Đoạn đường QL1 từ Bình Thuận đến Đồng Nai, nếu không sửa chữa hằn lún xong vào ngày 20/5, sẽ chính thức dừng thu phí.
Công nhân trải lại thảm nhựa đường
Không xong, sẽ dừng thu phí
Sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng được một thời gian, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Đồng Nai, đã xuất hiện hằn lún sâu vệt bánh xe ở nhiều vị trí tại các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Khánh, dài hơn 114km.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Cục quản lý đường bộ IV kiểm tra, giám sát chặt toàn bộ quá trình thực hiện việc khắc phục nêu trên của nhà đầu tư, đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện khiếm khuyết, hư hỏng để yêu cầu khắc phục kịp thời. Trước ngày 20/5, sẽ dừng thu phí nếu không sửa xong.
Thế nhưng, với diện tích khoảng 10.000m2 bị lún phải khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông. Hiện chủ đầu tư đã sửa chữa được trên 1.000m2 ở những đoạn lún sâu, trong khi chỉ còn 1 ngày là đến hạn phải sửa chữa xong.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 19/5, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã ra văn bản quy định đến chiều ngày 20/5 nếu không sửa chữa xong theo chỉ đạo thì sẽ dừng thu phí, cứ theo văn bản để thực hiện.
Ngày 20/5, Cục quản lý đường bộ IV sẽ trực tiếp đi kiểm tra việc sửa chữa các đoạn đường bị lún, xem chất lượng sửa chữa có đảm bảo chất lượng hay không”.
Bên cạnh đó, theo ông Huyện, diện tích 10.000m2 bị lún, nếu phần nền tốt thì cũng sửa chữa rất nhanh.
“Phải xử lý nghiêm các trường hợp trên để nâng cao chất lượng xây dựng các tuyến đường, đặc biệt là tuyến quốc lộ có mức đầu tư cao”, ông Huyện nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thanh, chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận và chi nhánh BOT 319 – Sông Phan (thuộc Tổng công ty 319) vẫn đang tiếp tục sửa chữa, bắt đầu từ ngày 17/5, đến nay vẫn đang làm”.
Khó có thể hoàn thiện trước 20/5
Nhìn nhận vấn đề từ phía chuyên gia xây dựng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Theo quan sát những ngày qua của tôi, với những kinh nghiệm có được, thì những lớp bong của nhựa đường vỡ vụn, chứ không theo kiểu gợn sóng, chứng tỏ chất lượng nhựa đường ở đây không đảm bảo.
Nếu chất lượng nhựa tốt thì nếu bong lên nó vẫn liên kết với nhau, chứ không tạo thành từng mảng vụn như chúng ta thấy.
Thêm vào đó, kết cấu nền ở dưới cũng vô cùng quan trọng, nếu nền đường yếu thì thêm phần nhựa đường không tốt thì sẽ dẫn đến lún trải dài”.
Nguyên nhân lún chủ yếu là do: một là, nền đường kết cấu làm không đảm bảo, nên khi xe lưu thông dẫn đến lún nền, nứt mặt và hỏng đường; hai là,có khi nền không vấn đề, mặt đường yếu cũng không chịu được lực tác động nên bong tróc mặt.
Theo quan sát của ông Thám, tuyến đường này do cả hai nguyên nhân, thì mới xảy ra hiện tượng lún trên đoạn đường dài, diện tích rộng. Nếu lún nứt đơn thuần thì chỉ xảy ra ở một số điểm, chứ không dài như vậy.
Được biết, chủ đầu tư dự án có sửa chữa cào bóc lớp nhựa bị đùn lún, thảm lại nhựa nhưng biện pháp này chưa thật sự triệt để.
Về phương án sửa chữa, ông Thám chỉ rõ: “Đó chỉ là giải pháp tình thế, còn nếu muốn sửa đảm bảo bền thì bắt buộc phải bóc toàn bộ phần nhựa đường ở bề mặt rồi làm lại kết cấu nền, sau khi nền bảo đảm mới thảm lại nhựa.
Hơn nữa, chất liệu nhựa phải được thay đổi từ nhựa cho đến đá, đều phải chất lượng tốt hơn, pha chế lại.
Nếu lún do bề mặt nền, lớp bê tông thì họ cào bóc lớp nhựa là hợp lý, nhưng nếu bóc lên không xử lý phần nền, thì lại sẽ tiếp tục lún nứt diện rộng.
Tất nhiên những người giám sát phải đánh giá xem chất lượng nền ra sao, bóc lên là đúng, nhưng phải lu lèn lại nền. Nếu đảm bảo thảm được thì mới được thảm lại mặt đường, đó mới là giải pháp lâu dài”.
Với đoạn đường hỏng dài đến 141km, diện tích 10.000m2, nhà nước ra chỉ thị hoàn thiện trước 20/5, thì phải thực hiện, nhưng nếu sửa kỹ càng, nén nền, rải thảm nhựa theo ông Thám là khó có thể hoàn thiện được. Bên cạnh đó, nó cũng phụ thuộc vào năng lực của nhà thầu.
Ông cũng hoàn toàn phản đối việc đổ lỗi do thời tiết nắng nóng, vì khi thiết kế con đường phải tính đến điều kiện thời tiết, nên không thể đổ lỗi cho thiên nhiên.
“Hơn nữa, hiện tượng lún nứt đã xảy ra trên quá nhiều tuyến đường, hầu hết là các cao tốc nghìn tỷ. Như cao tốc Hà Nội – Lào Cai cũng xuất hiện tình trạng trên nhưng không nhiều, còn cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chất lượng rất tốt, đây là tuyến đường theo tôi đánh giá chất lượng thi công rất ổn”, ông Thám chỉ rõ.