Châu Âu muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga nhưng Mỹ không muốn điều đó. Vậy nước nào sẽ là người chống lại Washington, mở nút thắt đó?
Mỹ sẽ ra sức ngăn cản châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga
Các nước châu Âu muốn nhưng không dám
Một nguồn tin ngoại giao từ Brussels ngày 18-5 cho biết, mặc dù hàng loạt quốc gia thuộc Liên minh châu Âu muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt để khai phá thị trường màu mỡ của Nga, nhưng EU “thiếu can đảm chính trị” để dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Moscow.
Giám đốc điều hành của Viện “Xuyên Đại Tây Dương” kiêm chuyên gia của Quỹ Marshall (Đức) Stefan Sabo cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến cho các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu thiệt hại gấp mười lần so với Hoa Kỳ.
Ví dụ, kim ngạch thương mại của EU với Nga giảm từ 326,5 tỷ € năm 2013 xuống đến 210 tỷ € vào năm 2015, trong khi thương mại của Mỹ với Nga chỉ giảm 38,2 tỷ xuống 23,6 tỷ USD trong cùng một khoảng thời gian. Điều này chứng tỏ EU đã thiệt hại rất nhiều.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới, một số quốc gia Liên minh châu Âu có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga, đồng thời gia tăng áp lực lên Ukraine, buộc chính quyền Kiev phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về việc thực thi Thỏa thuận Minsk.
Italia đã tuyên bố rằng, đến tháng 6, lệnh trừng phạt chống Nga sẽ không tự động gia hạn, vấn đề này sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh. Hàng loạt các quốc gia hàng đầu châu Âu như Italia, Pháp, Đức, Áo đã bày tỏ sự ủng hộ việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.
Ngày 18 tháng 5, nghị viện khu vực Venice của Italia sẽ xem xét nghị quyết phản đối các biện pháp trừng phạt chống Nga, đồng thời đề cập đến việc công nhận quyền tự quyết của Crimea. Một trong những lý do cho quyết định này là EU tổn thất rất lớn do các biện pháp trừng phạt.
Ông cho biết rằng, rất nhiều người lo ngại là khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, các nhà sản xuất châu Âu sẽ không tìm được chỗ đứng cho mình trên thị trường Nga vì đã bị người khác chiếm chỗ, trong khi đó, Moscow là mảnh đất màu mỡ chưa khai thác hết, có tiềm năng phát triển rất lớn.
Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao châu Âu nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu không đủ can đảm chống lại Mỹ để dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Moscow, trong bối cảnh Hoa Kỳ coi việc mở rộng lệnh trừng phạt gây áp lực lên Nga là điều “không phải bàn cãi”.
Nguồn tin cho biết, Mỹ khẳng định rằng cần tiếp tục gia hạn và tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Nga vì vấn đề Ukraine, cho đến khi các điều khoản trong thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ – RIA Novosti dẫn nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho biết.
Phong trào đòi bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga dâng cao ở Đức, Pháp
Vừa qua, hàng loạt quan chức, chính khách, chuyên gia phân tích và thậm chí là quốc hội các nước châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Chỉ cần 1 nước làm điều này thì có thể châu Âu sẽ hưởng ứng nhưng quan trọng nhất là nước nào dám chống lại ý định của Mỹ.
Ngày 28-4 vừa qua, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Có 98 đại biểu Hạ nghị viện Pháp tham gia bỏ phiếu với kết quả 55 phiếu thuận, trên nguyên tắc số phiếu đồng ý tối thiểu phải là 50.
Quốc hội Pháp đã nhất trí kêu gọi chính phủ bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga |
Với đa số phiếu thuận, các đại biểu Quốc hội Pháp hôm 28-4 đã thông qua nghị quyết, chấp nhận đề nghị của phe đối lập, kêu gọi chính phủ lên tiếng phản đối việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Liên bang Nga, sẽ được đưa ra bàn bạc trong tháng 6 tới.
Tuy nghị quyết chỉ mang tính khuyến nghị và không bắt buộc chính quyền phải có các hành động cụ thể nhưng ý nguyện của những đại biểu nhân dân là điều mà chính quyền Paris không thể xem nhẹ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương và các đảng phái đối lập của Đức cũng đang rầm rộ lên tiếng đòi bãi bỏ lệnh cấm vận Nga.
Ngày 11-5, Đảng đối lập lớn nhất của Đức mang tên “Sự thay thế dành cho nước Đức” đã gửi cho chính quyền vùng Baden-Württemberg bản kiến nghị về sự cần thiết phải loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Theo ý kiến của đảng đối lập Đức, các biện pháp hạn chế trong quan hệ với Liên bang Nga đã tác động tiêu cực đến chỉ số phát triển của Baden-Württemberg, là khu vực có nền kinh tế phát triển cao, hơn nữa lại có đến hơn 900 công ty đăng ký tại khu vực này có đại diện tại Nga.
Đảng này cho biết, chính sách đối ngoại của Berlin có thể khiến cho vùng này mất đi 42.000 chỗ làm. Trong toàn bộ các vùng của Đức thì Baden-Württemberg có chỉ số xuất khẩu cao nhất, với hơn 1/3 cư dân trong độ tuổi lao động của khu vực đang làm việc trong ngành xuất khẩu.
Ngay sau đó, người đứng đầu chính quyền vùng Saxony là ông Stanislaw Tillich cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ Đức mau chóng hủy bỏ lệnh trừng phạt kinh tế chống Moscow, bởi đối với Đức và EU, Nga là đối tác thương mại quan trọng nhất, nước này không thể để mất Nga trong triển vọng dài hạn
Ý kiến này cũng được sự ủng hộ của chính quyền khu liên bang North Rhine-Westphalia. Lãnh đạo của khu vực này Garrelt Duin khi bình luận trên truyền thông đã khẳng định sự cần thiết phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt, hoặc chí ít là giảm nhẹ dần từng bước.
Italia có thể là nước đầu tiên bỏ cấm vận Nga
Tuy phong trào đòi bãi bỏ trừng phạt Nga ở Đức và Pháp đang dâng cao nhưng chắc chắn là Mỹ sẽ không để 2 đầu tàu châu Âu này bãi bỏ lệnh trừng phạt. Ngược lại, Berlin và Paris do những vấn đề tế nhị trong quan hệ với Washington nên cũng sẽ không đi tiên phong trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moscow.
Do đó, châu Âu cần có một quốc gia khác làm người đầu tiên phá bỏ chính “hàng rào phong tỏa châu Âu” của Mỹ. Và đó có thể sẽ là Italia.
Nguyên nhân bởi Italia và Nga vẫn giữ quan hệ khá khăng khít, ông Putin cũng có quan hệ tốt với giới lãnh đạo Italia hiện nay và cả các cựu chính khách, cùng với các đảng phái đối lập ở nước này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là nghị viện Italia có xu hướng ủng hộ Nga một cách rõ rệt.
Bằng chứng là các nghị sĩ nước này đã tiến hành chuyến thăm Crimea vào hồi cuối năm 2015, sau phái đoàn đại biểu quốc hội Pháp vào tháng 7-2015.
Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga cần có 1 nước đi tiên phong chống lại ý định của Mỹ |
Mọi việc còn đi xa hơn nữa khi vào ngày 18-5-2016, nghị viện khu vực Venice của Italia sẽ bỏ phiếu về vấn đề công nhận Cộng hòa Crimea là thành phần của Liên bang Nga và ủng hộ việc “nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của EU chống Moscow”.
Các nhà lãnh đạo của nghị viện khu vực này cho biết, họ không muốn để Chính phủ Italy tiếp tục phạm sai lầm chiến lược. Mà biện pháp trừng phạt chống Nga chính là sai lầm, mà sai lầm trầm trọng hơn là việc không thừa nhận Crimea là một bộ phận của Nga.
Hiệ vẫn chưa có thông báo chính thức về kết quả bỏ phiếu từ Venice, trong trường hợp cuộc bỏ phiếu có kết quả tích cực, đây sẽ là khu vực đầu tiên của châu Âu công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, đó cũng chính là điểm khởi đầu cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moscow trên toàn lãnh thổ Italia.
Chỉ cần một nước châu Âu đi tiên phong dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga thì những nước khác sẽ dễ dàng “noi gương”. Và rất có thể Italia sẽ là nước đầu tiên nối lại quan hệ với Điện Kremlin, giống như Pháp đã bỏ trừng phạt Moscow sau “Cuộc chiến 5 ngày” giữa Nga với Gruzia.
Sắp tới, Mỹ sẽ bầu cử tổng thống và tiến trình chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo mới sẽ mất nhiều thời gian và công sức của Mỹ. Đây là cơ hội rất tốt cho Liên minh châu Âu, EU cần dỡ bỏ trừng phạt ngay từ bây giờ, chứ không chờ đợi cho đến khi có tổng thống Mỹ tiếp theo.