đảm cạnh tranh công bằng. Về chính trị, các nước muốn Trung Quốc phát triển dân chủ hóa ra thế giới và dân chủ hóa trước hết ở lĩnh vực kinh tế, tức nhà nước không được can thiệp trực tiếp, quá sâu vào kinh tế”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc chỉ rõ.
Hàng Trung Quốc vẫn thâm nhập sâu rộng
Một thực tế là, dù Trung Quốc chưa được Nghị viện châu Âu công nhận là kinh tế thị trường nhưng hàng hóa Trung Quốc vẫn thâm nhập sâu rộng vào các nước châu Âu.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, đây là hai câu chuyện khác nhau. Trung Quốc gia nhập WTO từ năm 2001 nhưng như thế không có nghĩa WTO thừa nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Vấn đề ở chỗ, không phải vì Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế thị trường thì không được xuất nhập khẩu hàng hóa vào các quốc gia châu Âu.
“Xuất nhập khẩu là một quan hệ bình thường nhưng trong quan hệ đó vai trò của Nhà nước như thế nào là chuyện khác.
Đối với việc trao quy chế kinh tế thị trường Trung Quốc, Mỹ là nước có phản ứng mạnh mẽ hơn cả châu Âu. Nhiều quốc gia châu Âu cho rằng Trung Quốc bán hàng giá rẻ ra thế giới là có lợi cho các quốc gia, người dân châu Âu có thể bỏ tiền ra ít hơn mà mua được sản phẩm rẻ hơn và đảm bảo chất lượng. Nhưng với Mỹ, hàng hóa Trung Quốc gây ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với nền sản xuất của nước này, đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.
Về phía Trung Quốc, trước nay họ vẫn hy vọng sẽ được châu Âu trao quy chế kinh tế thị trường vì họ có quan hệ rất tốt với Đức, Pháp và gần đây là Anh. Nhưng quan hệ trực tiếp tốt và giao lưu thương mại phát triển không có nghĩa Trung Quốc sẽ được thừa nhận là nền kinh tế thị trường vì trong quan hệ thương mại phải giải quyết từng mục một (thuế thế nào, xuất nhập khẩu hàng hóa nào, giá cả bao nhiêu…). Công nhận một quốc gia là nền kinh tế thị trường là sự đánh giá tổng hợp về nền kinh tế, bản chất nền kinh tế đó như thế nào”, ông Quý phân tích.
Bởi thế, ông khẳng định, dù Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế thị trường nhưng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu làm châu Âu được lợi thì họ vẫn nhập nhiều.
Vị chuyên gia về kinh tế Trung Quốc cũng bày tỏ niềm tin rằng, sớm muộn châu Âu cũng sẽ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc vì Trung Quốc đang tiến hành cải cách nền kinh tế nước này theo hướng thị trường. Dĩ nhiên, Trung Qucc sẽ làm dần dần để bảo vệ nền kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịhh vụ còn yếu kém của mình.
Trong khi đó, đối với Việt Nam, theo ông Quý, dù chúng ta đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do song hàng Việt vẫn khó thâm nhập vào thị trường các nước, thậm chí còn bị thua ngay trên sân nhà.
“Vấn đề không phải Việt Nam thị trường hay không thị trường, sự can thiệp của Nhà nước mạnh hơn hay thế nào mà là chất lượng hàng hóa, kỹ thuật thương mại, giao tiếp của Việt Nam so với Trung Quốc còn rất yếu. Hàng hóa thâm nhập được vào thị trường hay không vào phụ thuộc nhiều yếu tố: phải có lợi cho người nhập khẩu, chất lượng, giá cả… thế nào. Giá cả hàng Việt Nam đắt hơn, mẫu mã, chất lượng kém hơn nên sức cạnh tranh không bằng hàng Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý chỉ rõ.