Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLàm gì trước âm mưu thống trị trên biển của TQ?

Làm gì trước âm mưu thống trị trên biển của TQ?

National Interest vừa có bài viết nêu rõ, Washington nên hành động ngay bây giờ để tránh phải triển khai lực lượng trong tương lai.

Bắc Kinh đang bận rộn. Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các tên lửa đất đối không (SAM) tiên tiến tới một hòn đảo đang tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Các bệ phóng tên lửa và một hệ thống radar đã được lắp đặt trên đảo Woody (Phú Lâm) ở quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1974 và hiện vẫn là một nguồn bất đồng giữa hai nước. Để nhấn mạnh cam kết nắm giữ các hòn đảo này, Trung Quốc đã đánh chìm 3 tàu Việt Nam gần các hòn đảo vào năm 1988.

Quần đảo Hoàng Sa nằm tách khỏi một nhóm đảo khác, quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã tiến hành xây dựng một số hòn đảo nhân tạo. Nhưng cả việc triển khai tên lửa lẫn xây dựng đảo đều là một phần trong một nỗ lực hợp nhất và lớn hơn của Trung Quốc để thiết lập sự thống trị trên biển Nam Trung Hoa.

Đặc biệt, Bắc Kinh tìm cách thiết lập quyền sở hữu đối với các khu vực đất đai được bao quanh bởi cái gọi là “đường 9 đoạn”, xuất hiện trên các bản đồ được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc vẽ ra vào năm 1940. Các cấu trúc địa hình nằm trong khu vực này bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi Macclesfield và Đá Mischief (Đá Vành Khăn). Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc trên, trong khi Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều phản đối các tuyên bố này (Đài Loan, với tư cách là Cộng hòa Trung Hoa, cũng đưa ra các tuyên bố chủ quyền tương đồng với của Bắc Kinh).

Điểm khác biệt giữa Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác là thái độ ngày càng quyết đoán của nước này, đi kèm với các tuyên bố ngày càng bành trướng. Trung Quốc thường xuyên lập luận rằng, các nước khác cũng tiến hành cải tạo đất. Nhưng như Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý, các nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc vượt xa nỗ lực của tất cả các nước khác cộng lại: “Kể từ khi các nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 12-2013, Trung Quốc đã cải tạo hơn 2.900 mẫu Anh đất”. So sánh với 80 mẫu Anh của Việt Nam, 70 mẫu Anh của Malaysia, 14 mẫu Anh của Philippines và 8 mẫu Anh của Đài Loan, “trong vòng 20 tháng, Trung Quốc đã cải tạo diện tích đất nhiều gấp 17 lần so với của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác cộng lại trong hơn 40 năm, chiếm khoảng 95% tổng diện tích đất được cải tạo”.

Ngoài ra, trên ít nhất 3 trong số các hòn đảo này, Trung Quốc đang xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng khác nhau, bao gồm các đường băng dài cả dặm. Các đường băng kiểu này là đặc trưng cho các đường băng liên quan tới máy bay Concorde và Boeing 747-400ER (có khả năng thực hiện các chuyến bay thẳng qua Thái Bình Dương) và về căn bản dài hơn các đường băng cho máy bay chiến đấu Su-27.

Sự mở rộng đều đặn cơ sở hạ tầng cho sân bay này (mà sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai phía trước máy bay chiến đấu tiên tiến, chẳng hạn như phi đội máy bay J-11/Su-27 của Trung Quốc) được bổ sung bởi quyết định rõ ràng là triển khai các tên lửa tiên tiến tới quần đảo Hoàng Sa và nhiều khả năng quần đảo Trường Sa trong tương lai. Trung Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa HQ-9, phiên bản Trung Quốc của hệ thống tên lửa S-300/SA-10 SAM tiên tiến của Nga. HQ-9 là một hệ thống rất tiên tiến và có năng lực – tương đương với hệ thống Patriot SAM của Mỹ. Việc triển khai hệ thống này tạo ra một khu vực nguy hiểm rộng 125 dặm quanh quần đảo Hoàng Sa và đánh dấu một sự gia tăng đáng kể trong quy mô và năng lực của các lực lượng Trung Quốc đóng tại khu vực.

Hiện thân của toàn bộ chính phủ 

Trung Quốc không chỉ dựa vào lực lượng quân đội để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của mình. Bắc Kinh sở hữu đội tàu bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới và đang bổ sung các tàu 10.000 tấn (tương đương với nhiều tàu tuần dương thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai) vào đội tàu này. Tại các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc dựa vào các tàu bảo vệ bờ biển, cũng như các tàu đánh cá “dân sự”, để quấy rối hoặc thậm chí gây hư hại cho tàu của các bên tuyên bố chủ quyền khác. Luôn thận trọng giữ lợi thế trong việc thao túng công luận, Trung Quốc có thể khẳng định, một cách chính xác, rằng họ không quân sự hóa tranh chấp, vì đây là các tàu thực thi pháp luật dân sự “thân trắng”.

Việc sử dụng các tàu thực thi pháp luật cũng gửi một thông điệp chính trị tinh tế rằng, các lãnh thổ và vùng biển này quả thực là lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc; vì vậy chúng được tuần tra bởi lực lượng thực thi pháp luật dân sự chứ không phải lực lượng quân sự. Việc này được củng cố bởi các cơ chế hành chính. Khu vực rộng lớn trên biển Nam Trung Hoa được bao quanh bởi “đường 9 đoạn” (mới đây được sửa lại thành đường 10 đoạn) không chỉ bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn cả bãi Macclesfield và Đá Vành Khăn, cũng như nhóm đảo Pratas (hiện do Đài Loan kiểm soát). Để quản lý các khu vực tranh chấp này, năm 2012 Trung Quốc đã nâng cấp thành phố Tam Sa trên đảo Woody lên thành phố cấp địa khu và trao cho nó quyền quản lý tất cả các đảo này.

Năm 2014, Trung Quốc đưa ra một công cụ khác. Nước này đã triển khai giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981 tới vùng biển tranh chấp gần Việt Nam và tiến hành hoạt động khoan thăm dò tại đó. Cũng quan trọng không kém, Vương Nghi Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương – 981, miêu tả giàn khoan này như là “lãnh thổ quốc gia di động”, một sự bóp méo mới về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Ít chủ sở hữu tập đoàn tư nhân nào sẽ sẵn sàng mạo hiểm đầu tư hàng tỉ USD như Hải Dương – 981 theo một cách thức như vậy.

Sự gia tăng đều đặn tính quyết đoán của Trung Quốc, được thực hiện bởi các tài sản dân sự mà được hỗ trợ bởi một bộ công cụ quân sự ngày càng có năng lực, rõ ràng nhằm mục tiêu thiết lập sự thống trị không có đối thủ đối với các vùng biển tranh chấp, cũng như các lãnh thổ địa hình. Các nguy cơ là rất cao. Các vùng biển này bao gồm một số tuyến đường vận tải tấp nập nhất trên thế giới, hằng năm chuyên chở lượng hàng hóa có giá trị khoảng 5.300 tỉ USD.

Đáng buồn thay, Mỹ đã không chú trọng đến vấn đề nhức nhối này. Mùa hè năm nay, các cuộc chất vấn khó khăn tiết lộ rằng, Mỹ chưa thực hiện một hoạt động tự do hàng hải (FONOP) quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc thuộc quần đảo Trường Sa trong 3 năm qua – ngay cả khi Mỹ mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Các hành động gần đây của Trung Quốc đã không vấp phải phản ứng trực tiếp nào từ Mỹ ngoài sự khiển trách của Ngoại trưởng John Kerry, người bày tỏ mong đợi có các cuộc thảo luận “rất nghiêm túc”. Washington dường như đang tập trung vào việc “xuống thang”, điều tưởng như là một thuật ngữ lịch sự cho sự nhượng bộ.

Ra tín hiệu với thế giới

Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hầu như họ không quan tâm đến việc xuống thang. Quả thực, việc triển khai các SAM tiên tiến hoàn toàn không giúp giảm căng thẳng và Bắc Kinh chắc chắn biết điều này. Việc triển khai nhiều khả năng nhằm mục đích gửi 3 thông điệp then chốt. Thông điệp rõ ràng nhất là dành cho Việt Nam: Bắc Kinh không có ý định trao trả các hòn đảo này. Với tư cách là chủ sở hữu trước đây của quần đảo Hoàng Sa (cùng với Đài Loan), Việt Nam từ lâu đã thể hiện rằng, sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo này.

Trong những năm qua, Việt Nam đã mua hơn 30 máy bay chiến đấu SU-30MKK (tương đương với máy bay chiến đấu SU-30 và một số phiên bản của máy bay J-11 trong lực lượng không quân Trung Quốc), một số tàu hộ tống tên lửa lớp Molniya (mỗi tàu được trang bị 16 tên lửa chống tàu KH-35 tương đương với tên lửa Harpoon của Mỹ) và 6 tàu ngầm lớp Kilo. Việc Trung Quốc gia tăng năng lực của mình tại quần đảo Hoàng Sa rõ ràng nhằm mục tiêu ngăn chặn hành động của Việt Nam.

Thông điệp thứ hai là một tín hiệu gửi tới Washington: Những ngày tháng Mỹ tự do tiếp cận khu vực đang ngắn lại. 1 hoặc 2 khẩu đội tên lửa SAM tiên tiến tại quần đảo Hoàng Sa sẽ không làm thay đổi môi trường chiến lược. Nhưng điều này có thể thay đổi một khi các đường băng tại quần đảo Trường Sa được hoàn thành và nó sẽ thay đổi hơn nữa nếu các cơ sở mới được xây dựng trên Đá Vành Khăn và bãi Macclesfield.

Nếu Trung Quốc tạo ra một mạng lưới phòng không hợp nhất – kết hợp nhiều khẩu đội tên lửa SAM tiên tiến (có thể bao gồm cả hệ thống S-400 mới mua từ Nga) với mức độ bao phủ chồng lấn, máy bay chiến đấu tiên tiến ở nhiều căn cứ không quân nằm rải rác trên khắp khu vực và các hệ thống phòng không trên tàu, chẳng hạn như các hệ thống trên tàu khu trục Mẫu 052D mới của họ, tất cả được liên kết với nhau bằng máy bay cảnh báo sớm trên không và radar đặt trên mặt đất – việc chống lại mạng lưới này sẽ trở thành một nhiệm vụ rất phức tạp. Đây sẽ không còn là vấn đề một vài cuộc tấn công xác định chính xác, mà đúng hơn sẽ liên quan tới một cuộc xung đột toàn diện. Các nỗ lực của Mỹ để khẳng định tự do hàng hải trong khi hoạt động bên trong một môi trường phòng không (và nhiều khả năng chống tàu) như vậy rõ ràng sẽ diễn ra trái với mong muốn của Trung Quốc.

Cuối cùng, sau chiến thắng của đảng Dân tiến (DPP) tại Đài Loan và phán quyết sắp được đưa ra của tòa trọng tài vào cuối mùa hè năm nay, động thái của Bắc Kinh cũng nhằm ra tín hiệu về các ý đồ của Trung Quốc trong tương lai gần. Do “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bắt nguồn từ các tài liệu và chính sách của chính quyền Trung Hoa Dân quốc, về lý thuyết, Đài Loan, vốn duy trì vị thế là Cộng hòa Trung Hoa, có thể làm suy yếu lập trường của Trung Quốc bằng cách xác định lại ý nghĩa của “đường 9 đoạn”. Hơn nữa, nhiều nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc sẽ thua trong vụ kiện phân xử giữa nước này và Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa trên các đảo cho thấy rằng, Bắc Kinh có ý đồ quyết giữ các hòn đảo này dưới sự kiểm soát của mình, cho dù Đài Loan và La Haye có thể nói gì.

RELATED ARTICLES

Tin mới