Đại diện cấp cao EU muốn gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga trong khi Mỹ cũng đang tìm mọi cách để e ép điện Kremlin.
EU muốn gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga
Ngày 19/5, trả lời phỏng vấn tờ báo Die Welt (Đức), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã bày tỏ mong muốn rằng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được gia hạn vào tháng 7 năm nay.
Trước câu hỏi về việc liệu các biện pháp trừng phạt vốn hết hạn vào tháng Bảy sẽ được gia hạn hay không, bà Federica Mogherini, nguyên là Ngoại trưởng Italy trả lời: “Tôi hy vọng là như vậy”.
Đại diện cấp cao của EU nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo nhà nước hoặc chính phủ liên minh châu Âu đã gắn việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Minsk. Và cho đến thời điểm này, những yêu cầu trên chưa đạt được.
Ngoài ra, bà Mogherini cũng khẳng định, chính sách của EU sẽ chưa thay đổi, mặc dù vào cuối năm nay có thể sẽ có một cuộc “đánh giá chính trị thực chất” về cách thức giải quyết vấn đề này.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga bắt đầu được áp dụng ngày 31/7/2014 và đã hai lần được gia hạn đến ngày 31/7 tới.
Các lệnh trừng phạt này đã khiến quan hệ giữa Moskva và phương Tây trở nên rất căng thẳng. Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng chịu nhiều tổn thất to lớn.
Nga đang bị bao vây tứ phía?
Tuyên bố của bà Federica Mogherini dường như diễn ra đồng thời với những thay đổi trong chính sách của Mỹ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine với Nga.
Giới phân tích cho rằng, Moskva đang bị đẩy vào thế khó với sự o ép, bao vây từ các phía trong khi những vấn đề quốc tế mà nước này theo đuổi vẫn đang rơi vào bế tắc, hỗn loạn.
Trước khi đại diện EU đưa ra tuyên bố mạnh mẽ với Nga, chính quyền Obama cũng đã thể hiện lập trường cứng rắn khi kêu gọi các bên cùng xem xét lại các biện pháp trừng phạt với Moskva.
Hôm 13/5, trong cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của 5 nước Bắc Âu gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland và Đan Mạch tại Washington, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ và các nước Bắc Âu đã nhất trí sẽ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời hỗ trợ Ukraine.
Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trước khoảng 1 tháng khi các quốc gia EU tiến hành nhóm họp về lệnh trừng phạt kinh tế với Nga vào cuối tháng 6 tới.
Trước đó, ngày 2/5, truyền thông Mỹ cho biết, các hạ nghị sĩ Eliot Engel (đảng Dân chủ) và Adam Kiesinger (đảng Cộng hòa) đã đề nghị Hạ viện Mỹ xem xét Văn bản về ổn định và dân chủ đối với Ukraine do họ soạn thảo.
Các tác giả dự luật đề xuất ràng buộc chặt chẽ quyền hạn của Tổng thống Mỹ về dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga với qui chế của Crimea.
Nga đang bị bao vây, o ép tứ phía |
Phát biểu về vấn đề này, nghị sĩ Adam Kinsinger nhấn mạnh: “Chúng ta lại một lần nữa đang chứng kiến hành vi ‘thiếu tôn trọng trật tự thế giới’ của Vladimir Putin, đặc biệt là trong trường hợp Ukraine. Đối với Hoa Kỳ, đã đến lúc chúng ta không chấp nhận sự xâm lăng của Nga”.
Không chỉ thế, phát biểu tại buổi triển lãm thương mại về công nghệ – công nghiệp lớn nhất thế giới ở thành phố Hanover (Đức) hôm 25/4, ông Obama còn tuyên bố phương Tây cần duy trì các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cho tới khi Moskva thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk.
“Tôi muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga và đã dành nhiều tâm sức vào mối quan hệ đó, song chúng ta cần duy trì các biện pháp trừng phạt chống Nga cho tới khi Moskva thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk”, ông Obama nhấn mạnh.
Ngoài việc Mỹ cũng như phương Tây đang tìm mọi cách để gia tăng thêm các biện pháp cấm vận, trừng phạt vào nền kinh tế, điện Kremlin còn đang phải đối diện với những khó khăn mới khi Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine có thêm những động thái gây hấn.
Hôm 15/5, Samil Tayyar, nghị sĩ thuộc đảng AKP cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, đăng lên Twitter cá nhân rằng ông muốn “có thêm máy bay Nga bị bắn hạ” sau khi nước này thua Nga trong trận chung kết bóng rổ tại giải đấu Euroleague.
“Nên có thêm một phi cơ Nga bị bắn hạ”, ông Samil Tayyar.
Dù sau đó nghị sĩ Đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng giải thích đây chỉ là trò đùa “để trút giận” nhưng những thông điệp phát đi vẫn khiến nhiều người dân Nga bức xúc.
Trong một diễn biến khác, hôm 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak đã cùng vạch kế hoạch hành động chung để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo kế hoạch, 2 nước này sẽ triển khai hợp tác về kỹ thuật quân sự, hậu cần, đào tạo nhân sự, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tăng cường phối hợp hành động tại Biển Đen. Những văn kiện hợp tác thực hiện thỏa thuận này sẽ được ký kết chính thức tại cuộc họp tiếp theo.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên kế hoạch cùng Gruzia và Azerbaijan tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Azerbaijan.
Rõ ràng, điện Kremlin đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mới khi bị các nước đồng loạt tiến hành các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn, Trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa có nhiều biến chuyển lớn, việc bị bao vây tứ phía càng khiến Moskva khó khăn hơn trong việc tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình với các nước.