Ông Ashton B. Carter sẽ còn cùng ông Gen Nakatani tham dự Đối thoại Shangri-La 2016. Hai nước cân nhắc “hợp tác chi viện” cho Việt Nam và Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter. Nguồn ảnh: Hãng tin AP/BBC
BBC ngày 18/5 cho hay, theo nhiều nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản nói với hãng tin Kyodo, chính phủ hai nước Nhật Bản và Mỹ đang phối hợp chuẩn bị các bước cuối cùng cho chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter vào ngày 1/6 sắp tới.
Nguồn tin tiết lộ, chuyến thăm này sẽ xác nhận hợp tác song phương ứng phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và CHDCND Triều Tiên – quốc gia đang theo đuổi phát triển hạt nhân và tên lửa.
Đây sẽ là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của ông Ashton B. Carter kể từ tháng 4/2015, cũng sẽ là chuyến thăm Nhật Bản ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hiroshima – nơi mà Mỹ từng ném bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Qua đây để khẳng định với cộng đồng quốc tế về quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ vững chắc.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản và Mỹ, ông Gen Nakatani và ông Ashton B. Carter sẽ tham dự hội nghị an ninh châu Á tổ chức ở Singapore (Đối thoại Shangri-La) vào ngày 3/6/2016.
Chủ đề chính trong hội nghị lần này được triển khai xoay quanh vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức cấp cao các nước như Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đều sẽ tham dự.
Nhật Bản và Mỹ cân nhắc “hợp tác chi viện” cho các nước như Việt Nam và Philippines đối phó với yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tháng 4/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter thăm Nhật Bản, hội kiến với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Nguồn ảnh: Internet |
Hãng Kyodo còn cho biết, trong hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật-Mỹ, ông Gen Nakatani sẽ bày tỏ ủng hộ đối với việc Mỹ chủ trương điều tàu chiến đến khu vực xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, triển khai hành động tự do hàng hải.
Đồng thời, hai bên sẽ bàn thảo về việc hợp tác chi viện cho các nước ASEAN nâng cao năng lực cảnh giới trên biển.
Cuối cùng theo BBC, dự kiến trên nền tảng “Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ” và Luật An ninh mới của Nhật Bản được thực hiện từ tháng 3/2016 cho phép dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, hai bên sẽ còn tiến hành đối thoại về việc tăng cường hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ và Quân đội Mỹ ở cấp độ hành động.