Người bán cà phê chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị khởi tố hình sự, còn một cán bộ cấp cao của Sở Văn hóa Thanh Hóa để ngoài sổ sách nửa tỷ chỉ bị… phê bình.
Kết luận đã chỉ rõ nhiều sai phạm của ông Phạm Văn Tuấn.
Dư luận đang nóng lên vụ việc, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin chào (huyện Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh) khi chậm đăng ký kinh doanh chỉ sau 5 ngày, chưa gây ngộ độc cho ai, cũng không vi phạm gì khác, bị công an phạt hành chính 17 triệu đồng. Tiếp theo, 35 ngày sau khi đã có giấy phép, ông Tấn lại bị công an kiểm tra và khởi tố hình sự.
Trong khi đó, Trưởng ban Quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hóa để ngoài sổ sách kế toán nửa tỷ đồng, có dấu hiệu “bôi trơn” số tiền 130 triệu đồng… nhưng mới chỉ xem xét xử phạt hành chính, phê bình và được tái bổ nhiệm chức Trưởng ban.
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, ngày 30/10/2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 2689/KL-SVHTTDL về những nội dung tố cáo sai phạm đối với ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Thanh Hóa trong quá trình làm việc, chỉ đạo, điều hành cơ quan.
Về nội dung tố cáo ông Tuấn lợi dụng kẽ hở di tích Quốc gia đặc biệt khi lập dự toán hồ sơ di tích Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nhằm rút ruột ngân sách Nhà nước:
Kết quả xác minh của Sở Văn hóa cho thấy, ông Tuấn với tư cách là Trưởng ban ký kết hợp đồng, là người ký văn bản (không qua bộ phận tham mưu) đã đề nghị bên A (UBND huyện Hậu Lộc) chuyển số tiền 500 triệu đồng cho Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Hàm Rồng, không theo dõi trên sổ sách kế toán của đơn vị, để ngoài sổ sách kế toán cơ quan là vi phạm quy định của Luật Ngân sách; Khoản 3, Điều 14 Luật Kế toán, Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 của Bộ Tài chính. Vì để ngoài sổ sách kế toán cơ quan nên không biết số tiền nửa tỷ đồng này ông Tuấn đã “xài” vào những việc gì.
Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. |
Về nội dung tố cáo việc ông Tuấn “lại quả” số tiền 130 triệu đồng cho Ban quản lý Đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
Nội dung này do Sở Văn hóa không đủ nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nên đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an, xác minh làm rõ nội dung tố cáo ông Phạm Văn Tuấn “lại quả” 130 triệu đồng cho Ban Quản lý đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn.
Ông Tuấn còn là người chỉ đạo lập hồ sơ đền Lê Nhân Tế ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) từ đất vườn, mới xây 10 năm nhưng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Về việc này, Bộ Văn hóa đã có văn bản khẳng định ngôi đền này không đủ cơ sở để công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhùng nhằng chưa thu hồi, hủy bỏ quyết định trên.
Ngoài ra, ông Tuấn còn bị Sở Văn hóa thu hồi số tiền 14,5 triệu đồng vì chi sai quy định.
Với những sai phạm “tày đình” như trên nhưng điều ngạc nhiên là ông Tuấn lại chỉ bị Sở Văn hóa xem xét hình thức là… phê bình nghiêm khắc và tiếp tục được tái bổ nhiệm chức Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Thanh Hóa.
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết:
“Việc để ngoài sổ sách 500 triệu đồng của anh Tuấn mới chỉ là kết luận ban đầu, để ngoài sổ sách là đương nhiên rồi, là sai rồi, nhưng việc sử dụng số tiền đó như thế nào phải có kết luận cụ thể. Làm rõ số tiền này sử dụng như thế nào thì vẫn thuộc trách nhiệm của Sở Văn hóa.
Còn số tiền 130 triệu đồng “lại quả” liên quan đến đền thờ Lê Thị Hoa thì cũng phải làm, phải rất cẩn trọng.
Theo quy định, thì tới đây Sở Tài chính sẽ xử phạt hành chính trong việc đó. Chúng tôi đang đề nghị bên Thanh tra Sở Tài chính tham gia. Chúng tôi cũng đã đề nghị phía Công an vào cuộc, nhưng các anh vẫn chưa có ý kiến gì.
Nếu đền Lê Nhân Tế mà có quyết định cuối cùng của UBND tỉnh (tức hủy bỏ quyết định công nhận-PV) thì lúc đó mới xem xét trách nhiệm của ông Tuấn trong việc tham mưu cho Sở lập hồ sơ, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
Việc của anh Tuấn là nhiều việc, có những việc phải xử lý kéo dài, rất thận trọng. Cho nên những việc chưa xử lý được, đang tiếp tục làm rõ , ví dụ như: chỗ đền thờ Lê Thị Hoa, chỗ để ngoài sổ sách 500 triệu đồng, xây dựng hồ sơ xếp hạng đền thờ Lê Nhân Tế… những cái đấy phải chờ, khoanh vùng lại. Còn những cái đã kết luận thì vừa rồi mới xem xét xử lý nên hình thức xử lý chỉ là phê bình nghiêm khắc. Vì thế, anh Tuấn mới được bổ nhiệm lại Trưởng ban Quản lý di tích”.
Qua vụ việc này, dư luận mới đặt ra vấn đề khi xảy ra sai phạm, hình thức xử lý như thế nào đang phụ thuộc vào quan điểm của từng cá nhân, từng địa phương chứ không căn cứ vào quy định của pháp luật.