Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinKiểu chơi mới của Đài Loan

Kiểu chơi mới của Đài Loan

Ngày 18-5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, các cuộc tập trận trên không, trên bộ và trên biển (có đổ bộ, sử dụng xe tăng và trực thăng tấn công) dọc bờ biển phía Đông, hướng về Đài Loan là nhằm kiểm tra và nâng cao khả năng đáp trả những mối đe dọa an ninh và hoàn tất các nhiệm vụ quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Động thái kể trên diễn ra đúng thời điểm bà Thái Anh Văn chính thức làm lễ nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm Mã Anh Cửu (20-5), nên càng thu hút sự quan tâm của dư luận. Được biết, cuộc tập trận kể trên do tập đoàn quân số 31 của quân đội Trung Quốc, đóng tại tỉnh Phúc Kiến tiến hành.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vừa trình lên Quốc hội, Lầu Năm Góc cho rằng, ngoài âm mưu lấn chiếm Biển Đông, Bắc Kinh còn gia tăng năng lực tấn công đổ bộ đối với mục tiêu quân sự là Đài Loan. Trung Quốc hiện chưa đủ khả năng đánh chiếm Đài Loan, nhưng Bắc Kinh đang cải tiến vũ khí và phương tiện quân sự để chờ cơ hội ra tay.

Theo thống kê, quân đội Trung Quốc đã thành lập xong 2 sư đoàn đổ bộ cơ động, 1 lữ đoàn chiến xa lội nước, 3 sư đoàn dù, 11 trung đoàn không vận, 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến và sắp hạ thủy tàu chiến đổ bộ thứ tư, có khả năng chở 4 tàu lướt sóng hoặc 4 trực thăng. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cần thêm 30 tàu chở xe tăng, 22 tàu chở quân và đã ký hợp đồng với Ukraine để mua tàu lướt sóng.

Theo nhận định của Tạp chí Quốc phòng Defense News, Bắc Kinh đã lên phương án tấn công Đài Loan, trong đó quan trọng nhất là phối hợp đổ bộ, nhảy dù, chiến tranh điện tử và phá hoại hậu cần. Thông tin trên nên được đưa ra trong bối cảnh người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20-5.

Trước đó (15-5), tờ Thời báo Tự do Đài Loan dẫn lời Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Châu Á – Thái Bình Dương Abraham Denmark cho rằng, đối mặt với năng lực quân sự không ngừng tăng lên của Trung Quốc, Đài Loan cần tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt là đầu tư cho năng lực phi đối xứng và sáng tạo để khắc phục mất cân bằng ngày càng lớn giữa hai bên. Theo thống kê, ngân sách quốc phòng do Trung Quốc công bố đã gấp 14 lần Đài Loan và việc Bắc Kinh tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự đã khiến cho an ninh của Đài Bắc bị thách thức ngày càng lớn.

Theo nhận định của giới quân sự, đến năm 2019, Đài Loan sẽ thực hiện toàn diện chế độ tuyển quân, xây dựng lực lượng tinh gọn, có thể dành một phần nguồn lực nâng cao đãi ngộ binh sĩ, nhưng vẫn không đủ cho chi phí, nhu cầu ngân sách quản lý lớn, điều này đã làm phân tán nguồn lực cần cho mua sắm và tự chế tạo vũ khí trang bị cũng như chi phí cho huấn luyện…

Ngày 13-5, Đài Loan ngang nhiên mời 5 trọng tài quốc tế và đại diện Philippines tới thăm đảo Ba Bình, thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kêu gọi Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) không ra phán quyết về vụ kiện của Manila nếu chưa thực hiện chuyến thăm này. Bởi theo quan điểm của Đài Loan, Ba Bình không chỉ là một bãi đá, mà là một hòn đảo thực sự và có giá trị như một vùng đặc quyền kinh tế. Ngược lại Philippines chỉ coi Ba Bình là một bãi đá, không phải đảo.

Cùng ngày 13-5, tờ South China Morning Post dẫn văn bản nhắc nhở tờ Thời báo Hoàn Cầu (của cơ quan cấp trên) khi tiến hành một số cuộc thăm dò dư luận “giật gân” bằng những chủ đề nhạy cảm. Bởi trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu mở cuộc thăm dò trên internet về phương án “thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”, đã dẫn đến phản ứng gay gắt từ Đài Bắc. Vì có khoảng 85% số người được hỏi ủng hộ phương án tấn công Đài Loan. Trung Quốc vừa cảnh cáo Đài Loan phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng xảy ra giữa 2 bờ eo biển. Kể từ khi bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi đầu năm 2016, Trung Quốc luôn gây áp lực đối với Đài Loan bởi quan điểm của đảng Dân Tiến luôn muốn “độc lập cho Đài Loan”.

Trước đó (8-5), Đài Loan từng cáo buộc Bắc Kinh “can thiệp chính trị” sau khi một quan chức cấp cao của Trung Quốc gieo rắc nghi ngờ về khả năng Đài Bắc duy trì vị thế quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong trường hợp quan hệ song phương bị hủy hoại. Ngày 14-5, người phát ngôn đảng Dân Tiến Vương Mẫn Sinh tuyên bố, trong tương lai, Đài Loan sẽ đầu tư thích hợp cho răn đe có hiệu quả và phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng, trở thành đối tác tin cậy của an ninh khu vực.

Ngày 16-5, Tân Hoa xã cho biết, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi 2 nước tiếp tục tập trung vào hợp tác và giải quyết khéo léo những bất đồng. Đồng thời hy vọng Mỹ ủng hộ chính sách một Trung Quốc, 3 tuyên bố chung giữa 2 nước, và “vấn đề Đài Loan”.

Ông John Kerry cho biết, Mỹ không thay đổi quan điểm trong “vấn đề Đài Loan”, và không ủng hộ “Đài Loan độc lập” dưới bất cứ hình thức nào. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cần có bộ qui tắc ứng xử đối với cảnh sát biển ở Biển Đông. Bởi theo ông Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu châu Á ở Học viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), việc thiếu Bộ Qui tắc ứng xử đang gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát biển.

Trước đó (tháng 3), tàu của Cảnh sát biển Indonesia đã đụng độ với tàu hải cảnh Trung Quốc khi họ cố giải cứu tàu cá Trung Quốc khỏi lực lượng tuần tra biển Indonesia vì đánh bắt trong vùng biển do Jakarta kiểm soát. Giới chuyên môn cho rằng, Bắc Kinh ít quan tâm đến vụ đối đầu giữa lực lượng hải cảnh nước này với các nước ASEAN vì đa số lực lượng chấp pháp biển của ASEAN quá yếu so với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới