Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế TQ hạ cánh cứng: Nga lo, Mỹ mâu thuẫn

Kinh tế TQ hạ cánh cứng: Nga lo, Mỹ mâu thuẫn

Trong bao vây, cấm vận, Trung Quốc là cánh cửa đang mở ra với Nga, nếu lại bị đóng lại thì rất khó khăn cho ngân sách và kinh tế Moscow.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) bày tỏ quan điểm trước nỗi lo ngại của giới chức Nga đối với nền kinh tế Trung Quốc.

PV: – Giới chức Nga vừa bày tỏ nỗi lo ngại rằng bất kỳ vấn đề nào xảy ra ở nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến Nga, thậm chí Nga sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng. Theo tính  toán của  Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, nếu nền kinh tế Trung Quốc suy giảm 1%, tăng trưởng GDP của Nga cũng sẽ giảm đi 0,5%.

Theo ông vì sao Nga lại lo lắng về sức khỏe kinh tế Trung Quốc như vậy? Nền kinh tế Nga vốn đã chịu tổn thương bởi giá dầu sụt giảm mạnh và các lệnh cấm vận từ phương Tây, nếu chịu thêm cú sốc từ kinh tế Trung Quốc, ông hình dung kinh tế của Nga sẽ ra sao? Điều gì sẽ giúp nền kinh tế Nga giảm thiểu tác động xấu này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: – Đối với Nga, Trung Quốc hiện là bạn hàng chiến lược, cung cấp cho Moscow nguồn vốn đầu tư rất quan trọng để phát triển kinh tế thời gian qua. Đây là điều các nhà lãnh đạo Nga lo lắng nhiều nhất vì khi Nga bị bao vây cấm vận, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi nước Nga, thậm chí có thời gian khoảng 100 tỷ USD đã chạy khỏi nước này. Không có nguồn vốn để đầu tư phát triển, kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng khó tăng trưởng được.

Về khoa học công nghệ (KHCN), hiện nay KHCN Trung Quốc chưa là gì so với thế giới, đặc biệt là công nghệ cao, đòi hỏi độ chính xác lớn, nhưng đối với hàng công nghệ thông thường, phổ dụng, hàng tiêu dùng, Trung Quốc đã đáp ứng được nhu cầu về tăng trưởng và phát triển sản xuất của nền kinh tế Nga.

Một điều khiến Nga lo lắng nếu kinh tế Trung Quốc xảy ra kịch bản xấu, đó là quan hệ thương mại giữa hai bên bên. Từ khi Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Trung Quốc xây dựng quan hệ chiến lược, thương mại Nga-Trung thành quan hệ lớn, đáp ứng nhiều nhu cầu của hai bên. Nga cung cấp cho Trung Quốc nguyên vật liệu và năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển nóng của kinh tế Trung Quốc và đây cũng nguồn thu lớn cho Nga. Trong điều kiện Nga và một số nước châu Âu có động thái gây khó dễ đối với dầu mỏ của Nga, Trung Quốc sẵn sàng hút lượng dầu từ Nga càng nhiều càng tốt, và Bắc Kinh có thể được coi là sự thay thế và thích hợp với thời điểm hiện đại.

Trong quan hệ chính trị, Nga và Trung Quốc có nhiều điểm hiểu nhau hơn và nỗ lực cộng tác với nhau.

Đối với kinh tế Trung Quốc, trong thời gian Nga bị bao vây cấm vận, Trung Quốc là nước đáp ứng nhiều mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm hàng hóa thay thế cho sản phẩm nhập từ EU và cũng là nơi tiêu thụ hàng hóa của Nga. Thế nên quan hệ hai chiều giữa Nga-Trung Quốc tương đối khăng khít và bền chặt.

Nếu Trung Quốc hạ cánh cứng, nhu cầu đầu vào của họ sẽ giảm, kể cả nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, khoa học công nghệ của Nga cũng sẽ chững lại, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách Nga.

Khi kịch bản xấu này xảy ra, lập tức khủng hoảng có thể tác động đến giá cả và thâm nhập vào thị trường Nga. Như vậy, nó không chỉ khiến hàng hóa khan hiếm, giao thương khó khăn mà vấn đề tiền tệ và các vấn đề khác trong quan hệ hai bên sẽ trở nên căng thẳng, phức tạp.

Vì thế Nga lo lắng là đương nhiên, vì Trung Quốc là cánh cửa đang mở ra để Nga tận dụng khắc phục khó khăn trong bao vây cấm vận, nếu lại bị đóng lại nó tác động lớn đến ngân sách và kinh tế Nga.

Dĩ nhiên, vấn đề hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc có một xác suất không nhỏ nhưng cũng không hề dễ dàng.  Trong điều kiện Nga bị bao vây, họ phải tính phương án xấu nhất để có thể tồn tại, phát triển, tránh được các cuộc khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị xã hội.

Để giảm thiểu tác động của kịch bản xấu nói trên, điều quan trọng nhất đối với Nga là trở thành một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Độc lập ở đây không phải là đóng cửa với thế giới mà có khả năng tự đứng vững được, có những mặt hàng rất mạnh để xuất khẩu ra thế giới, khiến thế giới cần họ và thấy rằng phải có họ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới