Wednesday, December 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung tâm An ninh mới Hoa Kỳ: Phán quyết của Tòa Trọng...

Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ: Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông sẽ tạo ra những tiền lệ mới

Ngày 14/4, Trung tâm An ninh mới (CNAS) ra Báo cáo “Đá, đá ngầm và pháp quy: Sau phán quyết về Biển Đông” (Reefs, rocks and the rule of law: After the arbitration in the South China Sea) trình bày các phân tích và dự báo của nhóm tác giả về phán quyết vụ kiện Trọng tài Philippines – Trung Quốc cũng như tình hình Biển Đông thời gian sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết.

Đường 9 đoạn là yêu sách phi lý của Trung Quốc – Ảnh: chụp từ báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ

Báo cáo tóm lược sơ bộ về tiến trình của vụ kiện, về các nội dung khởi kiện ra trước Tòa Trọng tài quốc tế tại The Hague, dự đoán về phán quyết của Tòa và tác động của phán quyết đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Báo cáo, những nội dung quan trọng nhất của vụ kiện là vấn đề giá trị của yêu sách theo Đường chín đoạn và quy chế pháp lý của một số thực thể mà Philippines yêu cầu Tòa làm rõ và các hoạt động của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Nhóm tác giả đánh giá vụ kiện này sẽ tạo nên “lịch sử” do đây là vụ kiện “đầy tính quyết liệt” và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong tiến trình phát triển của Luật Biển. Phán quyết được đưa ra một mặt không hứa hẹn rằng căng thẳng trên Biển Đông sẽ chấm dứt ngay nhưng mặt khác về lâu dài sẽ góp phần hạ nhiệt tranh chấp trong khu vực.

Phán quyết sẽ thúc đẩy Trung Quốc hành xử theo cách “phù hợp hơn” với luật quốc tế?

Giống như những dự báo khác của các tác giả khác từ trước đến nay, theo đánh giá của Báo cáo, phán quyết về cơ bản sẽ có nhiều điểm bất lợi cho Trung Quốc, nhiều điểm có lợi cho Philippines. Mặc dù vậy, các tác giả cho rằng sau khi phán quyết được đưa ra, bên cạnh việc làm rõ một cách tối đa các khía cạnh pháp lý trong các nội dung của đơn kiện và thu hẹp phạm vi của tranh chấp, Tòa sẽ tìm cách để có một phán quyết “hợp tình hợp lý” (legitimate).

Báo cáo cũng lưu ý rằng cần phải tiếp tục xem xét liệu sau khi phán quyết ra đời, Trung Quốc sẽ chỉ đơn thuần bác bỏ và không tuân thủ phán quyết, hay là sẽ có hành động thực tế để phản đối. Khó có khả năng Trung Quốc sẽ đơn thuần từ bỏ Đường chín đoạn, bởi những hành động ngày một quyết đoán của nước này trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông chưa bao giờ khiến người ta tin vào thứ gọi là “sự trỗi dậy hòa bình”. Dù Trung Quốc không chấp nhận phiên tòa song phán quyết vẫn sẽ có ý nghĩa ràng buộc với Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ có những phản ứng, tuyên bố pháp lý mang tính chất nghiêm trọng hơn, trong đó có việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Những động thái bất chấp pháp luật quốc tế như vậy chắc chắn sẽ bị các nước phản đối; và như thế có nghĩa là Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ uy tín bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhưng không vì vậy mà nước này sẽ xuống nước và chấm dứt những hành động quân sự hóa nhằm củng cố các yêu sách phi lý của mình. Hòa bình và ổn định khu vực cũng sẽ không được đảm bảo. Vì thế theo các tác giả, nếu Tòa tạo điều kiện cho Trung Quốc tự diễn giải thì nước này sẽ có xu hướng điều chỉnh cách diễn giải của họ sao cho phù hợp với các quy định của UNCLOS. Phán quyết của Tòa sẽ không làm Trung Quốc bị mất mặt.

Cụ thể, Tòa sẽ kết luận Đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS, tuy nhiên mức độ phán quyết như thế nào vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Thay vì chỉ trích Đường chín đoạn của Trung Quốc là “bất hợp pháp”, phán quyết của Tòa có thể sẽ bám sát vào các quy định của UNCLOS để yêu cầu Trung Quốc dần dần có những cách giải thích rõ ràng hơn, từ đó những yêu sách của nước này sẽ “tương thích hơn” với các quy định của UNCLOS. Có khả năng Tòa sẽ quyết định đường này là “hoàn toàn không phù hợp” hoặc nhẹ hơn “một số diễn giải về Đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS”. Các tác giả bày tỏ kỳ vọng với cách ra phán quyết như vậy, Tòa sẽ thay đổi được các tuyên bố của Trung Quốc về Đường chín đoạn, sẽ là yêu sách về “chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền trên biển” thay vì là yêu sách về “các quyền lịch sử”.

Tòa có thể không ra phán quyết về quy chế pháp lý của tất cả các cấu trúc trên Biển Đông nhưng nhiều khả năng sẽ ra phán quyết về các cấu trúc Subi, Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, Cỏ Mây là đá, hoặc đá ngầm. Nếu các chứng cứ của Philippines đủ mạnh, Tòa sẽ tuyên bố các cấu trúc này là đá ngầm, qua đó thu hẹp đáng kể quy mô tranh chấp. Đối với Ba Bình – cấu trúc lớn nhất ở Trường Sa, Tòa có thể sẽ tránh ra phán quyết đây là đảo hay đá, nhằm tránh phản ứng từ các bên khác bởi nếu Ba Bình không phải đảo thì sẽ không có cấu trúc nào ở Trường Sa có thể được xem là Đảo.

Báo cáo ghi nhận, một phán quyết thận trọng và khéo léo tránh trực tiếp tuyên bố vô hiệu Đường lưỡi bò và chủ quyền với các vùng biển quanh hầu hết các thực thể mà Trung Quốc yêu sách, nhiều khả năng sẽ đảm bảo được rằng về lâu về dài, nước này sẽ dần tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc sẽ trở thành điển hình cho việc sử dụng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp

Một phán quyết của Tòa Trọng tài có thể giải quyết được tranh chấp trên biển phức tạp như phán quyết lần này của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông sẽ khuyến khích một số nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia hay thậm chí là Nhật Bản sử dụng phương thức Tòa trọng tài quốc tế linh hoạt và mềm dẻo để tiến hành những vụ kiện tương tự với Trung Quốc. Các nước này đều đang có tranh chấp phức tạp và lâu đời với Trung Quốc trên các vùng biển mà khó có thể giải quyết triệt để nếu chỉ dùng các biện pháp đàm phán hay đối thoại song phương thiếu tính khả thi và tính hiệu quả.

Báo cáo cho rằng điều cần thiết đối với các quốc gia ngoài khu vực, nhất là Mỹ, đó là cần phải khuyến khích các nước khác sử dụng luật pháp quốc tế để đối phó với Trung Quốc và xem xét thông qua UNCLOS để tăng cơ sở pháp lý khi đề cập vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. Tuy Mỹ không phải là một bên tranh chấp nhưng quốc gia này đang có những bước đi mạnh mẽ hơn ở khu vực nhằm thách thức các tuyên bố và các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhìn nhận vai trò quan trọng của Mỹ, Báo cáo cho rằng nước này cần nhanh chóng có những chiến dịch ngoại giao công chúng, công khai ủng hộ phán quyết của Tòa, đồng thời tăng cường tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Ngoài ra sẽ không phải là nước nào khác ngoài Mỹ, khi Tòa tuyên bố những cấu trúc mà Trung Quốc xây dựng là đá ngầm, sẽ nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật bằng việc lên tiếng rằng Trung Quốc xây dựng ở các địa điểm đó là “bất hợp pháp”.

Báo cáo nhận định, phán quyết của Tòa sẽ làm rõ một số điểm quan trọng trong tranh chấp Biển Đông và làm giảm quy mô tranh chấp, song sẽ không giải quyết các câu hỏi liên quan đến chủ quyền của các nước. Phán quyết sẽ tạo ra những tiền lệ quốc tế mới, ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc. Về ngắn hạn, phán quyết có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, nhất là phản ứng từ Trung Quốc, tuy nhiên về lâu dài có thể giúp ngăn chặn những khủng hoảng lớn trong tương lai.

Dù chắc chắn là phán quyết không thể thay đổi ngay lập tức tình hình trên Biển Đông đang diễn biến ngày càng căng thẳng và phức tạp song phán quyết vẫn sẽ có những tác động tương đối lớn và tích cực đối với quá trình hình thành thực tiễn quốc tế về giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và đối với khu vực, ít nhiều các căng thẳng cũng sẽ được hạ nhiệt. Phán quyết đang được mong đợi trong hai tháng nữa sẽ thể hiện được giá trị của nó không chỉ ở phạm vi khu vực mà còn ở phạm vi toàn thế giới, đồng thời phản ánh những nỗ lực thật sự nghiêm túc nhằm tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia.

Dù gần đây liên tục đã có rất nhiều báo cáo, hội thảo trao đổi, bàn luận và đánh giá về các tác động của phán quyết này đối với tranh chấp Biển Đông ở nhiều nơi trên thế giới, báo cáo của CNAS đã chỉ ra ý nghĩa lớn nhất về mặt chính trị được mong đợi khi phán quyết được đưa ra: đó là tạo ra được một tiền lệ mới có giá trị, hợp lý hợp tình và hữu ích đối với các quốc gia. Điều này sẽ góp phần thu hẹp những tranh chấp đang nổi lên ở Biển Đông./.

RELATED ARTICLES

Tin mới